Trung thu không phải vỗ tay xong là về

04/09/2022 07:30 GMT+7

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Đức Bình ( ảnh ) cho rằng sức mạnh của trung thu nằm ở tinh thần chuẩn bị cho đêm rằm, chứ không phải chỉ trong tối trăng tròn đó.

Là người sáng lập nhóm Đình làng Việt, ông nhiều năm nay đã liên tục tổ chức các hoạt động truyền thống cho cộng đồng, trong đó có trung thu. Năm nay, ông sẽ tổ chức trung thu cho cộng đồng ở đâu và có gì độc, lạ?

Trước đây, tôi từng tổ chức trung thu tại Bảo tàng Hà Nội. Năm nay, Đình làng Việt có trụ sở ở Trung Tự, các cụ ở tổ dân phố cũng muốn cùng chúng tôi tổ chức cho các cháu lễ trung thu. Tôi đang soạn chương trình cụ thể, và trong đó sẽ có màn múa nghê. Đầu nghê này do TS Trần Hậu Yên Thế nghiên cứu và sáng tạo. Nhìn chung, lễ trung thu phải làm sao cho phù hợp với truyền thống nhưng mọi người vẫn được thưởng thức cái mới lạ, và cái mới lạ đó không được lai căng.

NVCC

Chúng tôi cũng sẽ có hoạt động để các cháu biết cái mình đang thưởng thức là cái gì. Ví dụ như về trung thu, chúng tôi phải mời anh Trần Đoàn Lâm (Giám đốc NXB Thế giới) để diễn thuyết cho các cháu hiểu ngày trung thu có ý nghĩa thế nào. Như thế, các cháu sẽ hiểu trước trung thu làm gì, ngày trung thu có gì hay, làm thế nào để tổ chức trung thu. Nếu có múa hát thì chúng tôi cũng sử dụng múa hát truyền thống, kể cả trang phục nữa. Cũng sẽ có thêm các bài hát mới. Nhưng những bài hát mới cũng được đặt cạnh những bài hát gợi được trung thu xưa, thời cha mẹ ông bà các cháu trải qua.

Vậy theo ông, điều quan trọng khi tổ chức trung thu là gì? Ngày xưa các cụ có từ “ăn rằm”, bây giờ nó còn đúng nữa không, thưa ông?

Đèn lồng mới cho trung thu

Bình Nguyễn cung cấp

Hiện nay, cái ăn cũng không quan trọng như ngày xưa nữa. Ngay ở phường tôi, khi tổ chức, vẫn sẽ có phá cỗ các món trung thu. Nhưng điều đó không quan trọng bằng đưa các cháu cái tinh thần trung thu, để các cháu thấy nó có ý nghĩa. Ví dụ khi làm trung thu ở Bảo tàng Hà Nội, chúng tôi phải hướng dẫn làm dụng cụ, đèn, bánh thế nào. Đấy là để các cháu thấy trung thu không chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc, trong một tối đó, mà đã được chuẩn bị qua tinh thần trung thu trước đó nhiều ngày. Điều này cũng giống như tết, tinh thần chuẩn bị đã phải nhen nhóm từ trước đó rồi. Với trung thu, chẳng hạn, nếu muốn đốt hạt bưởi thì phải chuẩn bị từ trước. Trung thu không phải chỉ là vỗ tay rồi về.

Trung thu không phải là vỗ tay rồi về, có nghĩa là sẽ có chuẩn bị, có nhiều người tham gia phải không, thưa ông?

Lúc đầu, trung thu dành cho người lớn, rồi dần dần lại chuyển cho trẻ con. Người ta nói trung thu là tết của thiếu nhi, nhưng vấn đề hiện tại lại là làm sao để cha mẹ hưởng ứng để tổ chức trung thu cho trẻ con. Có nghĩa là trung thu sẽ tạo ra kết nối thế hệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.