Trung tâm TP.HCM 'thay áo mới'

29/04/2023 05:53 GMT+7

8.000 m2 mặt bằng khu vực công viên 23 Tháng 9, ngay trước chợ Bến Thành (Q.1) vừa được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM hoàn thành công tác tái lập mặt bằng.

Tháng 10 tới, toàn bộ phần rào chắn cuối cùng của tuyến metro số 1 tại trung tâm TP cũng sẽ được tháo dỡ. Khu "đất vàng" của TP.HCM sắp được "giải phóng" sau cả thập niên ngập trong lô cốt.

[FLYCAM] Công viên 23.9 được dỡ rào chắn, lộ ra điểm check-in thú vị trung tâm TP.HCM

Lô cốt gỡ đến đâu, đường phố "lột xác" tới đó

Phần mặt bằng 8.000 m2 sẽ được bàn giao cho Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM trực thuộc Sở Xây dựng tái lập cảnh quan chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023), sớm hơn 2 tuần so với kế hoạch đăng ký trước đó.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 1, cho biết theo quy định hợp đồng, phía nhà thầu sử dụng phần diện tích công viên này từ cuối năm 2016 để phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) cho đến khi hoàn thành công trình. 

Tuy nhiên, theo yêu cầu của UBND TP, phía nhà thầu đã nỗ lực hoàn trả trước 50% phần diện tích công trường chiếm dụng của công viên 23 Tháng 9. Thời gian tới, phần hàng rào còn lại sẽ được tháo dỡ sau khi nhà ga Bến Thành hoàn thành công tác thi công xây dựng, dự kiến vào quý 4 năm nay. 

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cũng yêu cầu nhà thầu tổ chức lối thông băng ngang khu vực công trường hiện hữu từ 6 - 18 giờ hằng ngày để người dân có thể khôi phục sinh hoạt thường ngày như tập thể dục, đi dạo dọc công viên...

Trung tâm TP.HCM 'thay áo mới' - Ảnh 1.

Khu vực nhà ga Bến Thành của tuyến metro số 1 sau khi được tái lập mặt bằng

NGUYỄN ANH

Theo Sở QH-KT TP.HCM, hiện nay có 3 phương án tái lập khoảng không gian phía trước cửa Nam chợ Bến Thành, trong đó, phương án khả thi nhất đang được nghiên cứu lựa chọn là thiết kế vòng xoay thành quảng trường nhằm giữ được không gian văn hóa đặc trưng của TP. 

Cụ thể, sẽ ưu tiên về vị trí đặt tượng đài Trần Nguyên Hãn và Quách Thị Trang với xung quanh khu vực đặt tượng sẽ có cây xanh tán lớn tạo bóng mát. Ngoài ra, phương án này còn chú ý đến hình dáng các đảo giao thông, thiết kế lại cảnh quan phù hợp, điều chỉnh một số hướng tuyến giao thông... Trước khi khu vực vòng xoay Quách Thị Trang được phục dựng, một kiến trúc biểu tượng mới của TP.HCM đã được lộ diện sau khi những tấm lô cốt cuối cùng được tháo dỡ. 

Đó là hạng mục giếng trời lấy sáng (toplight) của ga Bến Thành. Hệ thống mái lấy sáng này không chỉ có chức năng lấy sáng, thông gió, thông khí cho nhà ga mà còn là điểm nhấn kiến trúc nổi bật đặc biệt, mang ý nghĩa biểu tượng cho nhà ga Bến Thành nói riêng và tuyến metro số 1 nói chung. 

Toplight được thiết kế với hình ảnh hoa sen cách điệu, với thiết kế tường kính bao bọc xung quanh tạo nên không gian mở cho công trình, giúp cho hành khách đi metro có thể nhìn trực diện qua chợ Bến Thành. Du khách bên trên cũng có thể nhìn ngắm tàu chạy và các hoạt động nhà ga bên dưới. 

Từ trên cao nhìn xuống, giếng trời như một bông sen khổng lồ, nằm giữa khuôn viên được tạo hình hoa cỏ xanh mướt. Toplight của nhà ga Bến Thành được dự báo sẽ trở thành điểm "check-in" cực "hot" cho người dân và du khách ngay giữa trung tâm TP.HCM.

Trước đó, con đường Lê Lợi cũng chứng kiến màn "lột xác" ngoạn mục sau khi lần lượt được tháo dỡ rào chắn lô cốt metro. Tròn 1 năm sau khi MAUR dọn những mảnh vật liệu xây dựng cuối cùng, đường Lê Lợi nhập cùng tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ đã trở thành điểm vui chơi, "check-in" quen thuộc của người dân và du khách khi đến TP.HCM. 

Các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm diễn ra tới tận tối muộn, đặc biệt vào các ngày cuối tuần đã được tái lập, cách khu vực cửa Nam chợ Bến Thành gần 800 m. Vòng xoay giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi (trước đây còn gọi là bùng binh Cây liễu) cũng đã được tái lập. 

Bó vỉa được làm mới toàn bộ bằng đá granit xám, xếp lên nền hiện trạng tạo thành vòng xoay hình tròn. Phần diện tích giữa bó vỉa và đài phun nước hiện hữu trồng cây xanh có cùng chủng loại và màu sắc, đan xen cách trang trí màu hoa thay đổi liên tục, phù hợp khi có các sự kiện, ngày lễ.

Vậy là sau gần 10 năm bị bủa vây bởi các hàng rào chắn bụi mù mịt từ công trường, những tuyến đường đẹp nhất trung tâm TP.HCM đang dần tái hiện với diện mạo mới đẹp hơn, khang trang hơn rất nhiều.

Trải nghiệm tàu metro Bến Thành - Suối tiên ngày chạy thử

Bài học cho những tuyến sau

Việc bàn giao những đoạn mặt bằng, hoàn trả công viên 23 Tháng 9, vòng xoay Quách Thị Trang, khu vực giếng trời lấy sáng… đánh dấu những tín hiệu xây dựng cuối cùng của nhà ga trung tâm Bến Thành. Hiện nay, MAUR đang tổ chức chạy thử từng phần tuyến metro đầu tiên dài gần 20 km từ trung tâm TP.HCM tới TP.Thủ Đức. Theo kế hoạch, vào dịp 30.4 này, metro số 1 sẽ chạy thử đoạn từ Suối Tiên đến nhà ga An Phú, phấn đấu đến ngày 2.9 chạy thử toàn tuyến, chuyển sang giai đoạn khai thác thử vào tháng 12 năm nay.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá tuyến metro số 1 có ý nghĩa quan trọng đối với TP.HCM, là công trình được người dân TP trông ngóng. Sau nhiều năm thi công, đối mặt nhiều thách thức, từng cột mốc của công trình trong giai đoạn nước rút về đích lại càng có ý nghĩa hơn. Metro số 1 là công trình vừa làm, vừa mang tính thử nghiệm, là bước đầu tiên trong quá trình tăng cường hệ thống giao thông công cộng (GTCC) trên địa bàn TP. Đây cũng là trục giao thông sầm uất, quan trọng, nối các khu đô thị đã hình thành và khá đông dân. 

Sau khi hoàn thành, tuyến metro số 1 có thể giúp nhiều người không phải đi làm bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân. Ngoài ra, suốt nhiều năm qua người dân TP đã quá ngán ngẩm những hàng rào lô cốt bụi bặm, chiếm dụng mặt đường. Tuyến metro hoàn thành, rào chắn được gỡ bỏ không chỉ trả lại môi trường thông thoáng, đường phố sạch sẽ mà còn được chỉnh trang lại đẹp đẽ hơn.

Tuy nhiên, cũng vì do mới có một tuyến đơn độc nên TS Võ Kim Cương nhận định công trình có thể chưa phát huy được hết hiệu quả. Để metro thực sự trở thành hệ thống GTCC sức chở lớn, giảm ùn tắc thì người dân sẽ phải chuẩn bị sẵn tinh thần khi TP bước tiếp vào quá trình xây dựng những tuyến metro tiếp theo. Đây là quá trình được gọi là "trạng thái công trường" - đô thị "ngập" trong những công trường xây dựng lộn xộn vật tư, vật liệu, dang dở. 

Đây là biểu hiện và cũng là quá trình tất yếu của một đô thị, một đất nước đang phát triển. Người dân sẽ thông cảm bởi sau khi trải qua giai đoạn này thì sẽ được hưởng một hạ tầng phát triển hơn, điều kiện cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, người dân chấp nhận trạng thái không có nghĩa là đủ kiên nhẫn để chịu đựng trong thời gian quá dài.

Hiện nay, tình trạng các dự án kéo dài, công trường dang dở nhiều năm, dự án thi công rồi "đắp chiếu" diễn ra khá phổ biến. Công trình dù lớn dù nhỏ cũng bị kéo dài. Nguyên nhân do cách tổ chức, thực hiện công việc, hợp đồng, khâu chuẩn bị không chu đáo ngay từ đầu. Dự án khởi công rồi mới giải quyết những trục trặc về kỹ thuật, về mặt bằng, giải ngân... nên cứ vừa làm vừa lo gỡ vướng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, ảnh hưởng bộ mặt đô thị mà ngay cả chủ đầu tư cũng khốn khổ vì càng để lâu càng đội vốn. Vì thế, cần có nghiên cữu kỹ về vấn đề này. 

3 anh em U.70 hào hứng trải nghiệm metro Bến Thành - Suối Tiên

"Chúng ta hay nhắc tới chuyển đổi số, nhắc tới trí tuệ nhân tạo AI, vậy tại sao công nghệ ngày càng phát triển, kỹ thuật xây dựng ngày càng phát triển, điều kiện ngày càng tốt hơn mà các công trình lại ngày càng tốn nhiều thời gian xây dựng hơn? Tuyến metro số 1 làm 10 năm, tuyến số 2 có giảm xuống được 3 - 4 năm hay không? Cần phải có đầu tư nghiên cứu thấu đáo tất cả các vấn đề này để rút ngắn tối đa trạng thái công trường, tiến nhanh đến giai đoạn hoàn thiện hạ tầng giao thông để ổn định, phát triển".

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.