Trung tâm tài chính Đà Nẵng nên theo hướng nào?

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
04/04/2022 08:45 GMT+7

Sau hội thảo tham vấn ý kiến dự thảo đề án xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính (hồi đầu tháng 3), việc thực hiện mô hình theo hướng nào vẫn đang được địa phương tiếp nhận ý kiến góp ý, đồng thời làm rõ một số vấn đề liên quan.

Xác định quy mô khu vực

Theo dự thảo đề án, mặc dù Đà Nẵng sở hữu nhiều điều kiện tốt về hạ tầng đô thị, môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản nhưng rất khó để trở thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế theo mô hình trung tâm truyền thống. Lý do là hiện các điều kiện chưa được đáp ứng như: mức độ phát triển của thị trường tài chính, quy mô thị trường, chất lượng hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực và các chính sách vượt trội đi kèm... VN cũng chưa thể thiết lập cơ chế để hình thành TTTC quốc tế ở một phạm vi quá rộng.

Đề án cũng xác định, nếu TP.HCM đặt mục tiêu trở thành một TTTC được xếp hạng trong nhóm 50 TTTC hàng đầu thế giới vào năm 2030 và trong nhóm 20 TTTC hàng đầu thế giới vào năm 2045, thì Đà Nẵng xác định mục tiêu phát triển thành TTTC quốc tế và gia nhập mạng lưới các TTTC khu vực vào năm 2045. Do đó, TP.Đà Nẵng hướng đến thúc đẩy phát triển tài chính cho khu vực miền Trung - Tây nguyên, hỗ trợ hoạt động tài chính, đầu tư cho khu vực Hành lang kinh tế Đông - Tây và một số quốc gia khác trong khu vực. TTTC quốc tế tại Đà Nẵng vừa hỗ trợ, bổ sung, tăng cường sức cạnh tranh cho TTTC quốc tế tại TP.HCM. Cũng theo dự thảo, giai đoạn phát triển ban đầu là hình thành một TTTC Offshore (OFC) cung cấp dịch vụ tài chính cho người không cư trú (các dịch vụ tài chính xuất khẩu). Trước mắt sẽ giới hạn phạm vi hoạt động của các nhà đầu tư tài chính trong một khu vực có ranh giới xác định với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh phục vụ cho việc cung ứng dịch vụ OFC tài chính để có thể thu hút một phần giao dịch tài chính trong khu vực.

TTTC quốc tế TP.Đà Nẵng sẽ có 2 nhóm ngành nghề chính: trực tiếp liên quan đến tài chính - ngân hàng (các dịch vụ tài chính truyền thống - tài chính offshore, công nghệ tài chính - fintech); nhóm các ngành nghề phụ trợ (kiểm toán, luật, xếp hạng tín dụng, dịch vụ tiện ích cao cấp khu nghỉ dưỡng, casino, vui chơi giải trí cao cấp, khu tổ chức hội nghị quốc tế, triển lãm, văn phòng hạng A).

Sẵn sàng quỹ đất "sạch"

Với mô hình TTTC phi truyền thống, TP.Đà Nẵng đã tổng hợp và đề xuất một số nhóm cơ chế chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn, như: được tạo điều kiện thuận lợi trong việc nhận quyền sử dụng đất để phát triển khu nghỉ dưỡng tích hợp casino và các bất động sản có liên quan đến TTTC; giảm thiểu hoặc miễn trừ các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa và sự tự do kinh doanh của các tổ chức kinh tế trong TTTC Đà Nẵng và được áp dụng mức thuế thu nhập thấp hơn; cho phép thành lập một sàn chứng khoán mới và chuyên biệt cho các tổ chức kinh tế trong TTTC niêm yết và giao dịch chứng khoán bằng USD hoặc các đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi khác; đề xuất được sử dụng “thẻ xanh” nhập cảnh để miễn trừ các thủ tục hải quan tại các sân bay, cảng biển…

Đáng chú ý, hiện TP.Đà Nẵng đã sẵn sàng có quỹ đất "sạch" khoảng 6,17 ha (quy hoạch phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp TTTC) với các điều kiện về vị trí kết nối, hạ tầng thuận lợi. Trong đó các lô A12, A13, A14, A15 đường Võ Văn Kiệt (Q.Sơn Trà) phù hợp để thiết kế chức năng văn phòng, đảm bảo tính đặc thù và yêu cầu quản lý của khu OFC trong giai đoạn đầu phát triển. Đối với lô đất A* nằm sát biển sẽ được thiết kế chức năng hỗn hợp để hình thành một điểm nhấn kiến trúc mang tính biểu tượng cho TTTC. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích đẳng cấp phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư. TP.Đà Nẵng cũng đang chuyển đổi khu công nghiệp Đà Nẵng (hơn 62 ha) thành khu trung tâm kinh doanh để hình thành khu phố tài chính liên kết với khu phức hợp, tổ hợp TTTC.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Đà Nẵng, địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng, phát triển TTTC quy mô khu vực. Việc dự báo tình hình, nhận diện đầy đủ các khó khăn, thách thức là hết sức cần thiết để có những cơ chế, chính sách phù hợp. TP.Đà Nẵng sẽ tiếp tục tiếp nhận ý kiến góp ý, phản biện nhằm đề xuất mô hình, nội hàm phát triển, cơ chế chính sách vượt trội và lộ trình xây dựng phù hợp để hoàn thiện đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. UBND TP.Đà Nẵng cũng đề xuất Quốc hội ban hành một nghị quyết về phát triển TTTC quốc tế tại Việt Nam, trong đó lựa chọn Đà Nẵng là một trong những địa phương được định hướng trở thành TTTC quy mô khu vực.

Làm gì để trở thành nhà đầu tư chiến lược ?

Theo dự thảo đề án, để trở thành nhà đầu tư chiến lược thì phải cam kết có mức đầu tư từ 5 tỉ USD, cam kết đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án TTTC Đà Nẵng sau 5 năm được cấp phép; thu hút từ 2-3 tổ chức tài chính hàng đầu thế giới (theo danh sách của Fortune Global 500) đến thành lập tổ chức kinh tế tại TTTC Đà Nẵng.

Theo đề án, dự kiến đến sau năm 2030, Đà Nẵng có được những điều kiện phát triển nhất định sẽ hỗ trợ nhà đầu tư chiến lược mở rộng khu TTTC để trở thành một TTTC khu vực. Các nhà đầu tư trong TTTC có thể xem là nhà đầu tư trong nước và trực tiếp đầu tư vào thị trường trong nước, không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn các lĩnh vực kinh tế khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.