Trung tâm MIC vẫn làm khổ học viên

29/10/2006 22:00 GMT+7

Cách đây gần 1 năm, ngày 24.12.2005, Báo Thanh Niên đã có bài viết phản ánh những vấn đề gây bức xúc tại Trung tâm (TT) Huấn luyện viên võ thuật Việt Nam (MIC) ở TP.HCM. Những tưởng sau một thời gian, trung tâm này phải có những chấn chỉnh tích cực, nhưng thực tế khác hẳn...

Càng làm đơn, càng tăng học phí !

Từ học viên (HV) mới vào học tại MIC (khóa 7) đến những HV khóa 5-6 đều có cảm giác mình bị "lừa", không rút lại được học phí nên đành phải học. Càng học càng phát hiện ra những việc làm "không giống ai" của lãnh đạo MIC, cụ thể là ông Lê Lý Thuận, Phó giám đốc thường trực. Một HV của MIC được hướng dẫn thi vào hệ tại chức của Trường ĐH Thể dục thể thao II (địa điểm học tại ĐH Sư phạm TP.HCM) kể: Tiền học phí chính thức của ĐH Thể dục thể thao II chỉ là 2,8 triệu đồng/năm nhưng MIC lại thu giùm thêm thành 3,7 triệu. HV gửi đơn thắc mắc thì ông Thuận tuyên bố: Càng làm đơn sẽ càng tăng mức học phí, có khả năng lên tới 4 triệu đồng. Có HV vì quá bức xúc nên gửi đơn tới Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Trường ĐH Sư phạm gửi trở lại MIC. Ông Thuận đã dò ra nét chữ trong đơn và đuổi học "kẻ liều lĩnh" đó.

Việc thu tiền của MIC về mọi khoản là do ông Thuận tự ý đề ra mà theo lời các học viên thì chính Giám đốc TT là PGS-TS Trịnh Hùng Thanh trả lời với HV là "cái này thầy không biết". Thêm nữa là những khoản phạt "trời ơi đất hỡi", như HV nào không đóng đủ học phí 1 năm, bị bắt đóng luôn năm sau, nếu không sẽ bị phạt 100.000 đồng. Mang dép trong giảng đường: 50.000 đồng, về ký túc xá muộn: 50.000 đồng... Có HV nợ tiền phạt tới gần 2 triệu, không có khả năng trả nên bị cấm thi, buộc phải nghỉ học. HV khi trúng tuyển vào lớp tại chức học tại ĐH Sư phạm TP.HCM trước khi học phải đóng 1 triệu cho TT và sau đó là 300.000 đồng/năm, trong khi bất kỳ ai tốt nghiệp THPT, có thâm niên làm việc cũng có thể dự thi và học bình thường. Khái niệm liên thông mà TT đưa ra cũng chỉ là để lừa phỉnh HV. Thực chất sau khi hoàn thành năm thứ nhất tại TT, HV có nguyện vọng sẽ được giới thiệu tham gia vào kỳ thi của chương trình ĐH không chính quy tập trung (tức tại chức, chuyên tu nghiệp vụ hay còn gọi chung là giáo dục thường xuyên) do Trường ĐH Sư phạm tự đứng ra tổ chức và có trách nhiệm quản lý về chương trình đào tạo, bất cứ ai có nhu cầu thi và đảm bảo các điều kiện đầu vào đều có thể theo học chứ không riêng gì HV đang học tập tại TT.

Bằng... tự cấp

Qua nhiều lần tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy HV sau khi ra trường hầu hết không nơi nào nhận về làm việc vì lý do: Bằng cấp của MIC không có giá trị vì không ai biết đến TT này, cũng không ai biết đến "cơ quan chủ quản" của nó - Công ty TNHH phát triển thể thao Việt Nam là công ty nào? Có một HV sau khi nộp hồ sơ xin việc vào một trường cấp 2 thì được trả lời: "Bằng này không biết phải trả lương như thế nào đây? Trình độ trung cấp hay cao đẳng?". HV đó về hỏi lại thầy Thuận. Thầy bèn thông báo tất cả HV nhận bằng có thể về trường... đổi lại bằng khác, mỗi người đóng 100.000 đồng. "Bằng khác" ở đây được thêm vào cụm "12+3 (tương đương cao đẳng)" - nhưng vấn đề là ai công nhận tương đương?

TT MIC được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép hoạt động từ 19.9.2000 với mục đích đào tạo giáo viên giáo dục thể chất chuyên sâu võ thuật (học 3 năm) cho các trường THCS, THPT, các TT thể thao quận, huyện dưới sự bảo trợ của Công ty TNHH phát triển thể thao Việt Nam. Tại địa chỉ của MIC (68 An Dương Vương, P.16, Q.8, TP.HCM), chúng tôi phát hiện 2 hình ảnh trái ngược: Trong khi nhiều HV đang trầy trật muốn rút hồ sơ mà không được thì nhiều tân HV khác lại háo hức tay xách nách mang, đồ đạc lỉnh kỉnh đến nhập học chuẩn bị cho buổi khai giảng khóa 8.

Theo ông Phạm Xuân Anh, Trưởng phòng Đào tạo của TT thì dự án xin thành lập trường trung học tư thục với những trang bị đầy đủ về hành lang chuyên môn và pháp lý từ năm 2002 đến nay vẫn đang trong tình trạng chờ đợi. Phải chăng, TT chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu mà Bộ đặt ra về cơ sở vật chất cũng như chất lượng đào tạo? Xem ra, với những hoạt động tự ý, nhiều dấu hiệu không sòng phẳng với HV của MIC, các cơ quan chức năng cần phải kiểm tra và có ý kiến để đảm bảo quyền lợi của người theo học.

M.Q - H.A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.