Trung tâm hành chính mới TP.HCM gây tranh cãi: Phá vỡ không gian kiến trúc khu trung tâm

Đình Sơn
Đình Sơn
03/05/2018 10:43 GMT+7

Thay vì tốn tiền cải tạo, mở rộng trung tâm hành chính mới dẫn đến nguy cơ phá vỡ kiến trúc của tòa nhà hiện hữu, các chuyên gia quy hoạch và kiến trúc cho rằng nên di dời trung tâm hành chính mới của TP.HCM ra ngoại thành.

Nên di dời ra Thủ Thiêm
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, đồ án quy hoạch công bố cho thấy sẽ có 8 cơ quan, sở ngành với khoảng 1.700 người dời vào đây làm việc trong khi khu đất chỉ 18.000 m2. Diện tích này là quá nhỏ để nâng cấp, mở rộng thành trung tâm hành chính của TP.HCM. Chưa kể TP đang phát triển rất nhanh và trong tương lai vẫn còn đang phát triển. Đến nay TP đã là một siêu đô thị với khoảng 13 triệu dân, 5 - 10 năm nữa dân số còn tăng nhiều hơn, lúc đó trung tâm hành chính chắc chắn sẽ quá tải, ùn tắc nghiêm trọng hơn khi người dân, doanh nghiệp (DN) sẽ đổ dồn về đây liên hệ công việc, giải quyết các thủ tục công.
Do đó, xây dựng trung tâm hành chính mới ở khu đô thị Thủ Thiêm, mà TP từng hướng đến là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Địa điểm này phù hợp xu thế phát triển, đi lại thuận lợi, giúp kích thích khu vực bên kia sông phát triển cũng như giải quyết được vấn đề giao thông. "Vị trí tốt nhất để xây dựng trung tâm hành chính là thẳng theo trục đường Nguyễn Huệ, nằm ở phía bên phía Q.2. Theo quy hoạch đã có một cây cầu đi bộ bắc từ Q.2 qua Q.1. Nếu cây cầu này xây dựng xong từ Q.1 qua Q.2 chỉ mất vài bước chân", KTS Nam Sơn đề xuất.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM nói thẳng phá bỏ khu nhà phía sau UBND TP, trước đây là trụ sở của Bộ Quốc phòng chế độ cũ là điều không nên làm vì nó là di tích lịch sử, cần giữ lại để người dân biết. Hơn nữa, đây là kiến trúc đẹp, lại là công sản, bảo tồn dễ. Thực tế hiện nay nhiều biệt thự cổ do cá nhân sở hữu, việc bảo tồn rất khó. Không những vậy, sự phân bố các công trình ở khu này đã hài hòa, ổn định, nếu xây dựng thêm một tòa nhà mới sẽ phá vỡ cảnh quan của cả khu vực.
Cũng theo TS Võ Kim Cương, TP.HCM chưa nên làm trung tâm hành chính lúc này vì còn rất nhiều vấn đề cấp bách cần phải giải quyết như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… Khi giải tỏa các trụ sở cũ để xây tòa nhà mới, dồn các sở ngành về đây sẽ tạo thêm áp lực cho khu trung tâm. Lúc đó nạn kẹt xe sẽ trầm trọng thêm, nhất là trong bối cảnh các con đường dẫn vào khu trung tâm TP đã ùn tắc nghiêm trọng. Nếu tiếp tục dồn các cơ quan hành chính về đây chắc chắn lượng người đổ về sẽ càng nhiều, các cao ốc sẽ được xây dựng nhiều hơn và chuyện quá tải hạ tầng là điều khó tránh khỏi. "Trong trường hợp bắt buộc phải xây trung tâm hành chính, tôi ủng hộ phương án xây trung tâm hành chính mới ở Thủ Thiêm vì như vậy sẽ có một khu hành chính hiện đại hơn; tạo lực hấp dẫn và sức hút đầu tư về phía Đông, phù hợp xu hướng TP muốn làm đô thị sáng tạo phía đông”, ông Cương nói.
Xây dựng TP mới, giảm áp lực cho trung tâm
Từng đi nhiều nước học tập kinh nghiệm về quản lý đô thị, quy hoạch xây dựng, KTS Trần Tuấn, cho rằng thay vì xây dựng ngay tại trung tâm, TP.HCM có thể xây dựng một TP mới với một trung tâm hành chính hiện đại. Khi trung tâm hành chính dời về đây sẽ kéo các dịch vụ tài chính ngân hàng, y tế, giáo dục ra ngoại thành.
KTS Trần Tuấn cũng cho rằng Q.2 là tốt nhất bởi Thủ Thiêm từng được nhắm đến, vừa là nơi có quỹ đất rộng được quy hoạch bài bản thông thoáng, thuận lợi về mặt thiết kế một trung tâm hành chính mới. Tạo ra một TP mới sẽ làm đối trọng với trung tâm TP vốn đã quá cũ, quá chật hẹp đồng thời giữ lại được các kiến trúc cổ của UBND TP và dinh Thượng Thư, vốn là biểu tượng văn hóa của TP nói riêng và cả nước.
“Lẽ ra TP.HCM phải có một trung tâm hành chính xây mới ít nhất như của Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... chứ không chỉ quanh quẩn mãi tư duy bó hẹp trong khu trung tâm Q.1, không thoát ra được lối mòn khiến tầm nhìn cũng bị hạn chế. Di dời trung tâm hành chính ra ngoài là một lựa chọn hoàn hảo khi nó chỉ cách khu vực trung tâm một con sông và cách trụ sở cũ vài km”, KTS Tuấn phân tích.
Lấy Malaysia làm điển hình, một chuyên gia quy hoạch cho biết nước này đã xây dựng một TP mới và đưa toàn bộ trung tâm hành chính về đây. Không chỉ giúp giãn dân, TP mới được quy hoạch bài bản còn là nơi thu hút du khách, phát triển thị trường bất động sản, phát triển đô thị...
Tương tự nước Đức, các TP thuộc Đông Đức cũ sau khi thống nhất nước gần như được bảo tồn hoàn toàn và một TP mới được xây ở lân cận. Điều này giúp nước Đức vừa đảm bảo mang tính qui hoạch lâu dài, vừa xây dựng một TP mới hiện đại, vừa bảo tồn được các di sản mang tính lịch sử. Mỹ chỉ có lịch sử hơn 200 năm nhưng họ bảo vệ TP cũ, bảo vệ cả lề đường, họng cứu hỏa, bảo vệ cả máng tàu ngựa ăn cỏ nên vào TP rất là lạ. Để phục vụ phát triển, nước Mỹ cho xây dựng TP mới rộng rãi, cao tầng, hiện đại gần bên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.