TNO

Trung Quốc xây ‘tàu sân bay không chìm’ trên Biển Đông để làm gì ?

19/05/2015 09:34 GMT+7

(Tin Nóng) Dưới góc nhìn kinh tế, tạp chí The Morley Fool (Mỹ) ngày 17.5 có bài viết cho rằng Trung Quốc xây các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa nhằm kiểm soát lưu thông ở Biển Đông, hợp thức hoá chủ quyền phi lý và để chiếm trọn trữ lượng dầu khí trị giá gần 500 tỉ USD tại đây.

(Tin Nóng) Dưới góc nhìn kinh tế, tạp chí The Morley Fool (Mỹ) ngày 17.5 có bài viết cho rằng Trung Quốc xây các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa nhằm kiểm soát lưu thông ở Biển Đông, hợp thức hoá chủ quyền phi lý và để chiếm trọn trữ lượng dầu khí trị giá gần 500 tỉ USD tại đây.

Trung Quốc xây ‘tàu sân bay không chìm’ trên Biển Đông để làm gì ? - ảnh 1
Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo trái phép cùng 1 đường băng dài 3.000 m ở Đá Chữ Thập chiếm của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, biến nơi đây cùng các nơi chiếm đóng trái phép khác thành “tàu sân bay không thể đánh chìm” - Ảnh: Google Earth

Theo bài báo này, trong chiến tranh thế giới thứ II, các đô đốc hải quân Mỹ xem các đảo và chuỗi đảo họ chiếm được là các “tàu sân bay không thể đánh chìm” để sử dụng chống lại quân đội Nhật Bản. Nay liệu các “tàu sân bay không thể đánh chìm này” có thể được sử dụng trong thế chiến thứ III ?

Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách của Lầu Năm Góc phải mất ngủ khi Trung Quốc ngày đêm ồ ạt cải tạo đất, xây đảo nhân tạo phi pháp ở các bãi đá chiếm đóng trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành các căn cứ quân sự cho không quân và hải quân.

Nhưng vì sao Trung Quốc lại làm điều này, ai sẽ hưởng lợi và chi phí phải bỏ ra là bao nhiêu ?

Xây đảo để củng cố chủ quyền phi pháp

Báo Wall Street Journal trong tuần qua có nhiều bài viết cho hay Trung Quốc đang đẩy mạnh yêu sách chủ quyền tuyệt đối trên Biển Đông bằng cách xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo xây trái phép ở 7 bãi đá chiếm của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa.

Một quan chức Trung Quốc còn ngang ngược nói việc xây đảo là điều cần thiết để "bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền hàng hải, giúp Trung Quốc thực hiện đầy đủ các trách nhiệm quốc tế trong một số lĩnh vực, như tìm kiếm cứu nạn trên biển".

Mỹ tuy không tham gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng phản đối việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo để sau đó tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.

Nhưng nếu các yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa là rất mong manh, tại sao họ lại làm vậy ?

Tạo sự đã rồi

Theo The Motley Fool, có một số lý do có thể giải thích cho hành động này.

Đầu tiên, phần lớn hàng hoá thương mại của thế giới là lưu thông qua Biển Đông và quần đảo Trường Sa. Là một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, Trung Quốc muốn bảo vệ lợi ích trong nền thương mại biển này. Xây dựng một chuỗi “tàu sân bay không thể chìm” trên Biển Đông là một trong những cách để làm điều đó.

Lý do thứ hai là nhằm đối phó với tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng Đông Nam Á, Trung Quốc xây dựng các đảo này để tạo một thực tế đã rồi trên thực địa.

Một khi Trung Quốc đã tạo được chỗ đứng trên Biển Đông, thì khó mà để buộc nước này rút lui. Đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, ông David Hunt giải thích với The Motley Fool về các động thái tuyên bố chủ quyền của Nga ở Bắc Cực gần đây rằng một khi ai đó đã cắm một lá cờ trên một hòn đảo, người khác muốn lấy hòn đảo sẽ có hai sự lựa chọn: Hoặc đàm phán, hoặc phải nổ súng.

Trung Quốc xây ‘tàu sân bay không chìm’ trên Biển Đông để làm gì ? - ảnh 2
Toàn cảnh Đá Gạc Ma với các công trình do Trung Quốc xây dựng trái phép - Ảnh: Mai Thanh Hải

Muốn chiếm hết tài nguyên dầu khí ở Biển Đông

Nhiều chuyên gia cho rằng động lực quan trọng nhất đằng sau việc xây đảo nhân tạo để giành chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông chính là trữ lượng dầu khí phong phú ở đây.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng của Mỹ, trong khi chưa có ai xác nhận thực tế trữ lượng dầu khí bên dưới quần đảo Trường Sa, khu vực này "có thể chứa nhiều lượng dầu khí chưa được khám phá". Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính trữ lượng dầu ở khu vực này khoảng từ 0,8 đến 5,4 tỉ thùng (trung bình 2,5 tỉ thùng) và khoảng 7,6 - 55,1 ngàn tỉ feet khối khí đốt (trung bình 25,5 ngàn tỉ feet khối, tức 722 tỉ m khối).

Và Trung Quốc muốn chiếm lấy tất cả.

Giả sử ta dự đoán trung bình lượng dầu khí tương đương vào khoảng 6,9 tỉ thùng dầu nằm ở quần đảo Trường Sa. Với mức giá hiện nay khoảng 60 USD một thùng, thì trữ lượng dầu ở Trường Sa vào khoảng 414 tỉ USD. Điều này có thể bổ sung vào dự trữ của tập đoàn dầu khí CNOOC của Trung Quốc, kẻ đã đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam năm 2014. Để kiểm soát nguồn tài nguyên này, Trung Quốc tạo ra khoảng 2.000 mẫu Anh (800 ha) diện tích các đảo mới, biến mỗi đảo thành tâm điểm của một vùng đặc quyền kinh tế nằm rải rác khắp nơi trên Biển Đông.

Trung Quốc xây ‘tàu sân bay không chìm’ trên Biển Đông để làm gì ? - ảnh 3
Đường băng Trung Quốc xây phi pháp trên Đá Chữ Thập đã gần hoàn tất - Ảnh vệ tinh/CSIS
Trung Quốc xây ‘tàu sân bay không chìm’ trên Biển Đông để làm gì ? - ảnh 4
Tàu Trung Quốc đang xây đảo trái phép ở Đá Xu Bi của Việt Nam - Ảnh: CSIS

Chi phí xây dựng đảo là bao nhiêu ?

Khoảng một thập kỷ trước đây, Dubai đã chi 14 tỉ USD xây hòn đảo mới có tên “Thế giới” có diện tích 12.800 mẫu Anh (5.180 ha), trung bình mỗi mẫu Anh tốn 1,4 triệu USD tính theo giá hiện nay. Nếu lấy giá này nhân cho diện tích 2.000 mẫu Anh của 7 đảo nhân tạo, thì chi phí Trung Quốc bỏ ra ít nhất là 2,8 tỉ USD, một cái giá quá hời so với 414 tỉ USD của lượng dầu khí mà nước này sau đó sẽ kiểm soát nếu được.

Gần hơn với quần đảo Trường Sa về thời gian và khoảng cách địa lý, Malaysia đang xây dựng một đảo nhân tạo mang tên "Thành phố rừng" ở eo biển ngoài tỉnh Johor. Dự án này có chi phí theo báo cáo là 86,4 tỉ USD để tạo ra hòn đảo rộng 4.050 mẫu Anh (1.639 ha), tức khoảng 21,3 triệu USD cho mỗi mẫu Anh. Với mức giá này, các “tàu sân bay không thể chìm” của Trung Quốc có chi phí xây dựng lên đến 42,6 tỉ USD, tuy đắt nhưng lượng dầu khí thu tóm được sau này sẽ gấp 10 lần chi phí đã bỏ ra.

Lầu Năm Góc đang thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách lên kế hoạch đưa máy bay, tàu chiến đến sát các đảo nhân tạo này, nhưng các quan chức cấp cao của Mỹ lại nói rằng "Chúng tôi chỉ không đi vào bên trong khoảng cách 12 hải lý (22 km) của các đảo này”, theo Wall Street Journal. Nghĩa là khoảng cách 12 hải lý xem như Trung Quốc sẽ được hưởng theo luật pháp quốc tế, nếu các đảo nhân tạo này được coi là lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc. Trong thời gian này, yêu sách của Trung Quốc đối với dầu khí - như những đảo nhân tạo đang xây dựng - chỉ càng phát triển mạnh mẽ hơn, theo The Motley Fool.

Anh Sơn

>> Xem tàu Trung Quốc bám theo tàu Mỹ ở gần Trường Sa
>> Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ: Tuần tra gần Trường Sa là thường lệ
>> Hạm đội 7 Mỹ phô diễn sức mạnh trên Biển Đông
>> Trung Quốc bắt đầu xây đường băng ở Đá Chữ Thập
>> Mỹ phản đối Trung Quốc xây ‘trường thành cát’ trên Biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.