Trung Quốc tiết lộ kế hoạch tham vọng phát triển nền kinh tế kỹ thuật số

15/01/2022 10:38 GMT+7

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về “nền kinh tế kỹ thuật số” của Trung Quốc có phạm vi rộng lớn, bao gồm từ truyền thông đến thương mại điện tử.

Theo South China Morning Post, chính phủ Bắc Kinh đã công bố một kế hoạch lớn nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu trong nền kinh tế kỹ thuật số trước năm 2025, khi Mỹ được cho là đang tiến tới với dự luật ủy quyền tài trợ hàng tỉ USD để tăng cường năng lực trong bối cảnh chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung.

Theo kế hoạch mới, Trung Quốc phải nắm bắt các cơ hội mà nền kinh tế kỹ thuật số mang lại

Reuters

Kế hoạch về nền kinh tế kỹ thuật số sẽ là “lực lượng chủ chốt trong việc tổ chức lại các nguồn lực toàn cầu, định hình lại cấu trúc kinh tế toàn cầu và thay đổi bối cảnh cạnh tranh toàn cầu”, theo nội dung của tài liệu mới được công bố hôm 12.1. Tài liệu bao gồm 11 chương tập trung vào các lĩnh vực khác nhau và không đề cập đến bất kỳ quốc gia cụ thể nào, nhưng lưu ý rằng “tất cả các nước lớn đang tiến hành hoạch định chiến lược và đưa ra sáng kiến để tạo ra lợi thế cạnh tranh mới sẽ định hình lại cục diện quốc tế trong thời đại kỹ thuật số”.

Theo kế hoạch, Trung Quốc phải nắm bắt các cơ hội mà nền kinh tế kỹ thuật số mang lại. Trong giai đoạn 5 năm từ 2021 đến 2025, Trung Quốc sẽ cải thiện quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của chuỗi cung ứng, thu hẹp khoảng cách về dữ liệu giữa các ngành và nhóm xã hội khác nhau, sử dụng tốt hơn nguồn dữ liệu và cải thiện quản trị của nền kinh tế kỹ thuật số.

Kế hoạch mới tán thành mục tiêu đưa sản lượng của các ngành công nghiệp cốt lõi trong nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc lên 10% GDP của cả nước vào năm 2025, tăng so với mức 7,8% vào năm 2020. Các mục tiêu khác được đặt ra bao gồm tăng gấp 10 lần số hộ gia đình Trung Quốc kết nối với băng thông rộng với tốc độ ít nhất 1 gigabyte/giây, đạt 60 triệu hộ gia đình vào năm 2025, tăng từ 6,4 triệu trong năm 2020. Ngoài ra, 45% doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc sẽ được kết nối với “nền tảng internet công nghiệp” vào năm 2025, tăng từ 14,7% trong năm ngoái. 800 triệu cư dân sẽ đăng ký dịch vụ trực tuyến của chính phủ với danh tính thực của họ, gấp đôi so với mức 400 triệu trong năm 2020.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng cường khả năng nghiên cứu cơ bản trong “các lĩnh vực chiến lược” như cảm biến, thông tin lượng tử, truyền thông, mạch tích hợp, phần mềm quan trọng, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và vật liệu mới. Nước này cũng tìm cách cải thiện khả năng tự cung tự cấp về “phần cứng và phần mềm cơ bản, linh kiện điện tử cốt lõi, vật liệu cơ bản quan trọng và thiết bị sản xuất” để tăng cường an ninh chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp chủ chốt như “5G, mạch tích hợp, phương tiện năng lượng mới, AI và internet công nghiệp”.

Trong khi nhiều mục tiêu cụ thể trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 đã được đưa vào các tài liệu của chính phủ Trung Quốc trước đó, nhưng kế hoạch kinh tế kỹ thuật số lần này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bắc Kinh về một khu vực kinh tế kỹ thuật số lớn hơn, mạnh mẽ hơn. Ví dụ, Trung Quốc có mục tiêu tăng quy mô ngành dịch vụ phần mềm và công nghệ thông tin từ 8.200 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1,3 tỉ USD) hiện tại lên 14.000 tỉ nhân dân tệ vào năm 2025, thúc đẩy thương mại kỹ thuật số từ 37.200 tỉ nhân dân tệ lên 46.000 tỉ nhân dân tệ so với cùng kỳ.

Tham vọng của Bắc Kinh đối với nền kinh tế kỹ thuật số và các công nghệ cốt lõi đã làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ có thể mất vị trí dẫn đầu công nghệ vào tay Trung Quốc. Theo báo cáo do Trung tâm Khoa học và Các vấn đề Quốc tế Belfer tại Trường Harvard Kennedy công bố hồi tháng trước, trong vòng một thập niên tới, Trung Quốc có khả năng sẽ đuổi kịp Mỹ về công nghệ nền tảng của AI, 5G, khoa học thông tin lượng tử, chất bán dẫn, công nghệ sinh học và năng lượng xanh.

Theo Bloomberg đưa tin hôm 13.1, Hạ viện Mỹ đang chuẩn bị đưa ra dự luật về khả năng cạnh tranh của Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian bỏ phiếu tại Hạ viện hiện chưa rõ ràng sau khi Thượng viện thông qua dự luật hồi tháng 6.2021. Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ đã khiến Bắc Kinh tức giận, vì nó bao gồm nhiều điều khoản nhắm vào công nghệ và doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo Xếp hạng Năng lực Cạnh tranh Kỹ thuật số của IMD năm 2021, Mỹ là quốc gia cạnh tranh kỹ thuật số mạnh nhất thế giới kể từ năm 2018. Bảng xếp hạng này đo lường cách thức 64 nền kinh tế áp dụng công nghệ kỹ thuật số để chuyển đổi kinh tế và xã hội. Trong cùng kỳ, Trung Quốc đã tăng 15 bậc lên vị trí thứ 15.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.