Trung Quốc thử nghiệm thiết bị phát hiện dòng chảy ngầm nguy hiểm ở Biển Đông

Văn Khoa
Văn Khoa
12/10/2021 09:53 GMT+7

Giới khoa học Trung Quốc cho hay họ đã thử nghiệm một thiết bị theo dõi ở Biển Đông có thể cải tiến việc phát hiện dòng chảy bị cho là nguy hiểm đối với tàu ngầm.

Bộ cảm biến được giới khoa học Trung Quốc thử nghiệm ở Biển Đông

Chụp màn hình SCMP

Cụ thể, trong nghiên cứu được đăng trên chuyên san Earth Science Frontiers ngày 9.10, các nhà nghiên cứu Trung Quốc nói rằng thiết bị nói trên, một bộ cảm biến nặng 1,4 tấn, có thể hoạt động dưới đáy biển trong nhiều tuần và nổi lên mặt nước để phản hồi tín hiệu từ tàu mẹ, theo tờ South China Morning Post (SCMP) hôm nay 12.10.

“[Bộ cảm biến sẽ thu thập] lượng lớn dữ liệu cần thiết cho việc phát hiện thêm cơ chế của các sóng nội riêng biệt ở đáy biển”, Giáo sư Giả Vĩnh Cương cùng các đồng nghiệp tại Đại học Hải Dương Trung Quốc cho hay trong nghiên cứu.

Những dòng chảy dưới nước được xem như sóng nội là mối nguy hiểm nghiêm trọng ở Biển Đông. Một số cơn sóng có thể trải dài hơn 100 km và nhanh chóng kéo tàu ngầm xuống độ sâu có thể khiến tàu bị vỡ.

"Luồng nước đen" nào có thể khiến tàu ngầm Trung Quốc tấn công Đài Loan "đi dễ khó về"?

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho hay thiết bị mới có thể hoạt động dưới đáy biển trong nhiều tuần, phát hiện thông tin sớm hơn với tầm hoạt động lớn hơn. Giáo sư Giả cùng nhóm đồng nghiệp của ông cho biết thêm dữ liệu thu thập được sẽ hỗ trợ các nhà nghiên cứu tạo ra các mô hình chính xác hơn để dự đoán sự hình thành và sức mạnh của các con sóng nội ở Biển Đông.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học Trung Quốc cho hay đã thử nghiệm bộ cảm biến nói trên ở Biển Đông 2 lần trong năm 2020, thả thiết bị này xuống đáy biển ở độ sâu khoảng 600 và 1.400 m.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.