Trung Quốc tập trận gây căng thẳng ở Biển Đông

27/08/2020 08:17 GMT+7

Liên tiếp tổ chức tập trận, Trung Quốc tiếp tục khiến tình hình Biển Đông căng thẳng hơn khi phóng 2 tên lửa Đông Phong 21 và Đông Phong 26 ở vùng biển này vào hôm qua 26.8.

Phóng tên lửa đạn đạo

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ tập trận ở Hoàng Sa 

Ngày 26.8, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tập trận quân sự tại vùng biển phía bắc đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, hủy và không tái diễn vi phạm tương tự”.
Trước đó, tối 21.8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) phát đi thông báo cho biết nước này sẽ tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông từ ngày
24 đến ngày 29.8, với khu diễn ra tập trận rộng khoảng gần 49.000 km2. Đây là cuộc tập trận thứ 2 của Trung Quốc quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa từ đầu tháng 7 đến nay.
Vũ Hân 
Khuya hôm qua 26.8, tờ South China Morning Post dẫn một số nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết nước này vừa phóng 2 tên lửa đạn đạo trong buổi sáng cùng ngày. Trong đó, một tên lửa là loại Đông Phong 21 (DF-21) phiên bản DF-21D được bắn từ tỉnh Chiết Giang và tên lửa còn lại là loại Đông Phong 26 (DF-26) phiên bản DF-26B được bắn từ tỉnh Thanh Hải. Cả hai đều được bắn đến vùng biển giữa đảo Hải Nam với quần đảo Hoàng Sa.
DF-26 là loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên đến 4.000 km, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. DF-26 có phiên bản dùng để tấn công tàu sân bay nên được Bắc Kinh giới thiệu bằng các danh xưng như là “sát thủ diệt hạm”, “sát thủ tiêu diệt tàu sân bay”. Thậm chí, truyền thông Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia quân sự nước này cho rằng với DF-26 thì Bắc Kinh có thể tổ chức tấn công cả căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam. Cũng vì thế, Trung Quốc còn có một danh xưng là “sát thủ diệt Guam”.
Khi tầm bắn của DF-26 vươn đến đảo Guam thì đồng nghĩa với việc bao trùm cả Biển Đông. Còn DF-21 là dòng tên lửa chống tàu chiến có tầm bắn khoảng 1.700 km. Chính vì thế, DF-21 và DF-26 có thể xem là bộ đôi “sát thủ diệt hạm”.
Trung Quốc tập trận    gây căng thẳng ở Biển Đông

Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận

Ảnh: CHINAMIL

Bắc Kinh đẩy mạnh phối hợp các lực lượng

Mỹ cấm vận 24 công ty Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông 

Chính phủ Mỹ ngày 26.8 công bố lệnh cấm vận đối với 24 công ty nhà nước cùng những quan chức của Trung Quốc có liên quan đến hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Theo thông báo của Bộ Thương mại Mỹ, 24 doanh nghiệp nhà nước bị liệt vào danh sách cấm vận bao gồm các công ty con của Tập đoàn xây dựng viễn thông Trung Quốc (CCCC) và một đơn vị của Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc.
Đây là động thái mới nhất của Washington nhằm gây áp lực với Bắc Kinh vì chính quyền Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự hóa Biển Đông, chiếm đóng, bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bị liệt vào danh sách cấm vận đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, theo AFP. Bộ Thương mại sẽ chặn việc xuất khẩu hàng hóa và nguyên liệu của Mỹ cho 24 công ty này.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này sẽ không cấp thị thực cho các cá nhân, quan chức Trung Quốc có liên quan hoạt động bồi đắp phi pháp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ không công bố danh tính của những người này.
Phúc Duy 
Cũng vào hôm qua, trả lời Thanh Niên về diễn biến trên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng: “Trung Quốc tiến hành phóng tên lửa sớm hơn tôi dự kiến. Đây có thể là cuộc tập trận quan trọng nhất của hải quân Trung Quốc trong 2 năm qua. Bên cạnh việc kiểm nghiệm độ chính xác của một hệ thống vũ khí, việc phóng tên lửa DF-21 và DF-26 còn thể hiện việc Bắc Kinh muốn tăng cường khả năng hỗ trợ hải quân bằng cách phối hợp hỏa lực từ đất liền với trên biển. Nên đây có thể xem là diễn biến mới mang tính bước ngoặt khi Trung Quốc phối hợp tập trận chung giữa lực lượng tên lửa và quân chủng hải quân”.
Trước đó, trong bài viết Trung Quốc âm mưu dùng “sát thủ diệt hạm” kiểm soát Biển Đông được đăng trên Thanh Niên ngày 9.8, cựu đại tá Schuster đã dự báo: “Nhiều khả năng, trong thời gian tới, lực lượng tên lửa và hải quân Trung Quốc sẽ sớm có cuộc tập trận chung”.

Tên lửa DF-21

Ảnh: reuters

Căng thẳng còn dâng cao

ASEAN - Hàn Quốc nhấn mạnh cần duy trì hòa bình ở Biển Đông 

Sáng 26.8, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN VN, đã tham dự Đối thoại thường niên cấp thứ trưởng giữa ASEAN và Hàn Quốc lần thứ 24, được tổ chức theo hình thức trực tuyến. 
Tại đối thoại, phía Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với ASEAN thông qua chương trình Ứng phó nhanh Covid-19 trị giá 10 triệu USD, các hoạt động chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phòng ngừa và điều trị, nâng cao năng lực cho các trung tâm y tế tại khu vực. Hàn Quốc đề xuất khả năng lập hành lang đi lại an toàn tạo điều kiện cho di chuyển của doanh nhân, các nhà đầu tư và hàng hóa thiết yếu trong khu vực... Cũng tại đối thoại, Hàn Quốc ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Vũ Hân
Cũng trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: “Việc Trung Quốc khai hỏa tên lửa DF-21 và DF-26 phần nào thể hiện sự lo lắng của Bắc Kinh trước các hoạt động của các nhóm tác chiến tàu sân bay do Washington đưa đến Biển Đông”.
Theo TS Nagao, quay lại quá khứ, khi eo biển Đài Loan căng thẳng vào năm 1996, Bắc Kinh đã gây áp lực quân sự với Đài Bắc, nhưng rồi kế hoạch bị thất bại khi Washington điều động tàu sân bay đến vùng biển này. Thời gian gần đây, trước các hành vi của Trung Quốc, Mỹ cũng đã liên tục triển khai đến 3 nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), và đã có lúc 2 nhóm tác chiến tàu sân bay trong số đó tập trận chung ở Biển Đông. “Vì thế, Trung Quốc muốn dùng DF-21 như thứ vũ khí răn đe ngược lại”, TS Nagao đánh giá. Tương tự, TS Koh Swee Lean Collin (chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) cũng cho rằng Trung Quốc muốn chứng tỏ khả năng tấn công các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.

Úc thu hồi sách in bản đồ “đường lưỡi bò” 

Nhà xuất bản Cengage Learning Asia (Úc) vừa thông báo thu hồi khoảng 750 cuốn sách giáo khoa vì có in hình bản đồ đường lưỡi bò phi pháp trên Biển Đông. Theo tờ The Guardian ngày 26.8, cuốn sách về ngôn ngữ, văn hóa và xã hội Trung Quốc do hai tác giả Xu Jixing và Ha Wei biên soạn, đã bán được 633 cuốn tại Úc và 100 cuốn ở nước ngoài. Ngoài ra, bản đồ còn thể hiện yêu sách Tứ Sa, tên gọi phi pháp của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bãi Macclesfield và quần đảo Pratas. Hai tác giả phủ nhận trách nhiệm trong khi nhà xuất bản xin lỗi và nói sự việc là do sơ suất của biên tập viên. Cuốn sách đang được sử dụng tại ít nhất 11 trường trung học ở bang Victoria.
Vi Trân
Liên quan tên lửa DF-21, TS Nagao từng phân tích: “Trong tương lai, như Bắc Kinh đã tiết lộ, thì tên lửa chống hạm DF-21 sẽ có phiên bản được phóng từ máy bay chiến đấu dòng H-6. Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch này vào năm 2025 và tầm bắn của DF-21 lên đến 3.000 km”. H-6 chính là dòng oanh tạc cơ mà gần đây Bắc Kinh đã điều động đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Vừa qua, Trung Quốc cũng đã triển khai một số oanh tạc cơ H-6G và H-6J thuộc dòng H-6 tham gia tập trận ở Biển Đông.
PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) nhận định: “Việc Trung Quốc khai hỏa DF-21 và DF-26, vốn đều được xem là “sát thủ diệt hạm”, ở Biển Đông thể hiện ý đồ tăng cường sức mạnh quân sự tại vùng biển này, sẵn sàng đối đầu với các tàu sân bay Mỹ. Đây cũng là cách chính quyền Trung Quốc đối phó với dư luận trong nước khi Bắc Kinh đang bị Washington gia tăng áp lực toàn diện. Với tình hình hiện nay, nhiều khả năng là căng thẳng tiếp tục leo thang từ cả hai phía Mỹ và Trung Quốc”.

Trung Quốc tố Mỹ đưa máy bay trinh sát vào vùng cấm bay

 
Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo đã “giao thiệp nghiêm khắc” với Mỹ liên quan đến việc một máy bay trinh sát U-2 của Mỹ bay vào khu vực tập trận của Trung Quốc ngày 25.8. Theo Reuters, Trung Quốc tố cáo máy bay Mỹ xâm phạm vùng cấm bay tại Chiến khu miền bắc của nước này trong lúc cuộc tập trận bắn đạn thật đang diễn ra. Đáp lại, không lực Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF) thông báo một máy bay U-2 đã thực hiện chuyến bay tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tuân thủ các quy tắc quốc tế cũng như quy định về hàng không.
Bảo Vinh
 

Philippines sẽ cầu viện Mỹ 
nếu bị Trung Quốc tấn công 

Trong cuộc phỏng vấn với Đài ABS-CBN, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm qua cho biết nếu Trung Quốc tấn công các tàu hải quân Philippines ở Biển Đông thì Manila sẽ kích hoạt viện dẫn Hiệp ước phòng thủ chung, cầu viện Mỹ. Ông Locsin đồng thời cho biết Philippines sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra trên không ở Biển Đông (cụ thể là gần bãi cạn tranh chấp Scarborough), bất kể Trung Quốc ngang ngược gọi đó là “hành động khiêu khích bất hợp pháp”.
Đây là lần đầu tiên một bộ trưởng dưới thời chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte công khai tuyên bố sẽ kêu gọi sự hỗ trợ từ Mỹ. Mối quan hệ Philippines - Trung Quốc được cải thiện dưới thời Tổng thống Duterte. Ông Duterte từng tuyên bố hủy bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ năm 1998. VFA cho phép Mỹ điều các đơn vị quân sự sang Philippines để tham gia tập trận chung hay hỗ trợ chống khủng bố. Tuy nhiên, Manila sau đó đã hoãn quyết định từ bỏ VFA hồi tháng 6.
Phúc Duy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.