Trung Quốc tăng cường tàu tấn công đổ bộ ‘khủng’, gây đe dọa ở Biển Đông

25/04/2021 10:00 GMT+7

Qua việc biên chế tàu đổ bộ tấn công Type 075 cho Chiến khu Nam bộ, Trung Quốc đã gây nhiều quan ngại ở Biển Đông khi có thể tiến thêm 1 bước trong việc tăng cường sức mạnh đổ bộ tấn công ở vùng biển này.

Ngày 24.4, South China Morning Post đưa tin Trung Quốc vừa đưa vào biên chế 3 tàu chiến tại tỉnh Hải Nam, bao gồm tàu đổ bộ tấn công Hải Nam thuộc loại Type 075, tàu khu trục Đại Liên thuộc loại Type 055 và tàu ngầm hạt nhân Trường Chinh 18 thuộc loại Type 094.

Theo tờ báo dẫn lời giới quan sát, khi được đồn trú ở cảng Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam và trực thuộc Chiến khu Nam bộ, thì 3 chiến hạm trên nhiều khả năng có thể được điều động đến Biển Đông hoặc cả eo biển Đài Loan.

Thực tế, vào tháng 11.2020, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu đổ bộ tấn công mang máy bay trực thăng Type 075 của Trung Quốc đã neo đậu ở căn cứ hải quân Du Lâm (TP.Tam Á, đảo Hải Nam), hướng ra Biển Đông.

Trung Quốc đã hạ thủy 3 chiếc Type 075

China Daily

Ở khu vực này, ngoài tàu đổ bộ Type 075, Trung Quốc còn triển khai một số tàu đổ bộ Type 071 có thể mang theo máy bay trực thăng, tàu đổ bộ đệm khí cùng nhiều khí tài

Đến nay, Trung Quốc đã hạ thủy 3 tàu đổ bộ Type-075. Có độ choán nước 40.000 tấn, dài khoảng 237 m và có thể mang theo 30 trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 hoặc Z-9, tàu Type 075 được cho là có khả năng tổ chức đổ bộ tấn công toàn diện.

Xa hơn, Bắc Kinh đang kỳ vọng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình J-31 phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng để trang bị cho tàu Type 075, để chiến hạm này trở thành tàu sân bay tương tự Mỹ triển khai chiến đấu cơ F-35 cho tàu đổ bộ lớp America, lớp Wasp. Khi đó, năng lực tổ chức tác chiến của tàu Type 075 sẽ tăng lên mức độ mới.

Trung Quốc biên chế 3 tàu chiến mới, tự ca ngợi 'dẫn đầu thế giới'

Tất nhiên, Bắc Kinh còn cần một thời gian dài để đạt khả năng đó, vì Trung Quốc đến nay vẫn chưa chính thức đưa máy bay J-31 vào hoạt động. Và ngay cả khi sở hữu J-31 phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng thì Trung Quốc còn phải mất thêm khá nhiều thời gian để phi công có thể điều khiển thuần thục loại máy bay này cùng tàu đổ bộ tấn công.

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn luôn sử dụng các chiến hạm mới để đẩy mạnh các hành vi đe dọa ở Biển Đông. Cuối năm 2020, Trung Quốc thông báo loạt tập trận trên Biển Đông kéo dài từ cuối tháng 12.2020 đến đầu tháng 1.2021. Tham gia loạt tập trận này, có cả tàu sân bay Sơn Đông và tàu đổ bộ Type-075. Đó là chiến hạm “khủng” nhất mà Trung Quốc đưa vào hoạt động gần đây và cả 2 đều được hướng đến năng lực tấn công.

Trước đó, ngày 25.11.2020, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Trung Quốc vừa triển khai 3 tàu đổ bộ loại Type 071 là Ngũ Chỉ Sơn (987), Côn Lôn Sơn (998) và Trường Bạch Sơn (989) cùng một số tàu tên lửa lớp Type 022 tham gia 2 cuộc tập trận ở Biển Đông.

Các tàu đổ bộ Ngũ Chỉ Sơn (987), Côn Lôn Sơn (998) và Trường Bạch Sơn (989) tập trận ở Biển Đông cuối năm 2020

CHINAMIL.COM.CN

Trong bối cảnh thường xuyên gây đe dọa ở Biển Đông, việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh đổ bộ tấn công bằng tàu Type 075, tình hình căng thẳng ở vùng biển này có thể tiếp tục leo thang gây nhiều quan ngại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.