Trung Quốc sửa luật chống độc quyền đối với Big Tech

25/06/2022 13:29 GMT+7

Các hãng công nghệ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hình phạt nặng nề hơn nếu vượt qua ranh giới đỏ của Bắc Kinh trong cạnh tranh, mặc dù trước đó đã có một số dấu hiệu nới lỏng kiểm soát từ phía chính phủ.

Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc hôm 24.6 đã thông qua thay đổi đối với luật chống độc quyền. Các sửa đổi sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1.8. Đây là lần thay đổi đầu tiên của luật chống độc quyền kể từ khi nó có hiệu lực vào năm 2008.

Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc sẽ bị đưa vào thế khó hơn với luật chống độc quyền mới được sửa đổi

Reuters

Theo luật sửa đổi, “phần lớn những hành vi phản cạnh tranh của các nhà cung cấp nền tảng có thể được pháp luật điều chỉnh”, ông Jiao Haitao, giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói.

Các gã khổng lồ công nghệ dự kiến ​​sẽ phải đối mặt với hậu quả pháp lý nếu họ buộc nhà cung cấp chỉ được hoạt động trên một nền tảng, một thực tế được gọi là “chọn một trong hai” ở đại lục. Đối với những vi phạm nghiêm trọng, có mức độ ảnh hưởng trên diện rộng, số tiền phạt có thể tăng từ gấp đôi lên đến gấp năm lần số tiền phạt thông thường. Nhà chức trách cũng sẽ có tùy chọn để truy cứu hình sự. Alibaba từng chịu áp lực pháp lý về mối quan hệ với các nhà cung cấp. Tháng 4.2021, cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc đã phạt Alibaba 18,2 tỉ nhân dân tệ (khoảng 2,7 tỉ USD) vì lạm dụng vị trí thống lĩnh.

Sửa đổi mới cũng tăng đáng kể tiền phạt đối với các công ty không báo cáo việc mua bán và sáp nhập cho cơ quan quản lý. Mức phạt ban đầu tối đa 500.000 nhân dân tệ đã được bãi bỏ, vì nó quá thấp để ngăn chặn các tập đoàn công nghệ lớn. Trong trường hợp việc không tiết lộ gây tổn hại đến môi trường cạnh tranh, mức phạt cao nhất sẽ tương đương 10% doanh thu của năm trước. Ngay cả khi việc không báo cáo không gây tổn hại đến cạnh tranh, mức phạt vẫn được tăng gấp 10 lần, lên 5 triệu nhân dân tệ. Alibaba, Tencent Holdings, Baidu và Didi đã bị phạt vào năm ngoái vì không báo cáo sớm các thương vụ mua lại.

Theo luật chống độc quyền mới, các cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động mua bán và sáp nhập liên quan đến phúc lợi công cộng, tài chính, khoa học và công nghệ và truyền thông.

Trong khi “làm khó” các Big Tech, Bắc Kinh lại tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ như một phần trong sáng kiến ​​“thịnh vượng chung” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Doanh nghiệp có thị phần giảm xuống dưới một ngưỡng nhất định sẽ được miễn quy định chống độc quyền và được phép đặt giá bán lại nếu thông lệ đó không gây tổn hại đến cạnh tranh.

Theo truyền thông Trung Quốc, tiền phạt do vi phạm luật chống độc quyền đã tăng đột biến từ 400 triệu nhân dân tệ vào năm 2020 lên 23,5 tỉ nhân dân tệ trong năm 2021. Trung Quốc bắt đầu đặt nền móng để sửa đổi luật chống độc quyền vào khoảng năm 2018, và các nhà chức trách không có dấu hiệu làm dịu lập trường của họ đối với lĩnh vực công nghệ.

“Để vượt qua hoàn cảnh kinh tế khó khăn, một số hạn chế đối với các gã khổng lồ internet có thể được nới lỏng, nhưng chỉ ở mức độ hạn chế. Chính sách tổng thể của lãnh đạo Trung Quốc trong việc kiểm soát những gã khổng lồ internet sẽ tiếp tục theo hướng cũ”, một quan chức cấp cao nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.