Trung Quốc rút khỏi thỏa thuận khai thác khí đốt ở Iran vì Mỹ cấm vận

07/10/2019 11:05 GMT+7

Công ty dầu khí Trung Quốc đã rút khỏi thỏa thuận trị giá 5 tỉ USD nhằm phát triển mỏ khí đốt khổng lồ ngoài khơi của Iran, nối gót Tập đoàn Total SA của Pháp đã từ bỏ trước đó vì áp lực từ lệnh cấm vận Mỹ.

Thỏa thuận khai thác khí đốt South Pars, được ký kết theo sau thỏa thuận hạt nhân vào năm 2015 giữa Iran và các cường quốc kinh tế, đã trở thành “nạn nhân” mới nhất trước sức ép từ Mỹ.
Hãng thông tấn SHANA dẫn lời Bộ trưởng Dầu khí Bijan Zangeneh của Iran hôm 6.10 cho biết Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã không còn tham gia dự án này.
Quan chức Iran không đưa ra bất kỳ lý do cho quyết định của CNPC, trong khi Bắc Kinh chưa xác nhận thông tin trên.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cùng ngày đã lên tiếng than phiền về chiến dịch của Washington nhằm vào Tehran và tác động của chiến dịch này đối với nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài chảy vào quốc gia Hồi giáo.

Một phần mỏ khí đốt South Pars

Reuters

“Chúng tôi đối mặt với vô vàn vấn đề trong lĩnh vực đầu tư vì chính sách cấm vận tối đa của Mỹ”, Hãng Tasnim dẫn lời ông Zarif phát biểu trước một ủy ban của quốc hội Iran.
Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị Saeed Leilaz (Iran) cho rằng bất chấp động thái mới nhất, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại chủ lực của Iran.
Theo chuyên gia Leilaz, Iran vẫn còn một khoản tiền bán dầu lớn cho Trung Quốc và số tiền này còn nằm tại Trung Quốc, điều này cho phép Tehran mua hàng hóa từ quốc gia Đông Á mà không cần phải chuyển tiền giữa hai nước.

[VIDEO] Tin tặc Iran nhắm vào chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump?

Iran có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai trên thế giới, với đa số đến từ mỏ South Pars khổng lồ. Theo kế hoạch phát triển ban đầu, Total nắm 50,1% số cổ phần khai thác, CNPC giữ 30% và 19,9% còn lại thuộc về Petropars của Iran,
Sau khi Total rút vốn, CNPC tiếp nhận phần của tập đoàn Pháp. Giờ đây, Petropars là bên duy nhất khai thác mỏ này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.