Trung Quốc nhắm mục tiêu vào quyền sở hữu trí tuệ

24/09/2021 14:58 GMT+7

Các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc đang trở thành mục tiêu chính trong ngày càng nhiều vụ kiện về sở hữu trí tuệ.

Theo Nikkei, luật sở hữu trí tuệ được nâng cao đã mở đầu cho các vụ kiện tụng ở Trung Quốc. Số lượng hồ sơ vụ kiện liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ được nộp tại đại lục vào năm 2020 nhiều gấp ba lần so với năm 2016.
Một công ty Nhật Bản đã vướng vào tranh chấp pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ với các công ty Trung Quốc là Ryohin Keikaku, công ty có trụ sở tại Tokyo điều hành chuỗi cửa hàng đồ gia dụng Muji. Mặc dù chiến thắng trong một vụ kiện nhãn hiệu kéo dài suốt hai năm rưỡi với Tập đoàn Dệt may Beijing Cottonfield và một công ty Trung Quốc khác, nhưng Ryohin Keikaku vẫn đang có hơn 10 tranh chấp pháp lý về nhãn hiệu “Mujirushi Ryohin” được viết bằng chữ Trung Quốc, xuất hiện trong một số sản phẩm vải dệt thoi của công ty.
Ryohin Keikaku không phải trường hợp duy nhất nằm trong danh sách ngày càng tăng các công ty nước ngoài bị kiện tụng vì liên quan đến sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc. Apple cũng từng bị một công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc đệ đơn ra tòa, cáo buộc công nghệ nhận dạng giọng nói Siri vi phạm bằng sáng chế của họ.
“Thông thường, trong các vụ kiện sở hữu trí tuệ giữa công ty Trung Quốc và nước ngoài, bên bị cáo buộc về hành vi vi phạm chủ yếu là Trung Quốc. Nhưng số lượng các trường hợp ngược lại ngày càng nhiều”, luật sư Nhật Bản Yoshifumi Onodera cho biết.
Theo Nikkei, tổng cộng 28.528 vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các lĩnh vực như bằng sáng chế, mô hình tiện ích và thiết kế đã được tòa án Trung Quốc xét xử sơ thẩm vào năm 2020, tăng 28% so với năm trước đó. Vụ kiện về bản quyền và nhãn hiệu cũng nhảy vọt.
Có hai yếu tố chính đằng sau làn sóng kiện tụng quyền sở hữu trí tuệ đang bùng nổ ở Trung Quốc. Một là ngày càng có nhiều công ty theo định hướng công nghệ của chính quyền Bắc Kinh coi việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố then chốt trong chiến lược kinh doanh. Năm ngoái, Trung Quốc là nước nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế quốc tế nhiều nhất trên thế giới, với tổng số 68.720 đơn.
Hai là luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc được nâng cao. Chính phủ đã sửa đổi luật nhãn hiệu, bằng sáng chế và bản quyền vào năm 2019 và 2020. Theo đó, các tòa án có thể nâng cao mức thiệt hại tối đa và đưa ra thêm khoản bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt. Giờ đây, mức bồi thường thiệt hại thực tế có thể cao gấp năm lần đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng quyền quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, luật sáng chế sửa đổi lại giảm bớt trách nhiệm chứng minh cho nguyên đơn trong các vụ vi phạm bằng sáng chế.
Theo luật sư Makoto Endo, những điều trên sẽ làm tăng khả năng nộp đơn kiện vi phạm bằng sáng chế. Nói cách khác, các công ty Trung Quốc có nhiều khả năng kiện đối thủ nước ngoài về vi phạm sở hữu trí tuệ nhiều hơn bao giờ hết.
Xu hướng này có ý nghĩa đặc biệt đối với hai lĩnh vực công nghệ là công nghệ truyền thông không dây 5G và trí tuệ nhân tạo (AI). Chính quyền Bắc Kinh đang thúc đẩy đổi mới hai lĩnh vực này trong nỗ lực phát triển công nghệ quốc gia. Dự đoán vụ kiện giữa các công ty Trung Quốc và đối thủ nước ngoài liên quan đến 5G và AI sẽ tăng đột biến trong thời gian tới.
Trung Quốc được biết đến như một xã hội thiên về tranh tụng, với xu hướng ngày càng lan rộng sang vấn đề sở hữu trí tuệ . Các công ty nước ngoài có thể trở thành mục tiêu ưa thích của những vụ kiện như vậy, nếu sẵn sàng nhượng bộ quá nhiều trong tranh chấp kinh doanh hoặc theo đuổi thỏa thuận tài chính để tránh leo thang. Vạch ra kế hoạch và chiến lược khả thi để xử lý các vụ kiện sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc đang trở nên quan trọng đối với công ty nước ngoài, cho dù họ là nguyên đơn hay bị đơn. Theo các chuyên gia, điều đặc biệt cần lưu ý là nên xác định rõ vai trò của các cơ quan đầu não và các đơn vị địa phương nơi diễn ra kiện tụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.