Trung Quốc liên tục tăng cường thực lực không quân ở Biển Đông

25/03/2022 08:30 GMT+7

Những ngày qua, tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc liên tục đăng tải các thông tin cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh thực lực hoạt động của không quân ở Biển Đông.

Triển khai chiến đấu cơ thế hệ mới

Cụ thể, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 23.3 đưa tin quân đội Trung Quốc (PLA) đã nhận được phiên bản nâng cấp của dòng chiến đấu cơ J-11B, và phiên bản chiến đấu cơ này đã tham gia cuộc tập trận gần đây trên Biển Đông.

Chiến đấu cơ J-10 của Chiến khu Nam bộ thuộc PLA

Chinamil.com.cn

Theo đó, cuộc tập trận được đề cập do Chiến khu Nam bộ của PLA tổ chức, có sự tham gia của khoảng 10 máy bay chiến đấu. Trong số này có dòng J-11B phiên bản mới được cho là đã trang bị hệ thống điện tử tối tân để tăng cường khả năng phát hiện đối phương sớm hơn.

Cũng tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 19.3 đưa tin Chiến khu Nam bộ của PLA vừa tổ chức cuộc huấn luyện mà trong đó chiến đấu cơ J-10 đã tiến hành chuyến bay kéo dài đến 24 giờ. Bản tin không nói rõ vị trí tập luyện của chiến đấu cơ J-10 cũng như thông tin chi tiết của chuyến bay kéo dài 24 giờ. Tuy nhiên, Chiến khu Nam bộ của PLA vốn được Bắc Kinh phân công đảm trách các hoạt động ở Biển Đông.

Đẩy mạnh khả năng tấn công tầm xa

Việc tăng cường các dòng chiến đấu cơ hiện đại và khả năng bay kéo dài ở Biển Đông được đánh giá là nỗ lực tăng cường thực lực không quân của Bắc Kinh ở vùng biển này. Hồi tháng 11.2020, Đài CGTN của Trung Quốc đăng tải đoạn video có nội dung “khoe” rằng máy bay tiêm kích của nước này vừa bay liên tục 10 tiếng ở Biển Đông. Đây là “kỷ lục” mới nhất của không quân Trung Quốc, trong khi “kỷ lục” trước đó là 8 tiếng 30 phút. Trước đó khoảng 3 tháng, vào tháng 8.2020, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin không quân Trung Quốc vừa điều động máy bay tiêm kích Su-30 thực hiện chuyến bay dài liên tục 10 tiếng ở Biển Đông. Chuyến bay được thực hiện bởi lực lượng không quân của Chiến khu Nam bộ và hành trình bay kéo dài đến tận bãi đá Xu Bi ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN, nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời một chuyên gia quân sự nước này cho rằng diễn biến vừa nêu “mang giá trị quan trọng” trong hoạt động của không quân nước này ở Biển Đông.

Chiến đấu cơ J-11B phiên bản mới sau cuộc tập trận ở Biển Đông

Hoàn Cầu thời báo

Thực tế, với các oanh tạc cơ chiến lược tầm xa như H-6 mà Trung Quốc đang có, thì việc thực hiện các chuyến bay liên tục 10 tiếng không hề quá khó. Thế nhưng, việc thực hiện chuyến bay dài như vậy là thách thức lớn của máy bay tiêm kích, vì đòi hỏi năng lực của phi công và hệ thống hỗ trợ tương ứng. Trong khi đó, các máy bay ném bom tầm xa luôn cần sự hộ tống của máy bay tiêm kích, theo TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét khi trả lời Thanh Niên.

Vì thế, máy bay tiêm kích cũng phải nâng cao năng lực bay liên tục trong thời gian dài để đảm nhiệm việc bảo vệ máy bay ném bom tầm xa. Qua đó, không quân Trung Quốc mới có thể đủ khả năng thực hiện các phi vụ tấn công tầm xa với máy bay ném bom.

Cho nên, việc không quân Trung Quốc đẩy mạnh năng lực bay liên tục trong thời gian kéo dài đối với máy bay tiêm kích như J-10 hay Su-30 là nhằm tăng cường khả năng tấn công tầm xa ở Biển Đông. Điều đó ẩn chứa rủi ro không hề nhỏ cho Biển Đông khi Bắc Kinh không ngừng thể hiện tham vọng độc chiếm ở vùng biển này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.