Trung Quốc lao đao vì thiếu điện

Bảo Vinh
Bảo Vinh
29/09/2021 07:46 GMT+7

Nguồn cung than trở nên khan hiếm trong khi chính quyền các địa phương thi đua cắt giảm tiêu thụ năng lượng đang khiến nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình tại Trung Quốc khốn khổ vì điện.

Truyền thông Trung Quốc những ngày qua liên tục đưa tin về tình trạng thiếu điện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và hoạt động sản xuất tại nhiều vùng ở nước này.

Thiếu điện vào mùa đông

Cuộc khủng hoảng điện năng trở nên trầm trọng do thiếu nguồn cung cấp than cho các nhà máy điện trong khi nhu cầu sử dụng điện tăng vọt trong các ngành sản xuất và người dân.
Nguồn cung cấp than bị thiếu thốn một phần do các hoạt động công nghiệp hoạt động trở lại trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch Covid-19. Mâu thuẫn thương mại với Úc, nước xuất khẩu than lớn thứ 2 thế giới, đã khiến các chuyến hàng bị ngừng lại. Các nguồn nhập khẩu khác từ Nga, Indonesia và Mông Cổ cũng bị ảnh hưởng vì nhiều yếu tố.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương thời gian qua siết chặt quy định sản xuất điện than trước sức ép đạt mục tiêu cắt giảm khí thải do trung ương đặt ra. Thế nhưng, các nguồn năng lượng thay thế chưa đủ để bù đắp sự cắt giảm đã gây ra tình trạng thiếu điện.

Apple, Tesla có thể nhức đầu khủng hoảng điện tại Trung Quốc

Trong tình hình thiếu điện như vậy, nhiều chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế sử dụng điện. Cụ thể, chính quyền nhiều tỉnh như Chiết Giang, Giang Tô, Vân Nam, Quảng Đông đã yêu cầu các xí nghiệp hạn chế sử dụng điện. Các công ty điện năng cũng gửi thông báo tới những doanh nghiệp sử dụng nhiều điện phải ngừng sản xuất trong giờ cao điểm hoặc tạm ngừng hoạt động trong 2 - 3 ngày mỗi tuần.
Từ tuần trước, chế độ điều tiết sử dụng điện vào giờ cao điểm đã được áp dụng tại nhiều nơi ở vùng Đông Bắc. Tình trạng cắt điện luân phiên diễn ra thường xuyên, hệ thống đèn giao thông và các cơ sở hạ tầng công cộng ngừng hoạt động, các cửa hàng phải thắp nến, còn trung tâm thương mại phải đóng cửa sớm.
Tình hình còn đáng lo hơn khi tại tỉnh Cát Lâm, một công ty công ích cảnh báo khách hàng nguồn cấp nước có thể bị cắt bất kỳ lúc nào vì thiếu điện. Người dân tại vùng Đông Bắc phàn nàn về việc thiếu điện sưởi ấm trong bối cảnh nhiệt độ vào ban đêm rơi xuống gần mức đóng băng.

Ảnh hưởng nghiêm trọng

Theo Reuters, cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc thực tế đã diễn ra từ tháng 3, ảnh hưởng đến nhiều nhà sản xuất tại các trung tâm công nghiệp trọng điểm ven biển miền đông và miền nam trong nhiều tuần. Nhiều xí nghiệp của các nhà cung cấp thiết bị cho các hãng Apple, Tesla phải ngừng hoạt động.
Ít nhất 15 công ty có niêm yết trên sàn chứng khoán của Trung Quốc thông báo việc sản xuất bị gián đoạn do cắt điện, trong khi hơn 30 công ty niêm yết tại sàn chứng khoán Đài Loan có hoạt động tại Trung Quốc đã tạm đóng cửa để tuân thủ quy định giới hạn sử dụng điện. Các ngành sản xuất thép, nhôm, xi măng, hóa chất, nhuộm, nội thất... bị ảnh hưởng nặng, các ngành sản xuất giấy và kính có thể sắp bị gián đoạn, theo các nhà phân tích của Ngân hàng Morgan Stanley.
Trong thông báo ngày 27.9, Hội đồng điện năng Trung Quốc tuyên bố các công ty điện than đang tăng cường thu mua than “bằng mọi giá” nhằm đảm bảo cung cấp nguồn điện trong mùa đông. Cơ quan Năng lượng quốc gia đã yêu cầu các công ty sản xuất than và khí tự nhiên đảm bảo nguồn cung năng lượng cho người dân trong mùa đông. Theo BBC, một công ty điện đăng bài cảnh báo việc cắt điện có thể kéo dài đến sang năm và tình trạng cúp điện đột ngột có thể trở thành điều bình thường.
Đe dọa triển vọng tăng trưởng
Giới phân tích của Morgan Stanley nói nếu việc gián đoạn sản xuất kéo dài có thể khiến tăng trưởng GDP quý 4/2021 của Trung Quốc giảm 1 điểm phần trăm. Trong thông báo ngày 28.9, Ngân hàng Goldman Sachs ước tính 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc bị ảnh hưởng vì thiếu điện, nên đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2021 từ 8,2% xuống còn 7,8%. Hãng tài chính Nomura cũng cắt giảm dự báo từ 8,2% xuống còn 7,7%. “Cú sốc cung cấp năng lượng trong nền kinh tế số 2 thế giới và nhà sản xuất lớn nhất thế giới sẽ lan rộng và ảnh hưởng thị trường toàn cầu”, Nomura cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.