Trung Quốc 'gặp khó' để làm chủ công nghệ bán dẫn hàng đầu

22/01/2022 15:30 GMT+7

CNBC dẫn lời một nhà phân tích cho biết, ngay cả khi Trung Quốc chi hàng tỉ USD để xây dựng ngành bán dẫn trong nước, thì vẫn cần một thời gian nữa mới đạt được khả năng cần thiết để sản xuất chip tiên tiến.

“Tôi vẫn tin rằng Trung Quốc có lẽ đã đi sau ba hoặc bốn thế hệ đối với những gì được coi là lợi thế hàng đầu. Nếu bạn nhìn vào lợi thế dẫn đầu, chúng ta đang nói về 16 nanomet (nm) hoặc 14 nm trở xuống, phần lớn trong số đó chủ yếu đến từ Đài Loan, Hàn Quốc và một mức độ nhất định ở Mỹ”, ông Mario Morales, phó chủ tịch nhóm hỗ trợ công nghệ và chất bán dẫn tại công ty dữ liệu quốc tế International Data Corporation (IDC) nói trong chương trình Squawk Box Asia của CNBC.

Trung Quốc vẫn cần một thời gian nữa mới đạt được khả năng cần thiết để sản xuất chip tiên tiến

Reuters

Thông thường, chip được tạo ra bằng cách sử dụng một quy trình gọi là in thạch bản, trong đó máy móc rất phức tạp và đắt tiền chiếu chùm ánh sáng rất hẹp lên tấm silicon đã được xử lý bằng hóa chất “cản quang” để tạo ra hình mẫu (pattern) phức tạp. Quá trình này hình thành tất cả các bóng bán dẫn quan trọng, nhiều bóng bán dẫn hơn trên một con chip tương đương với bộ vi xử lý mạnh và hiệu quả hơn. Vì vậy, về cơ bản, số nm là yếu tố cho biết kích thước của các bóng bán dẫn. Số nm nhỏ nghĩa là số lượng bóng bán dẫn cao hơn, có thể được đóng gói trên mỗi milimet vuông trên một con chip.

Rõ ràng, những công ty như Samsung và Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) đã sản xuất hàng loạt chip 7 nm, vì Đài Loan và Hàn Quốc đã thiết lập vị trí vô song về năng lực sản xuất chip cao cấp.

Nhu cầu tự cung tự cấp của Trung Quốc

Trong vài năm nay, Trung Quốc đã nói nhiều về tăng cường kế hoạch hành động, ví dụ như chi thêm tiền cho nghiên cứu và phát triển (R&D), để đạt được tự chủ trong khoa học và công nghệ tiên tiến, bao gồm chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Nỗ lực của Bắc Kinh diễn ra mạnh mẽ hơn khi Mỹ nhắm vào các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei và SMIC, bằng lệnh trừng phạt trong lúc căng thẳng giữa hai nước leo thang.

Những gã khổng lồ công nghệ ở đại lục như Alibaba, Tencent, Baidu và Meituan đều đã bắt đầu đầu tư vào phát triển chip. Theo giải thích của ông Morales, bất chấp các khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc, nước này vẫn cần đến khả năng tiếp cận phần mềm và thiết bị cần thiết của quốc gia khác để sản xuất chip cao cấp.

Giới phân tích trước đây cho rằng, các công ty bán dẫn Trung Quốc tập trung vào phân khúc sản xuất chip với công nghệ kế thừa, mang tính truyền thống lâu đời có khả năng ​​sẽ hoạt động tốt. Những công ty này về cơ bản sản xuất nhiều loại chip kém tiên tiến hơn cho lĩnh vực như quản lý điện năng, vi điều khiển, cảm biến và các phân khúc khác liên quan đến người tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại địa phương.

“Đó là phân khúc bạn sẽ thấy một số hệ sinh thái Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và bắt đầu chiếm thị phần. Nhưng Trung Quốc sẽ mất một thời gian, có thể mất hơn một thập niên, trước khi thực sự có thể cạnh tranh hơn, ít nhất là ở vị trí dẫn đầu”, ông Morales nói.

Khi được hỏi về nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC, ông Morales nhận xét: “Họ có khả năng hỗ trợ 28 nm và đã bắt đầu lấy mẫu 14 nm. Nhưng, thực tế là họ cần khách hàng để thực sự mở rộng khả năng này, và rất nhiều hệ sinh thái Trung Quốc không sử dụng công nghệ đó. Vì vậy, họ cần đối tác và khách hàng Mỹ, hoặc khách hàng châu Âu, hoặc thậm chí là khách hàng Đài Loan, vốn có thể phát triển công nghệ đó một cách hiệu quả, để họ có thể giảm cơ cấu chi phí mà họ cần”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.