Trung Quốc đưa phi hành gia lên xây trạm không gian

17/06/2021 12:05 GMT+7

Sáng 17.6, Trung Quốc phóng thành công tên lửa mang phi thuyền với 3 phi hành gia lên vũ trụ trong sứ mệnh có người đầu tiên trong nỗ lực xây dựng trạm không gian riêng.

Theo Reuters, tên lửa đẩy Trường Chinh 2F được phóng lên từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc tây bắc Trung Quốc vào 9 giờ 22 (8 giờ 22, giờ Việt Nam).
Tên lửa mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-12 cùng 3 phi hành gia Nhiếp Hải Thắng (56 tuổi), Lưu Bá Minh (54 tuổi) và Thang Hồng Ba (45 tuổi), tiến lên mô đun Thiên Hòa. Đây là một trong 3 mô đun chính của trạm không gian Thiên Cung.

Trung Quốc phóng tàu Thần Châu-12, đưa phi hành đoàn đầu tiên lên vũ trụ sau nhiều năm

Vụ phóng ngày 17.6 là sứ mệnh có người đầu tiên trong tổng cộng 11 sứ mệnh nhằm xây dựng trạm không gian Thiên Cung của Trung Quốc. Ba nhà phi hành sẽ ở lại Thiên Hòa trong 3 tháng để kiểm tra các công nghệ của mô đun này như hệ thống hỗ trợ sự sống.
Các phi hành gia cũng sẽ được theo dõi vấn đề thể chất và tinh thần trong thời gian ở trong vũ trụ để chuẩn bị cho sứ mệnh kế tiếp, dự kiến kéo dài 6 tháng. Từ năm 2003, Trung Quốc đã thực hiện 6 sứ mệnh có người và đưa tổng cộng 11 phi hành gia vào vũ trụ.

Ba phi hành gia tại buổi lễ trước khi lên vũ trụ

AFP

Tham vọng không gian của Trung Quốc được thúc đẩy một phần vì lệnh cấm của Mỹ, không cho phi hành gia Trung Quốc lên Trạm không gian quốc tế (ISS). ISS được xây dựng với sự hợp tác của Mỹ, Nga, Canada, Nhật Bản và châu Âu. Dự kiến, trạm không gian này sẽ ngừng hoạt động vào năm 2024 nhưng Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết ISS có thể hoạt động đến năm 2028.
Trạm không gian Thiên Cung của Trung Quốc nhỏ hơn ISS và dự kiến hoàn tất vào năm 2022, hoạt động trong ít nhất 10 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.