Trung Quốc đưa oanh tạc cơ ra Hoàng Sa là 'xâm phạm chủ quyền của Việt Nam'

Vũ Hân
Vũ Hân
20/08/2020 16:24 GMT+7

Việc Trung Quốc đưa các loại vũ khí, máy bay chiến đấu ra quần đảo Hoàng Sa không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, mà còn làm phức tạp tình hình Biển Đông, theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

Chiều 20.8, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn của Bộ, đã được truyền thông đề nghị bình luận về việc Trung Quốc đưa oanh tạc cơ H-6J đến đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) vào đầu tháng 8 vừa qua.
Trả lời câu hỏi này, bà Hằng cho biết: "Dù đã nhiều lần khẳng định, nhưng cũng không thể không nói lại, là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế".
"Việc các bên đưa các loại vũ khí, máy bay chiến đấu ra quần đảo Hoàng Sa không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn làm phức tạp tình hình Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi các bên đóng góp có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông", theo bà Hằng.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin hôm 1.8, thông tin được dẫn từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay nước này vừa triển khai chiến đấu cơ H-6G và H-6J tập trận ở khu vực Biển Đông đã khiến nhiều chuyên gia quốc tế lo ngại.
Từ bãi Chữ Thập, các chiến đấu cơ trên của Trung Quốc có thể tiến hành những phi vụ đe dọa trực tiếp eo biển Malacca, eo biển Sudan và eo biển Lombok. Như thế, cả khu vực rộng lớn ở phía nam của Biển Đông đều nằm trong tầm tác chiến của các máy bay chiến đấu trên.
Theo tờ South China Morning Post, nội dung cuộc tập trận bao gồm tác chiến ban đêm và tấn công mục tiêu trên biển.
Trả lời Thanh Niên về động thái này, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử), cho biết: “Máy bay H-6G và H-6J thuộc dòng H-6 đều là những oanh tạc cơ có thể mang tên lửa hành trình kết hợp radar cho phép xác định mục tiêu tàu chiến với độ chính xác cao. Ngoài ra, các dòng máy bay này còn có thể kết nối dữ liệu để các hệ thống phóng từ mặt đất khai hỏa tên lửa hành trình. Bên cạnh đó, H-6G và H-6J đều được trang bị khả năng tác chiến điện tử, nên cuộc tập trận có thể kết hợp cả phần gây nhiễu”.
TS. Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: “Dòng chiến đấu cơ H-6 là máy bay ném bom hạng nặng của Trung Quốc được phát triển từ dòng máy bay Tu-16 của Liên Xô, nên là thế hệ máy bay rất cũ. Tuy nhiên, oanh tạc cơ H-6 được Trung Quốc trang bị nhiều phương tiện và vũ khí, trong đó bao gồm nhiều loại tên lửa hành trình tấn công tàu chiến, kết hợp tác chiến cùng các hệ thống tên lửa được phóng từ mặt đất, nên H-6 là dòng oanh tạc cơ có vai trò quan trọng đối với quân đội Trung Quốc”. 
“Phạm vi chiến đấu của những chiến đấu cơ Trung Quốc tham gia tập trận gần đây giải mã phần nào mưu đồ của Bắc Kinh thông qua các động thái này”, TS Nagao đánh giá và chỉ ra thêm việc vừa qua, Trung Quốc cũng đã điều động máy bay tiêm kích J-11 (có phạm vi chiến đấu 1.500 km) và chiến đấu cơ JH-7 (900 km) tập trận.
Tại các bãi cạn Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi ở quần đảo Trường Sa (Trung Quốc chiếm đóng phi pháp của Việt Nam), Trung Quốc đã xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay, bãi đỗ, hệ thống radar… đáp ứng cho dòng máy bay H-6 hoạt động, theo một nghiên cứu được công bố bởi Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) vào năm 2018. 
“Trong tương lai, như Bắc Kinh từng tiết lộ, thì tên lửa chống hạm DF-21 sẽ có phiên bản được phóng từ máy bay chiến đấu dòng H-6. Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch này vào năm 2025 và tầm bắn của DF-21 lên đến 3.000 km. Khi đó, dù oanh tạc cơ H-6 dù khá cũ, nhưng vẫn cung cấp cho Trung Quốc hỏa lực rất mạnh”, TS Nagao nhận xét thêm.
Ông cũng dự báo: “Máy bay chiến đấu H-6 của Trung Quốc vẫn lỗi thời hơn các dòng oanh tạc cơ B-1 Lancer và B-2 Spirit của Mỹ. Hiện tại, Mỹ đã triển khai oanh tạc cơ chiến lược B-1 Lancer đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vì thế, cuộc cạnh tranh giữa oanh tạc cơ ở khu vực này sẽ còn leo thang trong thời gian tới”.
Phản hồi thông tin hàng ngàn tàu cá Trung Quốc tràn xuống Biển Đông sau khi lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc hết hiệu lực, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết "quan điểm của Việt Nam về cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông đã được nêu rất rõ".
Hồi tháng 5, khi phía Trung Quốc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1.5 đến 16.8, bà Lê Thị Thu Hằng đã nêu rõ:
"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế.
Là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước, đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước.
Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.