Trung Quốc đau đầu vì hàng chục triệu tấn quần áo cũ

Văn Khoa
Văn Khoa
14/11/2020 19:30 GMT+7

Trung Quốc được cho đang đối mặt vấn đề lớn kế tiếp là làm sao tái chế 26 triệu tấn quần áo bị bỏ đi mỗi năm trong khi nhiều người nghèo chê đồ cũ.

Cô Triệu Hiếu, một cư dân ở quận Đông Thành thuộc thủ đô Bắc Kinh thường đem quần áo cũ bỏ vào một thùng rác kim loại màu xanh lá cây với mong muốn số quần áo đó sẽ được chuyển cho người nghèo, nhưng cô vẫn không chắc mong muốn đó có thành hiện thực hay không. “Nếu một số người nghèo Trung Quốc thật sự cần quần áo cũ, điều đó sẽ rất tốt và khiến tôi cảm thấy bớt tội lỗi vì bỏ đồ cũ’, cô Triệu (35 tuổi) chia sẻ với hãng tin Bloomberg. Cô Triệu có lý khi lo lắng về việc không biết số quần áo cũ của cô có được người nghèo đón nhận hay không. Có nhiều thùng rác đựng quần áo cũ được đặt ở khắp các thành phố lớn của Trung Quốc, nhưng rất ít trong số đó được người nghèo nhận lấy.

Quần áo cũ không may mắn?

Sự gia tăng số người thuộc tầng lớp trung lưu cùng sự bùng nổ của thương mại điện tử đã biến Trung Quốc thành thị trường thời trang lớn nhất thế giới, vượt qua Mỹ hồi năm ngoái, theo Bloomberg. Phần lớn mặt hàng người Trung Quốc mua là hàng may mặc được sản xuất đại trà, rẻ tiền và thời gian sử dụng ngắn. Hệ quả là có tới 26 triệu tấn quần áo bị bỏ đi mỗi năm, trong đó có chưa tới 1% được tái chế, theo Tân Hoa xã.

Nhân viên đi qua đống giày dép cũ tại một cơ sở thu gom và bán lại quần áo cũ ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc

Bloomberg

Một phần của vấn đề này là việc tái chế quần áo không sinh lợi theo luật. Việc bán quần áo đã qua sử dụng không mang tính từ thiện bị cấm vì lý do sức khỏe và an toàn. Ở Trung Quốc, quần áo đã qua sử dụng bị cho là không vệ sinh, thậm chí là không may mắn, và đại dịch Covid-19 đã củng cố quan điểm này.
Bên ngoài một con đường ở Bắc Kinh, hàng chục người đổ xô tới cửa hàng Roundabout Charity khi cửa hàng này tổ chức bán hàng đã qua sử dụng vì mục đích từ thiện trong thời gian gần đây. Nhiều người mua đồ chơi, sách và đồ trang trí nội thất, nhưng gần như không có người nào để ý tới khu bán quần áo cũ.
Trong thành phố với 20 triệu dân, Roundabout là một trong số ít cửa hàng từ thiện bán cả quần áo cũ. “Việc này có ý nghĩa lớn, nhưng cả gia đình và những người bạn của tôi không hiểu tại sao tôi mua hàng đã qua sử dụng khi tôi có đủ khả mua hàng hiệu quốc tế. Khi thấy quần áo đã qua sử dụng, nhiều người không nghĩ một cách thân thiện với môi trường, họ nghĩ về nghèo khổ”, Trần Văn, một cư dân ở Bắc Kinh, cho hay.

Một cơ sở thu gom và bán lại quần áo cũ ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc

Bloomberg

Chính phủ Trung Quốc cho phép các tổ chức được phê chuẩn thu gom và phân loại quần áo còn trong tình trạng tốt. Tuy nhiên, rất ít tổ chức làm việc này vì không đáng bỏ ra thời gian và công sức do quần áo cũ không còn phổ biến ở Trung Quốc, thậm chí ở cả những vùng tương đối nghèo của đất nước này. Quần áo cũ đôi khi chất thành đống ở những nơi thu gom và việc xử lý không dễ chút nào, theo Bộ Dân chính Trung Quốc. Vì vậy, quần áo chất lượng cao được thu gom thường được bán ở nước ngoài. Xuất khẩu quần áo cũ của Trung Quốc tăng từ 1% trong năm 2010 lên 6,4% tổng xuất khẩu quần áo cũ toàn cầu, theo Hiệp hội Tái chế dệt ở Anh.
Chỉ có 15% số quần áo cũ thu gom cho từ thiện được đưa đến những vùng nghèo của Trung Quốc. “Những người muốn quyên góp quần áo của mình cho các gia đình nghèo ở Trung Quốc, nhưng điều đó không còn có ý nghĩa thật sự nữa. Cách đây vài năm, nếu một cái áo khoác còn mới tới 70%, thì sẽ có nhiều người nhận lấy, còn ngày nay, tôi lo lắng sẽ không có người nhận dù cái áo mới tới 90%”, ông Jason Fang, giám đốc điều hành Baijingyu, một cơ sở ở TP.Hàng Châu (Trung Quốc) chuyên thu gom và bán lại quần áo cũ ra nước ngoài.

“Giải pháp thật sự”

Hiện có một tia hy vọng là ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp tìm kiếm những cách tái sử dụng quần áo cũ. Trong đó, cơ sở thời trang Re-Clothing Bank (Ngân hàng tái chế quần áo cũ), được thành lập năm 2011ở Thượng Hải, thuê các lao động nhập cư nữ ở một ngôi làng ở Bắc Kinh cắt quần áo cũ rồi may thành các áo khoác, túi và thảm. “Một nhân viên bảo vệ trung niên ở Thượng Hải đã chi nửa tháng lương để mua một áo choàng do tôi làm từ quần áo cũ. Đó là lúc tôi nghĩ có một tương lai trong lĩnh vực này”, cô Trương Na, nhà sáng lập Re-Clothing Bank, chia sẻ.
Ngành thời trang phát thải khoảng 10% khí thải carbon toàn cầu, hơn tổng lượng khí thải từ tất cả chuyến bay và tàu, theo tổ chức từ thiện Ellen MacArthur (Anh). Theo ước tính, việc tái sử dụng 1 kg quần áo giảm được 3,6 kg CO2, tiết kiệm được 6.000 lít nước, 0,3 kg phân bón hóa học và 0,2 kg thuốc sát trùng, so với việc tạo ra quần áo từ nguyên liệu ban đầu.
Tuy nhiên, phần lớn số lượng quần áo cũ bị vứt thẳng vào thùng rác, làm trầm trọng thêm một trong những vấn đề môi trường lớn nhất ở Trung Quốc. Hầu hết trong 654 bãi rác khổng lồ ở nước này đã đầy trước kế hoạch. Chẳng hạn, bãi chôn rác lớn nhất của Trung Quốc ở tỉnh Thiểm Tây có kích cỡ lớn bằng 100 sân bóng, nhưng đã chứa đầy rác sớm hơn 25 năm so với thiết kế sau khi nhận phải lượng rác hằng ngày gấp gần 4 lần so với dự đoán. Do đó, giới chức Trung Quốc đã chôn 200 triệu m3 rác thải ở vùng biển gần bờ trong năm 2018, theo Bloomberg dẫn số liệu từ Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc.

Một người đàn ông chở quần áo củ dành tài chế trên một con phố ở Thượng Hải

AFP

Trước tình trạng như trên, giới chức Trung Quốc thực hiện giải pháp là đốt quần áo cũ. Theo đó, những quần áo cũ được cắt thành miếng nhỏ rồi được đốt cùng với rác thải hữu cơ trong các lò đốt có thể chuyển rác thải thành năng lượng. Trung Quốc xem những lò đốt này là hình thức tạo ra điện, dù có sản sinh khí thải, và đã tăng gấp đôi công suất trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, đó không phải giải pháp bền vững về môi trường, theo ông Alan Wheeler, đứng đầu ban dệt thuộc Cục Tái chế quốc tế của Hiệp hội Tái chế dệt ở Anh. “Quần áo cần được thiết kế có tính lâu bền và được tái chế. Khi không còn được sử dụng nữa thì quần áo nên được đem tái chế”, ông Wheeler nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông Wheeler cho rằng giải pháp thật sự đơn giản hơn nhiều. “Chúng ta nên mua ít quần áo hơn”, ông Wheeler kêu gọi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.