Trung Quốc chính thức quản lý thuốc lá thế hệ mới

03/12/2021 18:30 GMT+7

Không còn buông lỏng quản lý hay cấm đoán, mới đây Thủ tướng Trung Quốc đã ban hành quy định quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào Luật độc quyền ngành thuốc lá hiện hành của Trung Quốc và có hiệu lực lập tức.

Kinh doanh thuốc lá điện tử phải có giấy phép

Theo quyết định trên, nhà nước sẽ kiểm soát và điều hành toàn bộ hoạt động kinh doanh thuốc lá điện tử cũng như các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới khác như thuốc lá điếu thông thường tại thị trường này.

Theo dự thảo quy định, các công ty hiện đang kinh doanh, sản xuất thuốc lá điện tử ở Trung Quốc phải có giấy phép, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia để đăng ký với cơ quan quản lý thuốc lá và kinh doanh hợp pháp. Điều này sẽ giúp cho chính quyền kiểm soát liều lượng nicotin có trong thuốc lá điện tử, các hóa chất được thêm vào dung dịch thuốc lá điện tử và mức độ nguy hại cũng sẽ nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước. Hành động này của chính phủ Trung Quốc chính thức khép lại thời kỳ nằm ngoài vòng luật pháp của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới kể từ khi loại hình sản phẩm này phổ biến rộng rãi. Đồng thời, việc thuốc lá điện tử nằm trong Luật độc quyền thuốc lá hiện hành cùng với thuốc lá điếu thông thường sẽ giúp cho chính sách kiểm soát mọi loại sản phẩm thuốc lá được chặt chẽ hơn.

Để việc quản lý thuốc lá điện tử được đồng nhất, cơ quan quản lý thuốc lá của quốc gia này cho biết họ sẽ thiết lập một “nền tảng quản lý thống nhất có tính chất quốc gia cho việc mua bán thuốc lá điện tử”. Điều này có nghĩa tất cả các doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ thuốc lá điện tử muốn được cấp phép phải thông qua những tiêu chuẩn trong hệ thống quản lý này.

Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu thuốc lá điện tử lớn nhất thế giới. Bất chấp dịch bệnh Covid-19 hoành hành, tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điện tử tại thị trường này liên tục tăng trưởng. Cụ thể, trong năm 2020 Công ty Smoore International Holdings, trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc), công bố lợi nhuận ròng trong 6 tháng đầu năm đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1,3 tỉ nhân dân tệ (NDT); doanh thu chạm mốc 3,88 tỉ NDT, tăng 18,5%. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho biết, số lượng người từ bỏ thuốc lá điếu thông thường tăng lên do đánh thuế mạnh và cũng như nguy hại của thuốc lá điếu. Do vậy các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử (hay còn gọi là vape) trở thành giải pháp thay thế.

Trước đó, chính phủ Trung Quốc đồng thời cũng đưa ra các quy định chặt chẽ để bảo vệ thế hệ trẻ bao gồm việc cấm bán thuốc lá điện tử cho trẻ vị thành niên, quy định được ban hành trong năm 2018. Sau năm đó, Trung Quốc cũng đã cấm bán hàng trực tuyến mặt hàng này, trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo về rủi ro sức khỏe, an toàn khi sử dụng sản phẩm.

Một dây chuyền sản xuất thuốc lá điện tử - mặt hàng vừa được nhà nước kiểm soát tại Trung Quốc

Thuốc lá điện tử: Không kiểm soát sẽ bao trùm nguy cơ lớn

Việc chính phủ Trung Quốc chính thức kiểm soát thị trường thuốc lá điện tử dưới sự kiểm soát độc quyền của nhà nước sẽ có tác động tới toàn cầu. Bởi, ngoài cung cấp trong nước Trung Quốc còn là thị trường thuốc lá điện tử lớn nhất thế giới, trị giá khoảng 8,39 tỷ NDT. 90% chuỗi cung ứng ngành sản xuất thuốc lá điện tử của thế giới nằm ở Thâm Quyến và thành phố này được coi là thủ phủ của ngành công nghiệp, với 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Hàng nghìn nhà máy và chuỗi cung ứng cũng nằm ở tỉnh Quảng Đông. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm khoảng một nửa doanh số bán hàng của Smoore (một trong những công ty sản xuất thuốc lá điện tử lớn nhất Trung Quốc), 18,6% đến từ Trung Quốc đại lục và 12,5% đến từ Nhật Bản và châu Âu.

Thế giới hiện vẫn còn chưa quên đại dịch Evali (tổn thương phổi do thuốc lá điện tử) xảy ra tại Mỹ với hàng chục ca tử vong, và sự kiện này đã kêu gọi các nước cảnh giác về tác hại của thuốc lá điện tử. Sau nhiều cuộc điều tra của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Mỹ nhấn mạnh phần lớn các ca tử vong đến từ dung dịch tinh dầu nhập lậu từ thị trường chợ đen của Trung Quốc và Mexico. Trong thành phần tinh dầu này bao gồm cần sa (CBD) và cả hoạt chất vitamin E acetat gây cản trở các mô phổi khi sử dụng. Do vậy, để tránh tình trạng này xảy ra thêm lần nữa, Chính phủ Mỹ đã cảnh báo cộng đồng về sự nguy hại của tinh dầu thuốc lá điện tử đến từ thị trường chợ đen. Đồng thời chính quyền này yêu cầu các nhà phân phối đăng ký tất cả sản phẩm thuốc lá điện tử hiện có với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) trước thời hạn quy định và cung cấp dữ liệu khoa học chứng minh các sản phẩm đưa ra thị trường là phù hợp từ góc độ sức khỏe cộng đồng. Các nhà cung ứng phải liệt kê thành phần, chất phụ gia, đặc tính và rủi ro sức khỏe của sản phẩm, bao gồm cả việc so sánh nguy cơ với các sản phẩm thuốc lá khác. Từ đó FDA đưa ra quyết định có cho phép thương mại hay không và sản phẩm nào sẽ được cho phép. Đến nay, đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, FDA chỉ cho phép một loại thuốc lá điện tử hệ thống đóng (closed system) và trước đó là một loại thuốc lá làm nóng. Dù hai sản phẩm này khác nhau về mặt bản chất, nhưng điểm chung của cả hai là không thể phối trộn, pha chế hoặc tự ý thêm các hóa chất, phụ gia khác vào trong sản phẩm do nhà sản xuất cung cấp. Đồng thời chỉ những sản phẩm cụ thể mà FDA cho phép kinh doanh mới được xác nhận là phù hợp sức khỏe cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.