Trung Quốc âm mưu triển khai quân sự hùng hậu trong lòng Biển Đông

19/09/2022 08:00 GMT+7

Trung Quốc đang phát triển công nghệ liên lạc đường dài, thiết lập căn cứ biển sâu để triển khai vũ khí thông minh, thiết bị không người lái đồng thời tăng cường năng lực hoạt động của tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông.

Báo South China Morning Post ngày 17.9 đưa tin Trung Quốc vừa thử nghiệm công nghệ liên lạc dưới nước ở Biển Đông cho phép tàu ngầm và thiết bị không người lái duy trì liên lạc trên diện tích hơn 30.000 km vuông.

Từ tăng cường hoạt động tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo

Theo đó, cuộc thử nghiệm được thực hiện trong khu vực biển sâu 3.800 mét nằm giữa quần đảo Đông Sa (Pratas) hiện do Đài Loan kiểm soát và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN. Tờ báo dẫn lời một số chuyên gia quân sự nhận xét khu vực diễn ra thử nghiệm là tuyến hàng hải quan trọng cho tàu ngầm ra vào vùng biển gần Trung Quốc.

Trả lời Thanh Niên ngày 18.9, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) chỉ ra: “Khi xây dựng thành công một hệ thống liên lạc dưới nước hiệu quả, Trung Quốc có thể che giấu tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo ở Biển Đông”.

“Hiện tại, Trung Quốc đang phát triển JL-3 là loại tên lửa đạn đạo có thể được bắn đi từ tàu ngầm (SLBM). Nếu tàu ngầm được trang bị JL-3 vốn có tầm bắn đến 12.000 km, từ Biển Đông, Trung Quốc thậm chí có thể tấn công đến khu vực đất liền của Mỹ. Để “ẩn thân”, tàu ngầm Trung Quốc cần sự bảo vệ của lực lượng không quân và hải quân từ các thực thể nhân tạo mà nước này đang chiếm giữ phi pháp ở Trung Quốc. Kết hợp theo là hệ thống liên lạc để Trung Quốc đại lục có thể chỉ huy và kiểm soát vũ khí hạt nhân trên tàu ngầm một cách hiệu quả”, TS Nagao nêu.

Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc có thể mang tên lửa đạn đạo

Reuters

Tất nhiên, hệ thống liên lạc dưới nước có tầm xa cũng giúp tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc hoạt động trên một khu vực rộng lớn hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Đến triển khai vũ khí thông minh

Không dừng lại ở mưu đồ tăng cường hoạt động cho tàu ngầm ở Biển Đông, chương trình phát triển liên lạc dưới nước của Trung Quốc còn là nền tảng để triển khai nhiều loại thiết bị lặn không người lái (UUV) - tạm hiểu như một dạng tàu ngầm không người lái.

Trung Quốc đã triển khai các UUV và tàu nổi không người lái trong khu vực để tuần tra và thu thập thông tin. Gần 3 năm trước, trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh Trung Quốc diễn ra vào ngày 1.10.2019, quân đội nước này đã giới thiệu loại UUV mang tên HSU-001 có kích thước khá lớn. Được cho là có thể tích hợp nhiều tính năng về thu thập thông tin, do thám và trinh sát, HSU-001 trở thành thách thức lớn cho cả tàu chiến nổi lẫn tàu ngầm của nhiều nước.

Không chỉ do thám hay trinh sát mà UUV của Trung Quốc đang tiến đến các mưu đồ xa hơn. Theo South China Morning Post, Trung Quốc đang xúc tiến kế hoạch phát triển căn cứ trong biển sâu ở Biển Đông để cập cảng và nạp năng lượng cho các UUV và dự kiến đi vào hoạt động trong vài năm tới. Kèm theo đó, Bắc Kinh cũng đang phát triển vũ khí thông minh có thể được triển khai trong lòng biển để sẵn sàng tham chiến bất ngờ. Cùng với đó là các UUV có thể hoạt động trong thời gian dài.

Từ những thực tế trên, TS Nagao phân tích thêm: “Để triển khai tàu ngầm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thì cần một hệ thống liên lạc dưới nước đáng tin cậy. Trung Quốc đang phát triển nhiều loại UUV. Điển hình, vào năm 2020, Trung Quốc đã triển khai 12 UUV để thu thập thông tin ở Ấn Độ Dương. Trong tương lai gần, các UUV sẽ tinh vi hơn và trở thành lực lượng quan trọng của quân đội Trung Quốc nên Trung Quốc cần phát triển nhanh hệ thống liên lạc dưới nước”.

Chính vì vậy, ông Nagao cảnh báo: “Hệ thống liên lạc dưới nước của Trung Quốc có thể là một mối đe dọa quân sự nghiêm trọng đối với các nước xung quanh”. Trong khi đó, việc Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng lực lượng UUV và triển khai vũ khí thông minh ở Biển Đông càng khiến vùng biển này đứng trước nhiều rủi ro.

Lộ hình ảnh tàu lặn tự hành tại căn cứ Tam Á

Trang Naval News ngày 16.9 phân tích những hình ảnh vệ tinh từ căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam của Trung Quốc cho thấy 2 thiết bị lặn không người lái đặc biệt lớn (XLUUV).

Theo Naval News, XLUUV được nhìn nhận rộng rãi là công nghệ hải quân chủ chốt, có thể định hình các cuộc xung đột trong tương lai. Tương tự các UUV kích thước trung bình hiện có, XLUUV có thể thực hiện nhiệm vụ tình báo, giám sát và do thám (ISR). Kích thước lớn hơn có thể giúp chúng gia tăng tầm hoạt động hoặc cũng có thể thực hiện các vai trò khác như rải thủy lôi, tác chiến chống ngầm, vận tải.

Vi Trân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.