Trực thăng rơi ở Bình Chánh: ‘Mong các chị vượt qua nỗi đau’

29/01/2015 08:24 GMT+7

(TNO) “Vụ rơi máy bay sáng 28.1 khiến tôi bị sốc và nhớ lại vụ rơi máy bay khiến chồng tôi hy sinh cách đây 23 năm. Tổ bay do chồng tôi là cơ trưởng cũng bốn người, giống như tổ bay bị nạn này”, chị Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

(TNO) “Vụ rơi máy bay sáng 28.1 khiến tôi bị sốc và nhớ lại vụ rơi máy bay khiến chồng tôi hy sinh cách đây 23 năm. Tổ bay do chồng tôi là cơ trưởng cũng bốn người, giống như tổ bay bị nạn này”, chị Nguyễn Thị Lan, vợ thiếu tá Nguyễn Quang Vinh, cơ trưởng trực thăng Mi8 gặp nạn ở thung lũng Ô Kha, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) chia sẻ.

Chị Lan, vợ cơ trưởng Vinh, trở lại hiện trường Ô Kha năm 2014 - Ảnh: Độc Lập

Chị Lan nói: Bốn anh vừa hy sinh cùng đơn vị, chung trung đoàn với anh Vinh. Anh Đức ngày xưa bay Mi8 chung với chồng tôi, còn anh Chính bay Mi24. Còn hai người nữa còn trẻ tôi chỉ biết chứ chưa nói chuyện lần nào.

Hỏi nỗi đau của họ có khác với nỗi đau của tôi ngày xưa hay không? Đều là sự đau đớn vì mất đi người thân yêu nhất của mình. Chỉ trừ anh Cường chưa có gia đình thì con cái các anh còn lại đều đã lớn, nhà cửa, công việc cũng ổn định. Con cái chính là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho người mất chồng.

Khi mất anh Vinh, tôi còn quá trẻ, lại đang mang bầu, nhà thì chưa xây xong. Mọi cái với tôi lúc đó đều đang mới mẻ. Cho nên khi đón nhận tin chồng hy sinh, tôi đau lắm. Nỗi đau đó không thể mô tả thành lời được và cũng không thể vượt qua ngày một ngày hai. Phải mất rất nhiều thời gian nỗi đau mới nguôi ngoai. Bây giờ có khi tôi vẫn còn ám ảnh mỗi khi nghĩ đến.

Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh đứng giữa  - Ảnh: Tư liệu

Lúc đó tôi không nghĩ mình làm gì để vượt qua được đâu. Khi đó có nghĩ được cái gì đâu. Quanh tôi toàn là sự đau khổ. Tôi không làm chủ được bản thân nữa. Có lúc tôi chỉ muốn đi theo anh Vinh thôi. Nhưng rồi nghĩ mình đang mang bầu, mang theo giọt máu của anh nên tôi cần phải sống, để thay anh chăm sóc con. Tôi phải tồn tại để nuôi con. Thực sự với tôi đó là quãng đời khó khăn. Giờ nghĩ lại cảm giác đó vẫn kinh khủng lắm. Dần dần mọi thứ cũng nguôi ngoai, đau khổ cũng qua đi. Mình cứ gặm nhấm nỗi đau rồi đồng hành với nó.

Cả ngày hôm nay nghe tin máy bay rơi, tôi không làm được gì cả. Suốt ngày tôi chỉ chăm chăm vào màn hình cầu mong điều thần kỳ xảy ra. Nỗi đau của hơn 20 năm lại ùa về. Đau lắm. Anh Đức là bạn cùng phi đội với chồng tôi. Anh em chơi với nhau rất thân. Mỗi năm vào ngày tất niên, ngày thương binh liệt sĩ hay dịp kỷ niệm của đơn vị, tôi vào trung đoàn đều gặp anh Đức, anh Chính. Tính anh Đức rất vui, hay nói hay cười, còn anh Chính trầm tính. Hai người còn lại tôi cũng gặp nhưng không nhớ nhiều lắm.

Thà chuyện ở đâu tôi không biết thì bớt sợ, bớt đau nhưng lại xảy ra ở trung đoàn, với những anh em thân thiết của mình, ngay đơn vị của ông xã. Cũng bốn anh hy sinh, giống như tổ bay bốn người của ông xã tôi ngày trước. Chỉ mong các chị sớm vượt qua nỗi đau này.

Chị Nguyễn Thị Lan là vợ của cơ trưởng Mi8 Nguyễn Quang Vinh. Ngày 14.11.1992, chiếc máy bay Yak 40 mang số hiệu 474 của Vietnam Airlines chở 33 người rời TP.HCM bay tới Nha Trang. Hơn một tuần sau, khi những nạn nhân của chiếc Yak 40 vẫn chưa được tìm thấy thì trực thăng Mi8 do cơ trưởng Vinh chở lực lượng cứu nạn đang trên đường bay vào Ô Kha để đưa bà Annette - người duy nhất sống sót sau vụ tai nạn - trở ra cũng mãi mãi nằm lại đây. Bảy người, trong đó có bốn người của tổ lái tử nạn.

Thiếu tá Vinh hy sinh ở tuổi 32, còn chị Lan khi đó vừa bước qua tuổi 26. Hai người lấy nhau được hơn 3 năm. Khi thiếu tá Vinh điều khiển chiếc trực thăng bay vào vùng núi Ô Kha, chị Lan đang mang bầu đứa con đầu lòng hơn 4 tháng. Bé Nguyễn Song Bảo Anh ra đời mà không được thấy mặt ba.

Hơn 23 năm trôi qua, chị Lan vẫn ở vậy nuôi con. Nguồn động viên của chị bây giờ là cô con gái Bảo Anh rất ngoan, biết vâng lời mẹ và học rất giỏi. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.