Trồng mai kiểng - nghề phụ cho thu nhập chính

09/04/2020 06:30 GMT+7

Hơn 5 năm trở lại đây, nghề trồng mai kiểng đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân xã Nhơn Phong, TX.An Nhơn (Bình Định).

Riêng dịp Tết Canh Tý 2020 vừa qua, cả xã thu nhập khoảng 35 tỉ đồng, nhiều hộ trồng mai thoát nghèo, vươn lên trở thành tỉ phú.
Cuối năm 2019, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định về việc đầu tư dự án Xây dựng các hạng mục công trình phát triển làng sản xuất cây mai vàng Nhơn An tại xã Nhơn An và Nhơn Phong (TX.An Nhơn), tổng vốn đầu tư gần 35,5 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ 2020 - 2022. Đây là điểm nhấn để cho làng mai kiểng Nhơn Phong ngày càng phát triển.
Theo báo cáo của UBND xã Nhơn Phong, địa phương có hơn 300 hộ trồng mai kiểng, diện tích trồng lên đến 33 ha, với gần 400.000 chậu mai. Hằng năm nghề trồng mai đã đóng góp khá lớn vào tăng trưởng kinh tế của xã, riêng năm 2019 chiếm tới 26,6% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Để tạo công ăn việc làm và hỗ trợ các nông hộ, Hội nông dân xã đã liên kết ngành chức năng tổ chức đào tạo nghề, lập dự án vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân (49 tuổi, ở thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong), người có thâm niên trồng mai kiểng 20 năm, cho biết: “Hiện tôi có 20 sào với chừng 30.000 chậu mai. Đợt Tết Canh Tý vừa rồi, tôi xuất bán 15.000 chậu mai kiểng, thu về khoảng 6 tỉ đồng. Để có được nguồn thu này, mỗi tháng tôi chi 30 triệu đồng tiền thuê công chăm sóc, tưới phân, bơm thuốc, chưa nói tiền thuê ruộng, mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”.
Có thâm niên 10 năm trồng mai, ông Lâm Thanh An (60 tuổi, ở thôn Thanh Danh, xã Nhơn Phong) đã sở hữu trên 20.000 chậu mai các loại. Tết Canh Tý vừa qua, gia đình ông bán mai thu về 2 tỉ đồng. “Nghề trồng mai tuy rằng bỏ vốn đầu tư ban đầu lớn, nhưng khi thu nhập cũng gấp 10 lần so với làm ruộng”, ông An nói.
Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch Hội nông dân xã, chia sẻ: “Ban đầu các hộ nghĩ trồng mai kiểng chỉ là nghề phụ, đến khi cây mai được thị trường cả nước đón nhận và tiêu thụ mạnh, thì bà con mới mạnh dạn bỏ công sức đầu tư. Để giúp bà con, Hội phối hợp ngành chức năng mở 2 lớp dạy tạo dáng, chăm sóc cây cảnh theo thị hiếu của thị trường và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho bà con áp dụng. Hội cũng lập dự án để người trồng mai vay vốn, mức vay từ 20 triệu đồng/hộ. Năm 2020, Hội nông dân xã cũng lập tiếp dự án và đã được Hội nông dân tỉnh chấp thuận, sắp tới sẽ giải ngân cho 17 hộ vay, mỗi hộ 30 triệu đồng”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.