Trồng lúa thông minh cùng phân bón Đầu Trâu

17/10/2023 09:04 GMT+7

Trồng lúa thông minh cùng phân bón Đầu Trâu của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền giúp tiết kiệm chi phí đầu tư và tăng năng suất, lợi nhuận; đồng thời góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

"Cảm ơn chương trình trồng lúa thông minh"

"Xin cảm ơn các cơ quan, ban ngành, quý công ty đã cho tôi cơ hội tham gia chương trình "Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu" để tôi có thêm kiến thức trồng lúa hiệu quả trong thời điểm biến đổi khí hậu khắc nghiệt như hiện nay", ông Phạm Thanh Ca chia sẻ khi chuẩn bị thu hoạch vụ mùa đầu tiên mà ông tham gia chương trình.

Với quy mô sản xuất 3 ha, ở ấp Trương Hiền, xã Thạnh Trị (H.Thạnh Trị, Sóc Trăng), ông Ca có thể dễ dàng làm bài toán so sánh hiệu quả kinh tế giữa cách thức sản xuất truyền thống với mô hình trồng lúa thông minh. Cụ thể, ông Ca chia 3 ha ra làm 5 nghiệm thức sản xuất để đánh giá về năng suất, chất lượng hạt lúa và số lượng phân bón khác nhau. Qua đó so sánh sự khác biệt về lợi ích kinh tế.


Trồng lúa thông minh cùng phân bón Đầu Trâu - Ảnh 1.

Lần đầu tiên tham gia mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Ca đã nhận thấy lợi ích vượt trội

CÔNG HÂN

Ruộng nghiệm thức 1 và 2 áp dụng máy sạ cụm kết hợp vùi bón phân. Ruộng nghiệm thức 3 và 4 áp dụng bón phân rải bằng tay và áp dụng máy sạ cụm. Ruộng nghiệm thức 5 sạ lan bằng máy. Thời điểm sạ lúa, thời tiết rất bất lợi; giai đoạn trước, trong và sau khi sạ, mưa rất nhiều. Nhưng ruộng nghiệm thức 1 và 2, những hàng và cụm không thay đổi, cây lúa vẫn mọc tốt bình thường và mang lại hiệu quả cao nhất. Đầu tiên là số lượng lúa giống chỉ có 60 kg, giảm đến 40 kg so với bình thường; tương đương số tiền 640.000 đồng (lúa giống 16.000 đồng/kg). Lượng phân bón dùng chỉ 210 kg/ha, giảm 100 kg - tương đương giảm chi phí đầu tư cho khoản này thêm 2 triệu đồng. Thêm vào đó, giảm tiền thuê nhân công 4 lần bón phân là 1,2 triệu đồng.

"Như vậy, cơ bản mô hình sản xuất lúa thông minh đã giúp tôi tiết kiệm chi phí đầu tư 3,84 triệu đồng/ha so với cách sản xuất truyền thống. Nếu như bà con toàn xã, toàn huyện, cả tỉnh và cả đồng bằng này cùng áp dụng thì hiệu quả kinh tế sẽ rất lớn", ông Ca tâm đắc.

Ông Ca cũng cho biết, ruộng trong mô hình canh tác lúa thông minh lúa cứng cây, sạch sâu bệnh, chống đổ ngã rất tốt trong mùa mưa... Việc giảm lượng phân bón giúp bảo vệ môi trường cho cộng đồng và sức khỏe của nông dân sản xuất lúa. Vụ lúa này, ông Ca sản xuất giống lúa nếp Cô Tiên, năng suất (ruộng nghiệm thức 2) đạt 9,4 tấn/ha. Quá trình thu hoạch hao hụt 10% nên sản lượng thu về thật sự khoảng 8,5 tấn/ha. Giá lúa nếp hiện tại là 8.000 đồng/kg, doanh thu đạt gần 68 triệu đồng/ha. Tổng chi phí phân bón, lúa giống, thuê đất, xới đất, bơm nước, tỉa dặm, công cắt hơn 39 triệu đồng thì lợi nhuận thu về gần 29 triệu đồng/ha.

Trồng lúa thông minh cùng phân bón Đầu Trâu - Ảnh 2.

Nhiều nông dân đến tham quan ruộng lúa theo mô hình canh tác lúa thông minh tại hộ ông Phạm Thanh Ca

CÔNG HÂN

Đáp ứng tiêu chí Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Ông Võ Quốc Trung, cán bộ kỹ thuật Trung tâm khuyến nông Sóc Trăng, cho biết: Chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL được triển khai từ năm 2016 đến nay. Chương trình có sự phối hợp giữa Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Trung tâm khuyến nông quốc gia. Trên cơ sở chương trình này, Trung tâm khuyến nông Sóc Trăng đã xây dựng những mô hình khuyến nông cụ thể để chuyển giao đến bà con nông dân. Trong năm 2023, tỉnh Sóc Trăng triển khai 2 mô hình canh tác lúa thông minh ở huyện Trần Đề và huyện Thạnh Trị. Riêng mô hình tại huyện Thạnh Trị trình diễn chế phẩm sinh học Bio - Canxi và phân bón chuyên dùng Đầu Trâu Bio - Lúa nhằm giúp nông dân bổ sung vi sinh vật, cố định đạm, phân giải lân và phân giải xenlulo để thuận lợi áp dụng vùi phân bón hiệu quả hơn. 

Bên cạnh đó, mô hình còn ứng dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất thông qua áp dụng máy sạ cụm kết hợp vùi phân, giảm lượng giống gieo sạ, giảm 2 - 3 lần bón phân (tương đương giảm 25% lượng phân bón NPK các loại). Kết quả cho thấy, lúa mô hình phát triển khỏe, cải thiện về năng suất và giảm chi phí sản xuất, giúp nông dân gia tăng lợi nhuận, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải. Đây là mô hình đáp ứng được tiêu chí tham gia thực hiện Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL...

Canh tác lúa thông minh giúp lợi nhuận tăng thêm 3,84 triệu đồng/ha so với cách truyền thống

CÔNG HÂN

Mới đây, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng đã công nhận Quy trình canh tác lúa tổng hợp thích ứng với biến đổi khí hậu nêu trên. Trên cơ sở đó, thời gian tới Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền sẽ tiến hành nhiều hoạt động để nhân rộng mô hình. Tại ĐBSCL, Bình Điền phối hợp Trung tâm khuyến nông quốc gia, trung tâm khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp 13 tỉnh thành đã thực hiện tập huấn từ vụ hè thu và thu đông 2023 với số lượng dự kiến khoảng 5.000 lượt nông dân. Ngoài ứng dụng các giải pháp trong quy trình, chương trình sẽ phối hợp Công ty Sài Gòn Kim Hồng để ứng dụng giảm lượng giống gieo sạ bằng máy sạ cụm và phối hợp Công ty Bayer VN để ứng dụng quy trình quản lý dịch hại theo chương trình Much More Rice...

Hiện nay, ngành nông nghiệp VN đang triển khai chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Có thể nói, các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật của chương trình canh tác lúa thông minh và các quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy IPHM trong sản xuất. 

Mô hình canh tác lúa thông minh cần được nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh Sóc Trăng. Đặc biệt ưu tiên cho 77.000 ha lúa mà tỉnh Sóc Trăng đăng ký tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL.

Ông Võ Quốc Trung, cán bộ kỹ thuật Trung tâm khuyến nông Sóc Trăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.