Trồng lúa chạy theo ‘sản lượng’ không đồng nghĩa giúp nông dân tăng thu nhập

18/11/2022 09:14 GMT+7

Nhiều năm nay, ngành lúa gạo chạy theo tư duy sản xuất ‘lấy sản lượng làm mục tiêu’ và làm mọi giải pháp để tăng sản lượng lên những nó không đồng nghĩa giúp người dân tăng thu nhập, thậm chí là nó đi ngược lại thu nhập.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trong video gửi đến hội thảo với chủ đề: Phát triển ĐBSCL giải pháp từ cây lúa, do Báo Thanh Niên phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hôm nay 18.11, có sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong; Nhà báo, Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ suy nghĩ gửi đến hội thảo của Báo Thanh Niên và UBND tỉnh Đồng Tháp

Trung Hiếu

ĐBSCL có nên trồng lúa nữa không ?

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hoan nghênh thiện ý của Báo Thanh Niên và lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tổ chức tọa đàm: Phát triển ĐBSCL nhìn từ ngành hàng lúa gạo, đồng thời bày tỏ sự tiếc nuối khi không thu xếp thời gian được để mà cùng tham dự hội thảo cùng những người rất tâm huyết với ngành hàng lúa gạo.

Chia sẻ về những gợi ý gửi gắm đến hội thảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chọn một bức hình chụp tại hội chợ Thái Festival ở Thái Lan, với dòng chữ: “Think rice - Think Thailand”. Người Thái đã tiếp cận một tư duy khác đối với ngành hàng lúa gạo trong khi chúng ta đang tiếp cận ở tư duy sản lượng, tư duy thương mại. “Tôi rất ấn tượng chữ “Think” là chữ “Tư duy”, có lẽ là đã đến lúc chúng ta tư duy lại ngành hàng lúa gạo cả nước nói chung và ngành hàng lúa gạo của ĐBSCL”, ông Hoan nói.

Theo người đứng đầu Bộ NN-PTNT, hiện đang có ý kiến, ĐBSCL không nên trồng lúa nữa vì ngành hàng lúa gạo là ngành hàng mang lại giá trị thấp, và người nông dân trồng lúa là người ở tầng thấp trong mức độ thu nhập. Đeo đẳng cái câu chuyện đó thành ra mỗi năm, hàng triệu người ĐBSCL phải đi Đồng Nai, đi Bình Dương.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong và Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn chủ trì hội thảo

Độc lập

“Tôi nghĩ rằng ý kiến đó nó cũng có phần đúng và chúng ta cần tiếp cận khác. Tôi nói lại một lần nữa là chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đó là chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn”, ông Hoan bày tỏ quan điểm.

Theo ông Hoan, rất nhiều năm chúng ta chạy theo tư duy sản xuất, chúng ta lấy sản lượng làm mục tiêu, chủ yếu là chúng ta làm mọi giải pháp để tăng sản lượng lên nhưng hiện tại đã tới mức sản lượng không đồng nghĩa với thu nhập, thậm chí là đi ngược lại thu nhập.

“Có rất nhiều tiếng kêu rằng ĐBSCL như vậy có thể làm lúa nữa hay không, đây cũng là một dấu hỏi mà tôi đề nghị hội thảo tập trung lý giải, giải mã giúp cho Bộ trưởng Bộ NN-PTNT”, ông Hoan nói.

Tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng rất trăn trở khi nhắc đến đoạn video đã gửi cho anh Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập Báo Thanh Niên trước hội thảo và cũng là phát biểu của ông trước kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Đó là lời của một lão nông tri điền ở Đồng Tháp, nhắn gửi ông Hoan trước khi ra T.Ư nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ NN-PTNT: Nếu lúa có giá, thì nông dân chúng tôi sẵn sàng ra ngoài đồng để giăng mùng, để ngủ giữ lúa cho Chính phủ, để làm an ninh lương thực. Còn nếu lúa không có giá, thu nhập của người trồng lúa không sống nổi thì chúng tôi sẽ bỏ ruộng, lúc đó mới là vấn đề đối với an ninh lương thực. Câu nói đã ám ảnh ông Hoan suốt cái hành trình thời gian qua.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành lúa gạo

Độc Lập

Ông Hoan nhấn mạnh, Bộ NN-PTNT và hội thảo hôm nay đang lý giải một câu chuyện rất lớn ở trong sự chuyển đổi nông nghiệp ĐBSCL từ hướng làm sao chúng ta tiếp cận những cái mới. Nó không phải một loại nông sản để buôn chuyến nữa, mà nó trở thành một chuỗi ngành hàng kinh tế. Bởi vì đến lúc, sản lượng sẽ nhỏ lại, diện tích sẽ giảm nhưng phải tăng về chất và tăng về giá trị.

“Mục tiêu của chúng ta nằm ở chỗ đó. Chúng ta phải tổ chức lại một hệ sinh thái ngành hàng, có sự tham gia đầy đủ từ các nhà khoa học, các viện, các trường, các hợp tác xã tới người nông dân rồi chính quyền địa phương vào cuộc. Đó là một chuỗi để nâng hình ảnh của ngành lúa gạo lên, nâng thương hiệu của lúa gạo ĐBSCL lên, nâng cái chuỗi giá trị lên, tôi tin rằng chúng ta làm được”, ông Hoan định hướng.

Ông Hoan cũng đặt kỳ vọng, hội thảo giữa Báo Thanh Niên và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức sẽ có nhiều sáng kiến, tâm huyết, khả thi để Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đón nhận và từ kết quả này để định hướng lại trong các chương trình hành động của Bộ.

“Tôi mong muốn rằng Báo Thanh Niên sau buổi hội thảo hôm nay có một bản tổng hợp tất cả những ý kiến để gửi cho Bộ trưởng. Sau khi tôi đón nhận các ý kiến đó, chúng tôi cùng Báo Thanh Niên sẽ có một tọa đàm nho nhỏ từ những cái kết quả hôm nay để chúng ta định hướng cái việc làm sắp tới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắn gửi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.