Trọng dụng người tài

19/05/2022 04:15 GMT+7

Khi gặp gỡ các trí thức, sinh viên Việt kiều nhân chuyến thăm và làm việc tại Mỹ vào ngày 15.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất “chính trị” trả lời: “ở đâu đóng góp được cho đất nước thì cũng đều tốt cả”, khi các bạn sinh viên VN tại Mỹ đặt câu hỏi về giải pháp thu hút chất xám vào khu vực công, trong đó có vấn đề bằng cấp với cán bộ, để những người đi học ở nước ngoài có thêm động lực vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.

Nói Thủ tướng đã rất “chính trị” vì rằng, thứ nhất thực tế chứng minh, người có tài năng, có tấm lòng đóng góp cho đất nước thì dù làm việc ở khu vực công hay khu vực tư, hay ở nước ngoài thực sự đều có thể đóng góp tốt; chỉ cần một hành động đẹp, nghĩa cử văn minh giúp xây dựng hình ảnh tốt đẹp cho quê hương đất nước cũng là đóng góp, chứ không chỉ phải dự án nọ công trình khoa học kia mới gọi là đóng góp. Mỗi người bằng tài năng, trí tuệ và đạo đức của mình đều có thể góp phần xây dựng, phát triển đất nước theo cách của riêng mình.

Thứ hai, vốn từng là Trưởng ban Tổ chức T.Ư, Thủ tướng thừa hiểu việc thu hút chất xám, trọng dụng người tài vào khu vực công vẫn đang là vấn đề còn nhiều rào cản. 20 năm Hà Nội tổ chức tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu, trải thảm đỏ mời gọi các thủ khoa, trong chương trình thu hút nhân tài vào khu vực công, nhưng cũng chỉ có chưa đến 10% các thủ khoa chọn làm việc tại các cơ quan nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa về người tài rất giản dị, là “người tài đức, có thể làm những việc ích nước lợi dân”. Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, “kiến quốc cần có nhân tài”. Người đã viết hai bài Nhân tài và Kiến quốc, Tìm người tài đức được coi là “chiếu cầu hiền tài” đăng trên báo Cứu quốc để tìm người tài đức tham gia xây dựng và kiến thiết Tổ quốc.

Chính vì quan điểm giản dị như vậy, nên khi dùng người, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chú trọng tài năng ở trong công việc, lấy thước đo tinh thần vì dân, vì nước chứ không hẹp hòi, không câu nệ là người trong Đảng hay ngoài Đảng. Người sẵn sàng sử dụng lại cả các cán bộ, công chức, quan chức trong chính quyền cũ; các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng tài đức ở nước ngoài đều được Hồ Chủ tịch cảm hóa mà tình nguyện trở về và được trọng dụng để phát huy tài năng bảo vệ và kiến thiết đất nước.

Loạt bài Vì sao khó thu hút người tài? mà Báo Thanh Niên đăng tải, giới hạn trong phạm vi khu vực công cũng nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc, cho thấy việc thu hút, sử dụng người tài thực sự là vấn đề đáng suy ngẫm.

Kém thu hút được người tài vào khu vực công, chúng ta thường hay đổ cho chế độ đãi ngộ “chưa tương xứng”. Nhưng thực tế cho thấy chế độ đãi ngộ đúng là có tác dụng lớn trong việc thu hút nhân tài, nhưng chỉ chế độ cao thôi vẫn chưa đủ để giữ chân nhân tài. Trong quá trình làm việc, việc giữ chân nhân tài còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như cách sử dụng, quản lý nhân tài, môi trường làm việc, điều kiện làm việc để kích thích sự sáng tạo, khát khao cống hiến…

Để thu hút và sử dụng được người tài, có lẽ lúc nào cũng cần ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chớ vì bà con bầu bạn mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”; “Vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết, ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi…”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.