Ở một “túp lều” dã chiến dựng bằng bạt ở tận bản Pa Ngay (xã Pa Nang, H.Đakrông, Quảng Trị). Ở đó, chỉ có những gã đàn ông, sáng chiều đi tuần rừng ngày 2 cử, trưa tối xoay xở để có bát cơm ấm bụng. Họ là những người lính biên phòng và kiểm lâm, gắn đời mình với rừng rú đến nỗi những ngày lễ tết cũng không thể rời xa...

>> NGUYỄN PHÚC

Ngày xuân, ý định vượt cả trăm cây số để vào bản Pa Ngay quả là liều lĩnh. Đó không phải là chuyến “du xuân” bởi sự xa xôi cách trở của nơi chốn từng được các thầy cô giáo cắm bản trêu nhau rằng “Pa Ngay đọc trại là đi 3 ngày mới tới”. Vậy nhưng, khi anh Đinh Thiên Hoàng, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Đakrông, ngỏ lời mời mà như trách móc rằng “Từ khi lập chốt giữ rừng ở Pa Ngay, chưa có ai ghé thăm, huống hồ vào những ngày xuân”, thật khó để từ chối…

Chúng tôi đi ô tô từ TP.Đông Hà rồi di chuyển tiếp bằng xe gắn máy từ đoạn cầu treo Đakrông để vào Pa Ngay. Hơn 3 giờ đồng hồ ngồi trên chiếc Win 100 phân khối, dù đã ôm chặt người lái, khắp mình mẩy tôi vẫn ê ẩm vì phải trải qua hành trình đầy gian nan, với con đường chỗ thì trơn trượt, chỗ bị cày xới hết cả lối đi, chỗ dựng ngược như thể… đi lên trời. Đường vào Pa Ngay đi hoài mà chẳng thấy người đi ngược lại để chào nhau một câu. Chiếc xe máy và chúng tôi như đơn độc, gầm rú giữa rừng già...

Vượt hết những con dốc mang tên lạ lẫm nào “Cha ơi”, “Mạ ơi”, chúng tôi bất thần như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Mây nước bồng bềnh, núi non trùng điệp thu hết vào tầm mắt. Cũng ở nơi này, chúng tôi đã nhìn thấy là cờ Tổ quốc được cắm trên một nóc lều, nghe được những tiếng người xì xầm sau một hành trình dài... “Đến rồi đấy!”, cán bộ kiểm lâm trẻ đóng vai “người vận chuyển” đưa tôi vào chốt thông báo sau tiếng thở phào nhẹ nhõm.

Chốt giữ rừng mà chúng tôi đến được dựng ở sát bìa rừng, chỉ cách nước bạn Lào hơn 1 km tính theo đường chim bay, do Đồn biên phòng Sa Trầm (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Trị) và Trạm kiểm lâm Đakrông (Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị) phụ trách. Với gần chục cán bộ, chiến sĩ túc trực 24/24, nhiệm vụ của họ là canh giữ sự bình yên cho vùng núi rừng biên giới này. Chốt mới dựng từ hồi đầu tháng 1.2019.

“Ngày tết, cơ quan hành chính, lực lượng chức năng nghỉ hoặc tiết giảm quân số. Lâm tặc và những đối tượng xấu cũng biết điều đó... Vậy nên chúng tôi hiện diện ở đây để chúng thấy, biết đường mà tự động... lui”, đại úy Nguyễn Như Vui, Đội trưởng đội trinh sát Đồn biên phòng Sa Trầm, chốt trưởng, lý giải. Trạm phó trạm kiểm lâm Đakrông Nguyễn Ngọc Hà cũng cho hay ngày thường chuyện tuần rừng là nhiệm vụ thường xuyên, không có gì đáng nói. “Còn dịp tết, chúng tôi phải rải quân chốt ở những khu vực trọng điểm. Khi có tình huống thì có lực lượng xử lý ngay”, anh Hà nói. Cũng chính vì thế, hiệu quả của chốt gác dã chiến này không chỉ nằm ở việc bắt bớ được bao nhiêu vụ mà còn ở “chiều sâu” hơn, thí dụ kẻ xấu không dám lộng hành khi thấy sự hiện diện của chốt.

Bởi thế, dẫu là ngày đầu xuân cán bộ chiến sĩ ở chốt vẫn đều đặn đi tuần ngày 2 cử sáng chiều. Dấu chân của họ in trên những lối mòn quanh ngọn đồi A Co, sục bùn đục ngầu ở con suối A Cheng...

Đó là cách duy nhất để những cán bộ, chiến sĩ biên phòng và kiểm lâm ở chốt dã chiến vượt qua những ngày xuân. “Càng tập trung vào công việc, càng vơi đi nỗi nhớ nhà”, thượng tá Lê Văn Huy, Đồn trưởng Đồn biên phòng Sa Trầm “tóm gọn”.

Thượng tá Huy cho biết những người được biên chế ở chốt dã chiến trực tết trước hết phải có lập trường vững vàng và khỏe mạnh. “Vị trí chốt rất xa đồn, không điện, không nước, không sóng điện thoại... Đơn vị dù có chu đáo đến đâu cũng không thể thu xếp được những nhu cầu đơn giản đó của anh em, nên họ cần phải nỗ lực vượt khó. Ăn, ngủ tại chỗ”, thượng tá Huy nói. Nhưng có người lính nói vui rằng sự “eo hẹp” như vậy lại càng tốt, vì không có sóng điện thoại, không só wifi, anh em khỏi lướt mạng xã hội, khỏi thấy người ta đăng ảnh gia đình sum vầy, nấu bánh chưng bánh tét, du xuân... mà thèm. “Thế chỉ tổ nhớ vợ thương con đến trào nước mắt mà việc bỏ rừng về là điều không thể, bởi khác nào người lính bỏ trận địa”, trung tá Trần Văn Minh, thành viên chốt dã chiến, tâm sự.

Những người lính được “biên chế” vào chốt dã chiến sẽ có thêm đúng 10.000 đồng tiền ăn mỗi ngày. Chừng đó thật khó đắp đổi những vất vả, thiếu thốn ở chốt gác vùng biên. Nhưng biết làm sao, họ vẫn phải ăn ngày 3 bữa để có sức tuần rừng. Món “thường trực” vẫn là cá khô và rau rừng. “Bánh mứt ở dưới đồn và người nhà gửi lên nhưng cũng chỉ là chút hương hoa chứ đâu có nhiều. Mà đến ăn chúng tôi cũng chả dám vì... sợ nhớ nhà. Chúng tôi cố gắng quên tết đi, quên ngày này là ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3... mà chỉ là một ngày bình thường như 365 ngày khác trong năm”, đại úy Vui tặc lưỡi.

Đêm, quả là khoảng thời gian “kinh dị” nhất của những người ở chốt. Dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu, họ chỉ có 2 sự lựa chọn: hoặc phải trực gác, hoặc cuộn tròn chăn nằm sát bên nhau để chống lại cái giá buốt miền núi cao và lặng nghe tiếng chim kêu vượn hú...

Nhưng nói vậy thôi, cán bộ kiểm lâm và lính biên phòng đâu phải sắt đá, chỉ là họ giấu nước mắt vào trong, chỉ để lộ vẻ ngoài rắn rỏi. Họ thèm lắm những cái ôm thật chặt của những người thân, thèm những tiếng gọi cha của lũ trẻ, thèm hơi ấm chồng vợ chiếu chăn... Ngày xuân lại càng thèm!

***

Người Vân Kiều ở Pa Ngay từ xưa đã sống dựa vào rừng. Họ xem rừng như mẹ cha và sẵn sàng ngăn cản những kẻ đem máy cưa vào gầm rú đốn hạ cây, lái xe zin 3 cầu đưa gỗ quý ra ngoài. Ở đây, có thể dân trí không cao nhưng tình yêu với rừng của dân bản không thua một nơi chốn nào.

Vậy nên, có chốt dã chiến của kiểm lâm và biên phòng dựng ngay bìa rừng dịp tết làm bà con vui lắm. Hồ Văn Liên, vị trưởng bản trẻ tuổi của bản Pa Ngay, nói một cách thật thà rằng: “Có anh em ở chốt, xuân này bà con yên tâm vui tết, yên tâm ngủ...”.

Bởi, suốt những ngày xuân, bà con ở bản làng hẻo lánh nơi vùng biên giới này đã không còn nghe tiếng gầm rú của những chiếc máy cưa ở đâu đó vọng lại như những tiếng khóc nỉ non của núi rừng khi chảy máu.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Nguyễn Phúc

Báo Thanh Niên
12.02.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.