Trốn khỏi khu cách ly tập trung bị xử lý như thế nào ?

12/07/2020 06:40 GMT+7

Gần 3 tháng qua, Việt Nam chưa phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Song cũng trong 3 tháng qua, tại các khu cách ly tập trung vẫn liên tục xảy ra tình trạng trốn cách ly.

Nhiều vụ bỏ trốn khỏi khu cách ly

Ngày 11.7, Công an H.Châu Thành (Tây Ninh) cho biết, các đơn vị chức năng đang truy tìm 4 người mang quốc tịch Trung Quốc trốn khỏi khu cách ly tập trung tại Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh (xã Thái Bình, H.Châu Thành), gồm: Ying Ya Qiang (23 tuổi), Qian Ski Cai (25 tuổi, không có giấy tờ tùy thân) và Wang Yu Xiuan (26 tuổi, cùng ngụ tỉnh An Huy, Trung Quốc), Dai Shu Qian (33 tuổi, ngụ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc).

Truy tìm 4 người Trung Quốc trốn khỏi khu cách ly ở Tây Ninh

Những vụ trốn cách ly bị xử phạt

Ngày 29.3
Thanh tra Sở Y tế Tây Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phan Văn Tiến (47 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) 3,5 triệu đồng về hành vi trốn cách ly y tế.
Ngày 5.4
UBND TP.Hải Phòng cho biết đã có 147 người bị phạt vì không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, có 136 người không đeo khẩu trang, 11 người vi phạm các quy định khác (trong đó có 9 người trốn cách ly y tế) ở H.Cát Hải. Tổng số tiền xử phạt là 56,2 triệu đồng. Số người trốn cách ly kể trên là công nhân làm việc tại đảo Cát Bà, đang trong thời gian phải cách ly y tế và định trốn về quê.
Ngày 7.4
Chủ tịch UBND các xã Trí Nang và Đồng Lương (H.Lang Chánh, Thanh Hóa) đã ra quyết định xử phạt hành chính 14,5 triệu đồng đối với 5 người, vì có hành vi trốn khỏi nơi cách ly tại gia đình để đi dự sinh nhật một người bạn.
Ngày 28.4
Công an H.Mê Linh (Hà Nội) đã tiến hành xử phạt hành chính 3,5 triệu đồng đối với Nguyễn Ngọc Sơn (21 tuổi, ngụ Hà Nội) vì trốn khỏi khu vực cách ly y tế.
Song Mai
Theo đó, sáng 11.7, bộ phận y tế tại khu cách ly nói trên kiểm tra, phát hiện 4 trường hợp là công dân Trung Quốc không có mặt tại khu cách ly. Qua trích xuất dữ liệu camera, 4 công dân này đã leo tường rào lúc 0 giờ 54 - 0 giờ 59 cùng ngày.
Bước đầu xác định, 1 trong 4 người này có một bạn gái người Việt Nam, ngụ TP.HCM. Cô gái này đã thuê xe để đón 4 người đi trốn.

Nam thanh niên bị rối loạn tâm thần do heroin trốn khỏi khu cách ly phòng Covid-19

Tương tự, vào tháng 5, UBND tỉnh An Giang cũng phát thông báo truy tìm Trần Văn Nam (28 tuổi, thường trú tại ấp Kiến Bình 1, xã Kiến An, H.Chợ Mới, An Giang) vì trốn khỏi khu cách ly tại Trường THPT Lương Thế Vinh (H.An Phú). Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh An Giang, khoảng 17 giờ 15 ngày 10.5, sau khi lén dùng xuồng gỗ từ Campuchia trở về Việt Nam qua xã Khánh An (H.An Phú), Nam bị lực lượng bộ đội biên phòng phát hiện, giữ lại. Sau khi được đưa vào khu cách ly, Nam chưa được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, đến rạng sáng 11.5, cơ quan chức năng kiểm tra và xác định Nam đã trốn khỏi khu cách ly này.
Trước đó, nhiều vụ cũng cố tình bỏ trốn khỏi nơi cách ly, như tối 13.4, anh Gecken Stefan (30 tuổi), quốc tịch Đức, trốn khỏi khu cách ly tập trung ở Trung tâm hội nghị Hàm Rồng (TP.Thanh Hóa). Cuối tháng 3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Tiên (Kiên Giang) thông báo truy tìm, vận động, thuyết phục Bùi Ngọc Thuận (27 tuổi, ngụ P.Bình San, TP.Hà Tiên) trở lại khu cách ly tập trung, sau khi phát biện người này trốn khỏi khu cách ly để về thăm vợ tại TP.Hà Tiên...

Kiên quyết xử lý hình sự để răn đe

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam) cho hay nếu động viên, thuyết phục nhưng người trốn cách ly không ra trình diện thì buộc cơ quan chức năng phải có biện pháp cưỡng chế cách ly y tế đối với những trường hợp buộc phải cách ly theo luật quy định. “Đồng thời, người từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có thể bị phạt hành chính từ 2 - 5 triệu đồng; đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, như dịch Covid-19 hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mức hình phạt sẽ là 5 - 10 triệu đồng”, luật sư Hậu phân tích.
Về vấn đề xử lý hình sự, luật sư Nguyễn Hữu Lộc (Văn phòng luật sư Tài Lộc Tây Ninh, thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, có thể bị xử lý hình sự tại điều 295 bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, tại điểm 1.2 khoản 1 Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30.3.2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, công văn hướng dẫn người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại điều 295. Trong đó, có hành vi trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa.
Luật sư Lộc cũng nhấn mạnh trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Trong đó, tại Việt Nam nguồn nhiễm bệnh chủ yếu từ người nhập cảnh. Đặc biệt, đối với người nhập cảnh về Việt Nam từ vùng có dịch thì nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Do đó, cần phải xử lý nghiêm những hành vi vi phạm này để ngăn chặn dịch bệnh trên lãnh thổ, cần thiết thì phải xử lý hình sự.

Để xảy ra trốn cách ly, có thể bị khởi tố

Theo luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM), quy định pháp luật cũng đề cập cả trách nhiệm đối với cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ (để người bị cách ly trốn khỏi khu cách ly, không kiểm soát được tình hình đi lại của khu vực cách ly...). Trong đó, đối với người bị cách ly tập trung thì trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc cách ly thuộc về UBND tỉnh, thành phố.
“Khi cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, để người bị cách ly trốn khỏi nơi cách ly, không kiểm soát được tình hình đi lại của khu vực cách ly..., thì cơ quan, tổ chức, quản lý cán bộ, công chức đó có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Các hình thức kỷ luật đối với công chức có thể là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Trường hợp hành vi trốn cách ly mà người trốn làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người khác thì cán bộ liên quan có thể bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, luật sư Hà Hải nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.