Trọn đời vì nước, vì dân

23/11/2022 06:20 GMT+7

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với phẩm chất đạo đức cách mạng và tài năng của một nhà lãnh đạo xuất sắc, đã để lại những dấu ấn quan trọng và cống hiến to lớn, trọn đời vì đất nước, vì dân.

Sáng qua (22.11), tại TP.HCM, Học viện Chính trị Quốc gia, Ban Tuyên giáo T.Ư, Văn phòng Chính phủ, Thành ủy TP.HCM và Tỉnh ủy Vĩnh Long đồng tổ chức hội thảo cấp quốc gia “Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23.11.1922 - 23.11.2022).

Quang cảnh buổi hội thảo

NHẬT THỊNH

Theo đánh giá của Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, với tinh thần khoa học, các tham luận được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đề cập toàn diện, đi sâu phân tích, luận giải sâu sắc ở từng nội dung theo chủ đề, thể hiện lòng kính trọng và sự tri ân sâu sắc đối với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi còn đương nhiệm, trên công trường đường dây 500 kV Bắc - Nam

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Từ các tham luận và ý kiến phát biểu, có thể khái quát một số nội dung chính. Theo đó, thứ nhất, nhiều tham luận làm rõ quê hương, gia đình có những ảnh hưởng tích cực đến lý tưởng yêu nước, chí hướng cách mạng, nhân cách của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thứ hai, qua phân tích, đánh giá, các tham luận và ý kiến phát biểu đều đi đến khẳng định cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Thứ ba, các bài viết đều nêu bật những đóng góp quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong thời kỳ quá độ lên CNXH, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước; đồng thời đều đánh giá cao tinh thần bất khuất, bản lĩnh kiên cường, tấm gương đạo đức cách mạng tận trung với nước, tận hiếu với dân của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt…

Để lại những tình cảm trong sáng, tươi đẹp

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ôn lại những dấu mốc quan trọng về quá trình trưởng thành, hoạt động cách mạng và những đóng góp to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. “Với 86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, trải qua nhiều hy sinh, gian khổ, gắn liền với những chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng và dân tộc ta, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với phẩm chất đạo đức cách mạng và tài năng của một nhà lãnh đạo xuất sắc, đã để lại những dấu ấn quan trọng và những cống hiến to lớn, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng VN”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ chia sẻ “dấu ấn Võ Văn Kiệt” đã in đậm trong những quyết sách lớn, những dự án, công trình trọng điểm quốc gia thời kỳ đầu Đổi mới. Những dấu ấn lớn được đưa ra trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức lớn đã góp phần đưa sự nghiệp Đổi mới đạt được những thành tựu quan trọng, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội (KT-XH), bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là hiện thân tiêu biểu của người cộng sản đã trọn đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; là tấm gương sáng về lựa chọn lý tưởng sống và lẽ sống trọn đời vì nước, vì dân. Với đạo đức, nhân cách, trí tuệ, tài năng và những cống hiến to lớn cho đất nước và dân tộc, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại những tình cảm trong sáng, tươi đẹp trong lòng người dân và bạn bè quốc tế.

Tầm nhìn vượt thời gian

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, cũng khẳng định cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt “là người cán bộ lãnh đạo sâu sát cơ sở, kiên trung, năng động, sáng tạo, có nhiều đóng góp to lớn với phong trào cách mạng ở Nam bộ; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương người cộng sản mẫu mực suốt đời vì nước, vì dân”.

Theo khẳng định của ông Nguyễn Xuân Thắng, trên các cương vị công tác của mình, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những đóng góp to lớn đối với quá trình nghiên cứu, hình thành và chỉ đạo việc hiện thực hóa đường lối đổi mới của Đảng, từng bước đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng KT-XH, mở đầu cho thời kỳ mới ổn định và phát triển.

Về kinh tế, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết liệt ủng hộ những cách làm mới, phá bỏ những rào cản của tư duy cũ, cơ chế cũ, tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, mở đường cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Với tầm nhìn vượt thời gian, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo triển khai những công trình kinh tế trọng điểm quốc gia, điển hình nhất như: đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam; đường bắc Thăng Long - Nội Bài; đường cao tốc Láng - Hòa Lạc; công trình thoát lũ ra biển Tây; Chương trình phát triển KT-XH vùng Đồng Tháp Mười và vùng tứ giác Long Xuyên; xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất... đã mang lại hiệu quả to lớn, là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển KT-XH của đất nước những năm sau này.

“Thầm mong đất nước có nhiều người như chú Sáu”

Tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ rằng, trong những thời điểm khó khăn có tính chất bước ngoặt thì tài năng, trí tuệ, sự sắc sảo, phẩm chất và bản lĩnh của ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt được hiển lộ rõ nét nhất và để lại cho đời một gia tài đồ sộ, một khối di sản lớn lao mang ý nghĩa lịch sử và thời đại. “Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn là điểm tựa, niềm tin và nguồn cảm hứng của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân”, ông Nguyễn Văn Nên bày tỏ.

Bí thư Thành ủy TP.HCM còn chia sẻ mục tiêu quan trọng của cuộc hội thảo là “cùng nhau đi tìm chất liệu nào đã tạo nên Võ Văn Kiệt - nhà chính trị, văn hóa tầm cỡ; những nguyên tố nào đã hình thành nên một con người tổng hợp từ thân thể, trí tuệ, tâm hồn, tinh thần luôn đổi mới; trường lớp nào đã đào tạo nên một cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tận tâm, tận lực, tận hiến”...

“Khi mọi người nhắc về chú Sáu Dân cũng đều thầm mong đất nước có nhiều người như chú Sáu. Điều đó nhắc nhở rằng, các thế hệ nối tiếp phải biết tự học, học thật, làm thật, sống thật với nhân dân, vận sáng tạo vào bối cảnh, điều kiện, nhiệm vụ, yêu cầu mới, tạo giá trị mới, để góp phần đưa đất nước vượt qua thử thách mới”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Gắn với thực tiễn TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên cho biết Thành ủy TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu học tập rèn luyện, gắn với thực hiện có hiệu quả Kết luận số 14 năm 2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, quyết tâm xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có chất lượng sống tốt.

Dâng hương tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Chiều 22.11, tại Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tọa lạc TT.Vũng Liêm, H.Vũng Liêm, Vĩnh Long), đoàn công tác do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã vào viếng và thắp hương tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính viếng và thắp hương tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

NAM LONG

Tham dự cùng đoàn có bà Phan Lương Cầm, phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Trước khi vào lễ viếng, lãnh đạo Đảng và Nhà nước kính cẩn đặt vòng hoa trước anh linh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sau lễ dâng hương, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ công ơn của ông.

Nam Long

Ý KIẾN

Bài học nằm lòng

Ảnh

Là lớp con cháu của chú Sáu, tôi thẩm thấu sâu sắc công ơn to lớn, tài năng và đức độ ngời sáng của chú Sáu - Võ Văn Kiệt, trong đó tấm gương lăn lộn trong phong trào, luôn bám sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân mà suy nghĩ, tìm tòi để có quyết sách chính xác và hành động quyết liệt... thực sự là những chỉ dẫn chuẩn xác, soi đường cho cuộc hành trình của mình.

Phương thức bám sát thực tiễn cuộc sống, gắn bó máu thịt với dân, tất cả vì nước vì dân, suy nghĩ chín chắn, đưa ra quyết sách chính xác và thực thi quyết liệt của đồng chí Võ Văn Kiệt là bài học nằm lòng không những cho thế hệ hôm nay mà mãi mãi cho muôn đời sau.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
(Trích từ bài viết Phương thức hoạt động bám sát thực tiễn góp phần tôn tạo nên dấu ấn và tầm vóc Võ Văn Kiệt, trong sách Đồng chí Võ Văn Kiệt - Dấu ấn sâu đậm trong lòng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sài Gòn - Gia Định, TP.HCM; NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản tháng 11.2022)

Giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo

Ảnh

Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Chăm lo cho người nghèo hiện nay không đơn giản chỉ là thực hiện một cam kết có tính lịch sử, mà còn là bảo vệ tôn chỉ, mục đích của một Đảng cách mạng luôn nhận mình đứng về phía nhân dân”, vì vậy “phải có những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo”.

Trong quá trình công tác và trước những thay đổi theo quá trình phát triển KT-XH, xuất phát từ nguyện vọng của các địa phương và của người dân nhằm giúp người nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững; ngày 31.8.1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chấp thuận chủ trương thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Đây là tiền thân của Ngân hàng Chính sách xã hội VN ngày nay...

Ông Bùi Văn Nghiêm,Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long

Nêu quan điểm đổi mới ngân hàng

Ảnh

Mùa thu năm 1989, tại cuộc gặp với các chuyên gia kinh tế và Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nêu quan điểm đổi mới ngân hàng đó là tổ chức hệ thống ngân hàng thành 2 cấp: Ngân hàng Nhà nước quản lý hệ thống, các ngân hàng thương mại lo kinh doanh tiền tệ và tín dụng. Đó là khâu đột phá trong quản lý kinh doanh tiền tệ mà lúc đó chưa ai nghĩ đến.

Theo Thủ tướng Võ Văn Kiệt muốn đổi mới và đột phá trong phát triển không chỉ tập trung đổi mới thực chất về lý luận, phương pháp luận về công tác quy hoạch, kế hoạch mà cần phải có nhiều công trình mang tính đột phá, là trụ cột cho phát triển kinh tế

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT

Tạo nền tảng cơ bản cho hoạt động hội nhập

Ảnh

Những năm đầu thập niên 90, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong tiến trình VN hội nhập quốc tế. Ngay khi xuất hiện những tín hiệu cho thấy có cơ hội đưa đất nước thoát khỏi tình thế bị bao vây, cấm vận, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã áp dụng chiến thuật hội nhập đi từ trong ra ngoài, từ gần đến xa.

Hoạt động đối ngoại trong một thời gian ngắn đã diễn ra một cách dồn dập, trên một địa bàn rộng lớn từ khu vực Đông Nam Á, ven Thái Bình Dương qua Nam Á, vùng Vịnh, bắc Phi, Liên Xô (cũ), Đông Âu sang Tây Âu, bắc Âu, bắc Mỹ và từng bước mở ra quan hệ với 2 khu vực còn lại là châu Phi và Mỹ Latin. Chính những chuyến thăm mở đường và hành động thực tế này đã chứng minh chính sách nhất quán, lập trường trước sau như một của VN là sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Điểm chung xuyên suốt các chuyến công du này của Thủ tướng là luôn có sự tham gia của thành phần doanh nghiệp và ký kết các Thỏa thuận chung về kinh tế. Đó là nền tảng cơ bản cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và ngoại giao kinh tế được Đảng và Nhà nước ta thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả sau này.

Từ năm 1992 - 1997, trên cương vị đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi thăm 34 nước trên thế giới và Liên minh châu Âu (EU). Đến nước nào ông cũng tạo được không khí thân thiện, hữu nghị và các nước đều sẵn sàng mở rộng quan hệ kinh tế và thương mại như đề xuất của ta.

Ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.