Trộm vào nhà, phòng vệ sao cho hợp pháp?: Mơ hồ về quyền phòng vệ chính đáng

14/12/2017 18:08 GMT+7

Đứng giữa hai chọn lựa, một là bị kẻ trộm tấn công, hai là phải tấn công kẻ trộm thì làm sao có thể suy nghĩ đánh giá được tình hình để tính toán 'chống trả bao nhiêu phần trăm' thì hợp pháp.

Quyền "bất khả xâm phạm về thân thể, chỗ ở" đã được quy định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật khác lại không quy định rõ về "quyền ứng xử của chủ nhà" khi có kẻ trộm đột nhập. Trong nhiều trường hợp, chủ nhà trở thành người phạm tội còn kẻ trộm lại trở thành nạn nhân.
Có chuyên gia cho rằng quy định của luật pháp hiện nay về khái niệm "phòng vệ chính đáng" và "vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng" vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Luật sư Nguyễn Hiền Hà (Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước) nhận định: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, chỗ ở đã được quy định rõ Hiến pháp năm 2013.
Luật sư Nguyễn Hiền Hà
       
Tuy nhiên, các văn bản pháp luật khác, mà cụ thể là quy định trong Bộ luật Hình sự, không quy định rõ thế nào là “phòng vệ chính đáng”? thế nào là “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”? để người dân có thể tự bảo vệ mình.
Điều 15 Bộ luật Hình sự 1999 nêu: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.
Tại khoản 2 điều luật này còn quy định “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.”.
Cũng theo luật sư Hà, như vậy, "phòng vệ chính đáng" và "vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng" chỉ khác nhau ở 4 từ ”rõ ràng quá mức”, mà thế nào là “rõ ràng quá mức” thì không có văn bản nào giải thích.
Qua nhiều vụ án chủ nhà bắt trộm, hoặc người chống trả kẻ cầm dao đến nhà chém mình, làm họ bị thương lại trở thành tội phạm, thì quy định của pháp luật về phòng vệ chính đáng cần phải được xem xét, nghiên cứu để quy định cho rõ ràng, cụ thể hơn.
Luật sư Hà cho rằng riêng đối với vụ việc của ông Lê Minh Phương (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khi dùng kiếm chém trọng thương một người ban đêm đột nhập vào nhà mình, trước hết nếu theo quy định thì ông Phương đã có hành vi phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Tuy nhiên, xét về nguyên nhân sâu xa của vấn đề thì vụ án này có nhiều điều đáng phải bàn.
“Hiến pháp đã thừa nhận quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhân phẩm, tài sản, bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, vậy tại sao khi có kẻ ngang nhiên xâm nhập nhà, chủ nhà chống trả, lại bị phạm tội?”. luật sư Hà băn khoăn.
Theo luật sư Hà, thời gian gần đây quá nhiều vụ án kẻ đột nhập đã từ trộm chuyển thành cướp, hiếp, giết và sẵn sàng giết chết cả nhà để tẩu thoát, nên khi phát hiện có kẻ trộm vào nhà, không ai có thể đủ bình tĩnh.
Luật sư Hà cho biết ở một số nước trên thế giới, khi phát hiện kẻ trộm đột nhập, chủ nhà thậm chí có quyền bắn hạ kẻ trộm mà không cần phải xem xét việc chống trả có phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại hay không.
“Đứng giữa hai chọn lựa, một là bị kẻ trộm tấn công, hai là phải tấn công kẻ trộm thì làm sao có thể đánh giá được tình hình và phải suy nghĩ chống trả bao nhiêu phần trăm cho hợp pháp?”, luật sư Hà nói.
Luật sư Hà đề nghị cần phải có sự thay đổi lý luận về tội phạm, đánh giá lại vấn đề nguyên nhân, hành vi và hậu quả chứ không thể chỉ đặt nặng vấn đề hậu quả mà xem nhẹ nguyên nhân để xảy ra hậu quả đó. Nếu không, những hệ lụy sẽ còn tiếp diễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.