Trộm cắp lộng hành ở làng đại học

14/09/2013 03:00 GMT+7

Sinh viên ở Làng đại học Thủ Đức, nơi tiếp giáp giữa P.Linh Trung, Q.Thủ Đức (TP.HCM) và P.Đông Hòa, TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) hiện đang phải đối mặt với nạn trộm cắp hoành hành.


Khu nhà trọ sinh viên tại làng đại học luôn nằm trong tầm ngắm của kẻ trộm - Ảnh: Lê Thanh  

Sơ hở là… mất

Trong vai người đi tìm nhà trọ cho đứa em, chúng tôi gặp nhiều sinh viên (SV) kêu trời về nạn trộm cắp diễn ra thường xuyên tại khu vực này. Theo các SV, chỉ cần sơ hở một chút thì xe máy, máy tính xách tay, điện thoại di động… không cánh mà bay.

Lê Tiến Phú (SV Trường CĐ Công nghệ thông tin iSpace), trọ tại KP.6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, nhớ lại: “Cách đây 2 tháng, mình đang ngủ trưa thì bọn trộm lẻn vào phòng lấy máy tính, điện thoại và ví, trong đó có giấy tờ tùy thân, thẻ ATM và vài trăm ngàn đồng”. Nguyễn Thái Bình (SV năm 2 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), cũng trọ tại khu vực này, cho biết: “Cạnh phòng trọ mình có 3 anh ở chung khi đi ra ngoài đã bị trộm cạy cửa lấy 3 máy tính”.

Không chỉ các món đồ có giá trị mà cả quần áo, giày dép của SV cũng nằm trong “tầm ngắm” của bọn trộm.

Nguyễn Hưng (SV năm 4 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), ở trọ tại KP.Tân Lập, P.Đông Hòa, TX.Dĩ An, than: “Mình có 2 bộ đồ vía để dành mặc đi chơi với bạn bè hay tiệc tùng. Cách đây khoảng 10 ngày mình mang 2 bộ đồ ra giặt rồi phơi trước cửa nhà, đang ngủ trưa nghe có trời mưa chạy ra lấy đồ thì chỉ còn mấy cái móc toòng teng trên cây sào, quần áo mất tiêu hồi nào không hay”. Tống Văn Giang (SV năm 4 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cũng ngụ tại đây, tâm sự: “Để dành mãi mới mua được đôi giày tây. Mới mang được vài hôm, buổi trưa đi về để trước cửa phòng trọ chưa kịp đem vô thì đã bị trộm lấy mất”. Giang bức xúc: “Khu nhà trọ của mình đang ở chỉ cần sơ ý một tí thì điện thoại để trên bàn, quần áo và cả giày dép cứ thế ra đi không hẹn ngày trở lại. Thậm chí ở trong phòng nhưng đi vào nhà vệ sinh mà quên khóa cửa phòng thì bọn trộm cũng lẻn vào lấy”.

Thủ đoạn tinh vi

Nguyễn Thanh Hiền (SV năm cuối Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) trọ tại KP.6, cảnh báo: “Kẻ trộm thường giả dạng những người đi bán tăm xỉa răng tình thương, rảo quanh các khu nhà trọ để chôm chỉa đồ đạc của SV”. Màn kịch này thường xuất hiện vào đầu năm học mới, khi tân SV từ các tỉnh khác mới chuyển về ở trọ nên chưa đề cao cảnh giác. Ngoài ra, bọn chúng cũng thường đi xe tay ga, ăn mặc rất lịch sự, giả làm nhân viên tiếp thị sản phẩm mới bán với giá cực rẻ. Thường họ đi 2 người, một bước vào phòng trọ giới thiệu sản phẩm, người còn lại ngồi trên xe tay ga, khi SV sơ hở là chúng cướp rồi vọt mất.

Tinh vi hơn, chúng giả làm người của các cơ quan nhà nước như nhân viên kiểm tra hệ thống điện, phòng dịch, nhân viên môi trường… để tiếp cận SV.

Nguyễn Thị Mai (SV năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) nhớ lại: “Cách đây khoảng 5 tháng, mình đang ngồi học bài thì có một người trạc 30 tuổi tự xưng là nhân viên phòng dịch, trưng ra bảng tên, giấy tờ của cơ quan, đơn vị đang công tác. Nói chuyện khoảng vài phút thì anh ta móc trong túi xách một cục màu xanh đưa cho mình nói là đem vào bỏ trong nhà vệ sinh để có tác dụng diệt vi khuẩn. Mình vừa bước vào nhà vệ sinh thì anh này lấy chiếc máy tính trên bàn học của mình rồi lên xe phóng như bay”.

Lập nhiều biện pháp chống trộm

Trả lời phóng viên Thanh Niên về thực trạng này, đại úy Lê Quang Hòa, Phó trưởng công an P.Đông Hòa, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nhìn nhận: “Khu vực làng đại học là địa bàn rất rộng lại giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TP.HCM nên tình hình trộm cắp diễn ra rất phức tạp”.

Để ngăn chặn tình trạng này, Công an P.Đông Hòa đã thành lập 2 chốt dân phòng, một chốt đóng tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM (khu phố Tân Lập) và một chốt đóng tại khu B của ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM (khu phố Tân Hòa). Công an phường cũng cử lực lượng túc trực, tuần tra suốt 24/24 giờ. Theo đại úy Lê Quang Hòa, sẽ tăng cường lực lượng, có kế hoạch phối hợp với công an của một số phường lân cận thuộc Q.Thủ Đức cũng như lực lượng dân phòng và quần chúng nhân dân để tuần tra thường xuyên. Đại úy Hòa khẳng định quyết tâm chặn đứng nạn trộm cắp trong các khu nhà trọ để SV yên tâm học hành.

Số điện thoại nóng

Làng đại học Thủ Đức hiện có hơn 10 trường ĐH và cao đẳng với khoảng 40.000 SV đang sinh sống và học tập, trở thành nơi tập trung đông SV nhất cả nước. Sinh viên khi phát hiện vụ việc, đối tượng có biểu hiện nghi vấn trộm cắp, có thể báo ngay cho Công an P.Đông Hòa qua số điện thoại 0650.3750872.

Lê Thanh

>> Làng đại học Đà Nẵng “treo” hơn 15 năm
>> Dây cáp điện “đu võng” khắp làng đại học Thủ Đức
>> Tệ nạn tấn công làng đại học: Trộm, cướp lộng hành
>> Tệ nạn tấn công làng đại học: Cho sinh viên vay nặng lãi
>> Tệ nạn tấn công làng đại học: Cờ bạc, lô đề, cá độ bủa vây
>> Chợ bình dân ở làng đại học
>> Xây dựng trái phép tại Làng đại học Đà Nẵng
>> “Chợ tình” ven Làng đại học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.