Trôi giữa xứ hoa... - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

08/02/2015 07:00 GMT+7

Kha cứ cãi ông cụ rằng làm gì có ai gọi đất ấy bằng cái tên “xứ hoa”. Kha lạ gì đoạn đường quốc lộ bụi mù mịt cắt xuyên qua một huyện ngoại thành Hà Nội.

Kha cứ cãi ông cụ rằng làm gì có ai gọi đất ấy bằng cái tên “xứ hoa”. Kha lạ gì đoạn đường quốc lộ bụi mù mịt cắt xuyên qua một huyện ngoại thành Hà Nội.
Minh họa: Văn nguyễn
Tiêu điều mấy gốc cây được người ta bứng ở đâu về trồng bao nhiêu năm lá không mọc nổi. Quang cảnh hai bên đường thì chẳng ra đồng ruộng cũng chẳng giống bỏ hoang, nhờ nhợ một màu bụi đất. Năm nào gã chẳng chở vài chuyến hàng tết qua con đường đó lên các tỉnh trung du phía bắc. Đến cây xanh còn chẳng có thì làm quái gì có cái chợ hoa nào neo đậu bên đường như lời ông cụ quả quyết. “Khúc đó người ta xây cái cầu đã mấy năm nay. Năm nào chợ hoa chẳng trải dài từ đầu cầu bên này đến đầu cầu bên kia”. Chợ hoa? Mà là hoa gì? Ờ thì người ta bán đào phai, quất tết, phong lan, hoa cúc đủ màu... đã gọi là xứ hoa thì có gì là thiếu. Kha ngồi ngẩn tò te bên quán nước chè lề đường của ông cụ cụt chân. Kha mường tượng lại bằng trí óc tinh tươm, tỉnh táo của một gã xế đường dài. Đường vào nam ra bắc ngược xuôi khắp nẻo gã còn nhớ hơn môi mắt người tình. Chỗ nào có bún cá ngon, chỗ nào có nước chè đặc lại kèm thêm hát bội, chỗ nào có cây điệp vàng ba năm không thấy nở hoa, chỗ nào có mấy cha giao thông hay đứng… Bởi vậy làm gì có chuyện gã không nhớ nổi cái chợ hoa nào đó mọc trên tuyến đường cách thành phố có vài chục cây số vào mấy ngày giáp tết.
Mà hà cớ gì Kha lại đi tin một ông cụ cụt chân. Cả năm ông cụ nào có xê dịch đi đâu khỏi cái ghế lót da bóng nhẫy mồ hôi và đen đúa bụi. Nghe dân lái xe đồn ông sống cùng bà vợ đã ngoài sáu mươi bị mắc bệnh hoang tưởng. Nhưng lần nào đi xa về Kha ra đây ngồi cũng không thấy bóng dáng người đàn bà nào cả. Chỉ thấy ông cụ tự đi ra đi vào bằng chiếc ghế được gắn vào xe lăn. Mùa lạnh ông bán trà nóng, mùa hè thì ông đổi sang trà đá. Vài cái cốc, mấy chồng ghế nhựa, bình ủ trà đã cáu cặn trà vàng khè, thêm lọ kẹo lạc, vài ba thanh kẹo cao su thế là thành quán nhỏ. Hỏi bán vầy đủ sống không cụ ơi? Bán cho vui chứ già như tụi tui thì ăn sương gió với nỗi buồn cũng dư thừa năng lượng sống. Gã nghĩ vui khỉ gió gì mà vui, đường lớn toàn bụi đất còi xe và chát chúa mặt người. Đoạn đường này toàn xe lớn đi lại, nhà cửa ít, lơ thơ vài thân cây, vỉa hè về đêm là chỗ của mấy chị bán quần áo hàng thùng, giày dép đổ đống. Đôi khi lảng vảng cả gái ăn đêm đứng õng ẹo bên gốc cây ngó đèn xe như chim con ngó mồi. Ấy vậy mà chìa ra cái quán của ông cụ giữa lùm cây sùm sụp. Quán có trước hay lùm cây có trước Kha cũng không biết. Vì khi thấy quán đã thấy cây, thấy hoa bìm bìm leo ngả ngớn trên nóc quán. Bữa đó gã dừng xe lại tạt vào quán xin chén nước, tiện mồm quở quang “đang giữa đường trống trơ tự nhiên có giậu hoa, khéo làm mấy ông xế giật mình liệng tay lái thì toi”. Ông cụ cười bảo mấy tài xế chỉ thấy gái đẹp thì mới liệng tay còn hoa ông trồng chỉ xiêu lòng phụ nữ. Vậy cụ trồng nó cho ai? Thì trồng hoa cho người tìm hoa chứ cho ai. Nhưng sao phải lôi nhau ra vệ đường mà trồng hoa, nghe nói nhà cụ ở quê đất đai đầy mà kinh tế cũng đâu có thiếu? Anh nghe ai nói vậy? Thì cánh lái xe chứ ai? Ông cụ chỉ tay lên mái nhà: “Tôi bảo thiệt này, mồm mấy gã xế tụi anh lành phành như mái lá, lời nói như gió thoảng. Tin mà chi?”.
Kha cười hề hề. Ngó cái quán trống trơn, hất hàm dò hỏi “nghe nói cụ đâu có sống một mình?”. À thì người ta lại đi tìm hoa ấy mà. Hoa thì thiếu chi, mà tìm ở đâu mới được? Thì ở xứ hoa chứ ở đâu. Xứ hoa? Lại đoạn đường bụi mù và cái cầu lúc nào cũng căng bụng gió sông. Gã hoài nghi ngay cả khi hụm trà đắng ngắt vừa kịp trôi xuống cổ. Mùa này gió nhiều mà sương cũng lắm, có hôm gã dừng xe thấy mi mắt ông cụ sương đọng lại thành từng giọt. Nên gã nghĩ chén nước trà nóng đầu tiên trong ngày có khi ông cụ ủ cho mình rồi thì mới đến khách. Khách nào vào uống nước ông cũng ngó đăm đăm. Hỏi hình như ông cần tìm ai? Ông cụ bảo tìm thằng cha tài xế hẹn hò suông làm đời bà nhà tôi khổ. Gã cười. Kẻ hẹn hò một bà già ngoài sáu mươi chắc giờ không còn cầm vô lăng nữa. Chắc ông ta đã giải nghệ lâu rồi. Làm cái nghề này yêu mãi rồi cũng chán, được chu du thiên hạ đó đây nhưng ngồi mãi xương cốt cũng bật tiếng kêu than. Nhất là những gã xế đường dài cần phải có sức khỏe mới kham nổi. Có chút tuổi rồi có muốn cầm vô lăng thì cơ thể nó cũng biểu tình đòi giải nghệ. Mà cái ông hẹn hò bà cụ trông người ra sao? Lái xe tuyến đường nào? Ông cụ cười gằn nói chắc là bảnh trai dữ lắm, có thế mới đắm đuối đàn bà. Mà sao anh hỏi lạ, thì gã đi qua xứ hoa chứ tuyến nào… Hừ. Lại là cái xứ hoa chết tiệt, mỗi lần ông cụ nhắc đến cứ như đang trêu ngươi trí nhớ của một gã tài.
* * *
Gã mới nhận được hợp đồng chở hàng tết lên Phú Thọ. Hàng hóa không đến nỗi cồng kềnh để phải luồn đường nhỏ tránh công an như mọi bận. Nhưng gã vẫn chọn con đường bụi mù ấy để đi chỉ vì muốn tận mắt xác nhận lại trí nhớ của mình về một cái xứ hoa nào đó. Đường quốc lộ gì mà gồ ghề, xấu xí và tin hin ngứa mắt. May mà mấy năm nay đã nâng cấp lên nhiều, đường thoáng hơn đôi chút nhằm giảm tải cho những tuyến đường quốc lộ khác. Chỉ có điều đoạn chạy qua xứ hoa mà ông cụ bảo thì vẫn bụi bay mù mịt, bụi đến mức cây sống ở khúc này chẳng bao giờ mọc lá. Cứ thẳng đuỗn, trụi trơ đến mắc cười. Chiếc cầu bắc qua sông đã ở trước mắt, gã tìm chỗ đỗ xe, kéo cửa kính xuống và chiêm ngưỡng cái “xứ hoa” của ông cụ bán nước chè. Người xe đi qua khúc đường này cảm tưởng như mình mới bị hút vào một trận bão cát. Đang váy áo muôn màu, tóc tai đủ kiểu, hàng hóa tết cũng xanh đỏ đầy đường. Thế rồi bỗng nhiên mờ ảo, nhạt nhòa như phủ nhuộm vạn vật bằng màu đất. Xoáy trong nó một lúc rồi sẽ được đẩy trả lại con đường thông thoáng bình thường. Gã nghĩ nếu là một họa sĩ gã sẽ vẽ lại cảnh tượng đó. Nếu là một nhà văn gã cũng sẽ dùng ngôn từ để tả, cũng dễ thôi. Nhưng gã chỉ là một tay xế. Vậy thì phải làm sao để ông cụ tin rằng trên con đường này chẳng có một cái chợ hoa nào hết. Gã giơ điện thoại và chụp lại. Nhưng thật ra chẳng chụp được gì, chỉ là làn bụi mù che khuất cả cây cầu lẫn con người. Biết lấy gì làm bằng chứng, hay là một hôm nào đó rảnh rỗi gã sẽ bứng cái ghế lót da của ông cụ lên xe rồi chở đến đây. Ờ vậy đi, hoặc là quên khuấy cái xứ hoa trong trí tưởng tượng của một ông già lẩm cẩm. Tự nhiên lại đi tin một điều huyễn hoặc. Kha tự cười mình khi lao xe vào khúc bụi. Chẳng bao giờ gã nhìn thấy được nụ cười méo mó của mình trong đám bụi mù, gió sông càng được thể tung hoành từng đợt xoáy.
Nhưng cái bà lão lẩn khuất trong câu chuyện về xứ hoa này không biết đang ở đâu? Lúc đi qua khúc bụi gã xế bỗng nhiên chột dạ. Có khi nào bà vẫn quanh quẩn trong đám bụi ấy tìm hoa? Mà đã chắc gì chỗ bà đi tìm hoa đã là cây cầu trong ý nghĩ của ông già lẩm cẩm. Một ông già không thể đi đâu nổi chắc cũng dễ tin lời. Mà bà vợ cũng đâu có vừa, thì cứ chỉ đại một vườn hoa nào đấy có phải hơn không. Sao lại nghĩ ra một khúc đường đầy bụi mà nhắn lại chồng mỗi lúc đi xa. Báo hại gã phải rong xe đi tuyến đường này chẳng biết đến tối có kịp quay về thành phố. Mặc dù gã bực bội, rủa xả và tự biện minh đủ kiểu nhưng không hiểu sao lúc xe chạy xa rồi cái ý nghĩ bà già vẫn thơ thẩn trong khúc bụi tìm hoa cứ ám ảnh tâm trí gã như bám bụi. Hay là có một chợ hoa thật mà gã không nhìn thấy? Cũng có thể lắm chứ, những gã xế đường dài lúc cùng ngồi nghỉ bên quán nhỏ vệ đường thường kể cho nhau nghe những câu chuyện âm u bí hiểm.
Như có anh xế Thái Bình lái xe bắc nam kể mấy năm trước đúng giữa đêm mưa lạnh, anh bị sốt dọc đường quốc lộ. Hai bên đường không nhà cửa, mà xe cộ về đêm cũng thưa thớt dần. Anh ta cố lái xe tìm một quán nghỉ chân nhưng đi mãi vẫn không thấy quán. Bỗng nhiên anh ta nhìn thấy một ngôi nhà nhỏ chong đèn vàng ấm áp. Anh dừng lại xin nghỉ chân và xin tách trà gừng. Có bà lão hiền từ còn chườm khăn ấm cho anh. Mờ sáng hôm sau anh khỏi sốt vội lên đường sớm cho kịp chuyến hàng. Lúc quay về anh tìm mãi không thấy ngôi nhà nhỏ. Xung quanh cũng chẳng có nhà dân để hỏi. Chỗ anh nằm nghỉ chân chỉ là một bãi đất trống huơ lơ thơ vài túm cỏ. Bà lão, trà gừng và khăn ấm như thể anh chỉ gặp trong một giấc mơ thôi. Lại có anh xế Hà Nam kể chuyện đã đi xuyên đêm với một cô gái lạ. Cô ta lao ra đường chặn xe xin đi nhờ qua đoạn đường đèo dốc. Cho gái lên xe đen lắm, anh đã khước từ mà cô gái cứ năn nỉ xin đi. Lúc gần đổ đèo cô ta nhắc anh cẩn thận vì núi vừa bị lở giúp anh tránh kịp mấy tảng đá giữa đường. Qua đoạn đó thì cô gái xuống. Sau này anh mới biết mình chẳng phải là người duy nhất được cô gái dẫn đường đêm ấy. Hôm sau người ta thuê người khênh mấy tảng đá đi, ai cũng ngạc nhiên vì sao đá lở đúng khúc cua mà các tay xế đều tránh được. Rồi nhiều chuyện kiểu như vậy dân lái xe thiếu gì đâu. Cũng chẳng rõ có phải thật hay chỉ là chuyện kể cho vui. Nhưng lỡ đâu có chợ hoa thật thì sao? Lỡ đâu cái đám bụi mù ấy thực ra chỉ là ảo ảnh trong mắt gã, chỉ mình gã mà thôi. Ý nghĩ ấy khiến gã phát điên. Một kiểu điên hú họa…
* * *
Kha quay lại quốc lộ ấy một lần nữa. Thậm chí gã đã hỏi mấy người dân đi rẫy dưới đồng. Họ cười một gã khờ hỏi han vớ vẩn. Chợ hoa gì cái xứ bụi mù này, người còn chết chứ nói gì hoa. Vậy là gã không nhầm. Ông già lẩm cẩm thật hoặc bà vợ thật là quái lắm. Gã lái xe về thành phố, hậm hực một điều gì đó không rõ nghĩa. Cái chợ hoa rõ ràng không có thực nhưng hình như nó vướng bận trong đầu gã quá nhiều. Và một bà cụ đi tìm hoa đâu đó. Mơ hồ chưa gặp mặt vậy mà mấy ngày qua hình như gã có ý kiếm tìm. Thành phố những ngày cuối năm trông như ả gái quê. Diêm dúa trong dáng vẻ lôi thôi, luộm thuộm. Bề bộn màu sắc, hàng hóa ê hề trông như bộ mặt phấn son thô kệch. Gã bỗng nhớ quán nước chè đặc sịt và ông lão khù khờ. Nhớ giậu hoa biếc tím đã hết mùa. Nhớ bụi sương đọng thành giọt trên mi mắt ấy. Nỗi nhớ lái vô lăng, gã đi. Quán vắng mờ mờ, ảo ảo ngay trước mặt. Xe cứ trôi…
Ông cụ trông hàng đêm ngó ra đường loang loáng đèn container chạy qua. Chắc ông chờ một chiếc xe dừng lại để ngồi đó bầu bạn cho đỡ cô đơn. Đấy là gã nghĩ thế thôi chứ biết đâu ông cụ đang chờ một thứ gì đó không rõ nghĩa. Còn gã thì đang an ủi ông hay đang tự an ủi mình khi tìm đến. Rõ ràng ánh mắt mờ sương ấy thoáng vui. Hay chỉ là gã đang ảo tưởng. Cuộc sống đường trường của một kẻ suốt ngày làm bạn với xe, với những con đường miên man tít tắp như gã không mắc bệnh ảo tưởng mới lạ. Mà hình như gã đang già đi. Không phải là tiếng kêu cứu của xương cốt mà là sự bải hoải tinh thần. Một kiểu cảm giác thiên hạ vẫn gọi tên là cô đơn. Bỗng thèm một chốn dừng chân như quán của cụ già. Sáng ra ngồi yên ngó dòng đời xung quanh lao đi, thấy hạnh phúc vì mình đã thoát ra khỏi nó. Nhưng ông cụ còn có người mà thao thiết nhớ mong. Dẫu bà đi tìm hoa, có huyễn hoặc ông về một vùng trời nào đó. Gã thì không có ai. Mẹ già không, tri kỷ càng không có. Một hôm nào đó xa lắc ông cụ hỏi gã sao không lấy vợ? Như gió lạnh vụt thổi qua gáy gã. Câu hỏi ấy có vài lần gã tự hỏi mình. Lấy ai? Mà không phải chẳng có ai để lấy, chẳng qua cuộc đời phiêu bạt mãi nên quen. Đàn bà gã không thiếu, dân lái xe chẳng ai thiếu. Cơm chợ vợ đường, người đời nói chẳng có sai. Khi người ta trẻ người ta thấy không cần ai lâu dài. Không cần một bến bờ neo thân đậu phận. Người ta thích mua vui trong chốc lát rồi thôi. Ông cụ cười cười chửi cha cái dân lái xe bạc đường bạc mặt.
Chè ấm tay cầm. Kha ngả lưng tựa vào vách quán. Ông cụ lấy thanh tre gãi chân nghe lột sột. Ông chỉ cái ghế lót da hỏi trông có giống cái ghế của một gã tài không? Thì giống ở chỗ nó kìm chân ta lại một chỗ đấy thôi. Ông cụ vỗ vào chân anh cười khùng khục. Thú thực mười mấy năm trước chân tôi còn khỏe như chân anh, cũng dùng để đạp phanh xe, để chạy trốn đàn bà, để la cà quán xá dọc dài trên những tuyến đường mù mịt. Vậy hóa ra cụ cũng dân xế? Xế nhà nòi chứ đùa à, cho đến khi một tai nạn thảm khốc diễn ra cướp mất đôi chân. Ông cụ gõ thanh tre bồm bộp xuống chân, chỗ ống quần cụt có vệt dài bay lên, không rõ là bụi, sương hay khói nữa. Cả đời xế của tôi còn lại có cái ghế này. Cái xe tai nạn nát bươm, tôi gỡ cái ghế về ngồi nốt phần đời còn lại. Thế còn bà cụ thì sao? Bà ấy đi tìm hoa ở xứ hoa, tìm một gã xế hứa sẽ trở lại vào mỗi mùa hoa tết.
Quái quỷ thật trời mưa này cụ ơi. Mưa mát mẻ cho hoa tết tươi lâu. Chỉ có điều người đi tìm hoa thì cực. Chỗ cụ chỉ con mới đi qua mà không thấy chợ hoa. Đấy là cậu không biết đấy thôi, ngày xưa chỗ ấy người ta lập thành chợ hoa tết. Gã tài xế đào hoa từng đi chở đào rừng thuê trên Sa Pa về bỏ mối. Hôm đến chợ đó có dừng lại bán đào cho một cô mặc áo hoa tím biếc. Lúc đi mua hoa cô còn tranh thủ hong tóc ướt. Sao cậu lại không tin? Tôi ngửi thấy cả mùi hoa bưởi vương trên tóc. Nên lỡ hứa xứ tôi đến có nắng vàng tít tắp, có hoa nở ngập tràn. Năm sau tôi quay lại nếu cô muốn hong tóc tôi sẽ dẫn cô đi. Rồi cụ có trở lại đó không? Tôi chưa kịp trở lại thì đã quên. Nói đúng hơn mấy lời hứa dọc đường tôi không định nhớ. Rồi một lần ngồi trong quán nhậu với mấy gã lái xe. Có người kể gặp một cô gái mặc áo màu tím biếc vẫy lại hỏi đường đi tìm xứ của hoa. Nào ai biết xứ của hoa ở đâu mà chỉ. Hình như cô gái ấy cứ đi, rong ruổi nhiều chặng đường chỉ để lại một cái vẫy tay và sắc áo. Tôi đã định đi tìm nhưng chẳng may tai nạn. Vậy cậu có gặp cô gái nào hỏi đường đến xứ hoa không?
Kha ngửa cổ nhìn cái giậu bìm bìm mùa lụi lá lòng nhũn buồn. Hóa ra gã cũng đã từng rơi rớt vài lời hứa ở đâu đó mà tức thời gã không nhớ nổi. Liệu có ai đi tìm gã như cô gái đi tìm xứ hoa không? Hỡi Đào, Thắm, Cúc, Lan, Tuyết, Nhung, Thao, Tịnh? Hỡi những cô gái ăn sương uống gió? Mà hóa ra ông cụ sống có một mình chứ không phải sống cùng một bà lão nào đó như đồn đại hay sao? Ông cụ hất cằm lên nóc quán, miệng hỏi chắc cậu lại nghe từ đám xế đường dài? Ừ thì đã có giậu bìm bìm mọc dọc ngang nóc quán làm bạn chắc sẽ đỡ buồn, nhưng già rồi còn ra đây ngồi hít gió bụi làm chi? Thì tôi ngồi cho đỡ nhớ đường, đỡ nhớ vô lăng và những tháng năm rong ruổi. Ngồi xem có anh xế nào dừng chân kể câu chuyện về cô gái áo tím hỏi đường. Cô gái của tôi chắc giờ đã thành bà lão. Một bà lão đi tìm xứ của hoa. Mà tôi cũng ngồi để nhìn mặt gã xế đào hoa quên lời hứa năm nào...
Đêm cuối năm gió lạnh. Quán chong đèn đỏ quạch. Như đốm lửa ấm sưởi đại lộ vun vút gió. Giờ này thiên hạ thích nói chuyện sum vầy. Gã thấy mình và ông cụ đang trôi trên một cây cầu hoa. Xe trôi đến đâu từng thảm hoa nở bung đến đó. Gió sông trong lành và cánh đồng xanh thẳm, tất cả đang quấn quện như dải lụa màu lâng lâng hương sắc. Trong những người đàn bà đứng bán hoa không có cụ bà nào. Tất cả đều còn trẻ. Mắt họ không có vết chân chim, tóc họ không rối bời và mắt họ không có lời ai oán. Gã thấy những Hoa, những Lan, những Cúc, những Đào... đang mỉm cười với gã. Giống như những lần họ tiễn gã lên đường với lời chúc bình an. Bất giác gã nhìn sang ông cụ, chỉ thấy một màn sương đục. Cũng không rõ là sương ở mắt ông hay trong mắt gã. Ông hỏi gã có nhìn thấy giậu hoa tím biêng biếc ấy không? Đang tết mà lấy đâu ra hoa bìm bìm nở. Mà có ai mang bìm bìm đi bán bao giờ? Gã cười nghĩ ông cụ lẩm cẩm thật rồi. Không. Rõ ràng tôi nhìn thấy màu hoa. Có cô gái mặc áo hoa vừa đi vừa hong tóc. Đó. Cô ấy đó, cậu có ngửi thấy mùi hương bưởi thoảng qua?
Xe vẫn đang trôi giữa xứ hoa...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.