Trời chớm lạnh, về Tú Lệ thăm lúa tiên mùa cốm nếp

14/11/2016 21:39 GMT+7

Khi đất trời Tây bắc chớm lạnh cũng là lúc xã Tú Lệ luôn ngạt ngào hương cốm nếp, tiếng chày giã cốm thậm thình của những thiếu nữ Thái làm giăng mắc bao bước chân du khách.

Trong tiết trời se lạnh, sau khi tắm suối nước nóng cùng bà con dân bản cuối ngày làm đồng về, bạn nhớ dừng chân ở một ngôi nhà sàn và thưởng thức món xôi “trời ban” kèm với món cá nướng trên bếp củi rực hồng thơm phưng phức, hẳn sẽ thấy cuộc đời mình mãn nguyện lắm rồi.
Đặc sản thết đãi khách quý
Nằm cách đèo Khau Phạ (Cổng Trời) - một trong tứ đại đỉnh đèo hùng vĩ nhất dải non sông từ Bắc chí Nam - chừng 20 cây số là xã Tú Lệ thuộc H.Văn Chấn, tỉnh Yên Bái nơi có sản vật thơm ngon nổi tiếng nếp Tú Lệ còn được bà con địa phương gọi là Khẩu Nua Mường Lùng hay Nếp Tan, trước kia luôn được dùng làm cống vật để tiến vua.

tin liên quan

Lễ hội bắp nếp ở phố cổ Hội An
Sáng 23.2, làng nghề trồng bắp nếp phường Cẩm Nam (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) tổ chức Ngày hội bắp nếp Cẩm Nam lần thứ 3 - năm 2016.
Truyền thuyết xưa kể rằng, tổ tiên người Thái được tiên ban cho giống nếp quý kèm theo lời dặn tìm nơi đất tốt để gieo trồng sẽ cho gạo dẻo, thơm, ngon. Vâng lời tiên dạy, tổ tiên người Thái đã đi khắp vùng Tây bắc, hễ thấy nơi nào đất tốt thì gieo trồng thử nhưng đều không được như ý. Chỉ khi đến chân đèo Khau Phạ, nơi có dòng nước mát thơm của con suối Nậm Lung và đất đai thung lũng Tú Lệ màu mỡ thì giống lúa tiên như gặp được đất của trời mới “khoe” hết đặc tính quý hiếm của mình.
Trong thung lũng Tú Lệ, lúa nếp Tú Lệ được gieo trồng ở bản Phạ trên (trời cao) và Phạ dưới (trời thấp) là cho chất lượng thơm ngon nhất. Do được nuôi dưỡng trên những cánh đồng màu mỡ của Phạ (trời) nên nếp Tú Lệ có nhiều đặc tính hiếm quý là cơm ngon, dẻo lâu, vị đậm, ngậy, đặc biệt cơm xôi có hương thơm ngào ngạt mang đặc trưng riêng của mảnh đất Mường Trời.
Bởi vậy, đã từ bao đời nay nếp Tú Lệ được đồng bào người Thái nơi đây nâng niu, gìn giữ như “hạt ngọc Trời ban”, chỉ được đem ra dùng để thết đãi khách quý hoặc trong những dịp cúng, lễ đặc biệt.
 
Giống lúa tiên - nếp Tú Lệ Ảnh: P.Q
Nếp Tú Lệ là giống lúa dài ngày (140 - 145 ngày), cây cao, hạt thóc có râu màu đen, hạt gạo tròn, trắng trong, ít bạc bụng; khả năng sinh trưởng của lúa nếp Tú Lệ rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, chịu được chua và khả năng chống chịu sâu bệnh khá.
Theo đề tài nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp VN, yếu tố chính làm nên sự diệu kỳ của chất lượng nếp Tú Lệ là bởi: Nguồn gien quý hiếm; thổ nhưỡng của xã Tú Lệ có tính đặc thù hơn hẳn so với các xã lân cận như nước tưới có hàm lượng ion cao gấp 3 lần, lượng các nguyên tố khoáng K+, Na+, Ca2+, Mg2+ đều cao gấp 2 lần.
Ngoài ra, các yếu tố về tập quán canh tác như chỉ bón phân chuồng, phân xanh, không dùng phân vô cơ, làm cỏ duy nhất một lần sau cấy 30 ngày; sau khi gặt, lúa còn nguyên rạ được phơi tại ruộng 2 - 3 ngày, được đánh đống ngoài đồng và đập dần; gạo được giã bằng cối gió, cối nước... cũng cho chất lượng thơm ngon hơn.
Bảo tồn, phát triển chất lượng giống “lúa tiên”
Những năm trở lại đây, do chạy theo năng suất, người dân địa phương đã đưa một số giống lúa mới vào gieo cấy cận kề những thửa lúa nếp Tú Lệ, gây nên hiện tượng lai tạp thụ phấn tự nhiên và lai tạp cơ giới, làm cho chất lượng nếp Tú Lệ đứng trước nguy cơ suy giảm.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác như kỹ thuật chế biến, thời gian bảo quản, việc trà trộn nhiều sản phẩm mang danh nếp Tú Lệ… là những “lực cản” làm ảnh hưởng đến uy tín nhãn hiệu “Nếp Tan Tú Lệ” do Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho Hội Nông dân xã Tú Lệ năm 2008.
Về Tú Lệ mùa cốm nếp 2
Hai hộ làm du lịch cộng đồng tiêu biểu của xã Tú Lệ là hộ ông Sầm Văn Mới và ông Hoàng Văn Hoan, với vị trí đẹp từ nơi đây có thể thỏa thuê ngắm cánh đồng vàng rực đang vào vụ gặt
Trước đây, nếp Tú Lệ được gieo trồng trên toàn bộ diện tích của thung lũng Tú Lệ (khoảng 161 ha) nhưng hiện nay diện tích canh tác đã thu hẹp và phân tán chỉ còn khoảng 80 ha do sự du nhập các giống lúa mới có trợ giá cước của nhà nước. Hơn nữa, mấy năm gần đây do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu môi trường, lũ quét trở nên hung dữ đã làm xói lở nhiều chân ruộng màu mỡ và sa mạc hóa chừng 20 ha đất cấy lúa nếp Tú Lệ chạy dọc con suối Nậm Lung. (A2)
Ông Hồ Đức Hợp (Chủ tịch UBND H.Văn Chấn), chia sẻ mong muốn cấp thiết của địa phương là sớm được xây dựng tuyến kè ở những điểm xung yếu dọc suối Nậm Lung vừa để ngăn ngừa sản lượng giảm sút, chống xói lở và sa mạc hóa, vừa để ổn định đời sống dân sinh. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng khuyến khích, hỗ trợ bà con làm du lịch cộng đồng để gia tăng giá trị cho nông sản trong đó có nếp Tú Lệ.
Du lịch mùa cốm nếp Tú Lệ
Du lịch cộng đồng là hướng đi căn cơ nhằm đánh thức tiềm năng du lịch, góp phần nâng cao đời sống, việc làm, thu nhập và gìn giữ được lâu bền hương vị dẻo thơm của “hạt ngọc trời ban” cho Tú Lệ.
Được tạo hóa ban cho nếp Tú Lệ, suối nước nóng, những ngôi nhà sàn thơ mộng nhìn ra cánh đồng vàng óng vào mùa lúa chín, xa xa là những dãy núi mờ sương, cùng những tấm lòng thân thiện, mến khách và các món ăn mang đậm sắc thái vùng cao Tây Bắc… mấy năm gần đây, xã Tú Lệ đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách và “phượt thủ” sau khi tham gia Lễ hội xòe Nghĩa Lộ, hay trước khi chinh phục đỉnh đèo Khau Phạ và thăm danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Khi đất trời Tây bắc chớm lạnh cũng là lúc xã Tú Lệ luôn ngạt ngào hương cốm nếp, tiếng chày giã cốm thậm thình của những thiếu nữ Thái làm giăng mắc bao bước chân du khách. Trong tiết trời se lạnh, sau khi tắm suối nước nóng cùng bà con dân bản cuối ngày làm đồng về, bạn nhớ dừng chân ở một ngôi nhà sàn và thưởng thức món xôi “trời ban” kèm với món cá nướng trên bếp củi rực hồng thơm phưng phức thì sẽ thấy cuộc đời mình mãn nguyện lắm rồi.
Rời xa Tú Lệ, mà hương nếp cốm thơm, tiếng chày thậm thình, nụ cười thiếu nữ giòn tan bên suối nước nóng cùng câu hát “… xôi nếp dẻo, cá nướng thơm, em chờ anh đi quăng chài về…” như còn vương vấn, giục giã du khách hẹn ngày trở lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.