Trở lại mưu sinh: Vẫn gian khổ nhưng bớt âu lo

02/11/2021 05:29 GMT+7

Sau hơn 5 tháng “ở yên” vì giãn cách xã hội , nhiều người dân lao động tự do ở TP.HCM đã trở lại mưu sinh khi thành phố từng bước phục hồi kinh tế - xã hội.

Dẫu trước mặt vẫn còn bao gian khổ, nhưng đa phần họ đã bớt âu lo khi có thể trang trải cuộc sống cho gia đình.

Bớt bấp bênh là mong ước lớn

Tại xóm trọ công nhân và lao động tự do nằm trên đường Nguyễn Văn Chiêu, P.14, Q.Gò Vấp, sau hơn 5 tháng giãn cách xã hội, người dân đã bắt đầu đi làm trở lại.

Cả gia đình anh Phạm Nguyên Hiền (26 tuổi) và Võ Thị Diễm My (29 tuổi) suốt nhiều tháng giãn cách chỉ chôn chân trong căn phòng trọ rộng chừng 16 m2. Anh Hiền làm phụ hồ, còn chị My bán vé số dạo. Mỗi tháng 2 vợ chồng gom góp được tầm 10 triệu đồng lo các khoản sinh hoạt phí, thuốc men, chăm lo cho các con, không dư được đồng nào.

Anh Hiền kể, vợ chồng anh từ Bình Dương chuyển đến TP.HCM hồi tháng 3.2021. Được chừng hơn 1 tháng thì TP.HCM bắt đầu giãn cách xã hội, vợ chồng anh tạm ngưng công việc, sống cảnh thắt lưng buộc bụng chờ dịch qua. Suốt mấy tháng trời ở nhà không làm gì ra tiền, 2 vợ chồng thiếu 4 tháng tiền trọ, còn gạo và các nhu yếu phẩm, mọi người trong xóm trọ xin các nhà hảo tâm giúp đỡ rồi chia nhau.

Đầu tháng 10, TP.HCM nới lỏng giãn cách, anh Hiền tìm đến xin việc làm tại các công trình, nhưng chỉ làm được 2 buổi rồi lại tạm ngưng. Không có việc làm nên tầm giờ trưa mỗi ngày, anh Hiền chạy xe ra các công trình xây dựng để hỏi xin việc. “Chủ thầu nói còn dịch bệnh nên cũng không nhận người mới vào làm. Nhưng mình cứ đi rồi vào hỏi, biết đâu may mắn, gặp chỗ nào họ cần người thì nhận thêm. Mong bớt bấp bênh là mong ước lớn của lao động tự do như chúng tôi”, anh Hiền thở dài.

Bà Lê Thị Chí chuẩn bị đi mua ve chai

SONG MAI

Cách đó vài căn, ông Nguyễn Công Ngũ Thường (44 tuổi) dẫn chiếc xe máy cũ ra khỏi phòng trọ để đi đón vợ tan giờ làm. Ông Thường kể, 2 vợ chồng ở quê chuyển lên ở khu trọ này đã được 6 năm. Ông Thường lái xe ôm truyền thống, còn vợ ông phụ quán ăn ở gần khu trọ. Vợ chồng cùng làm lụng, tích góp tiền gửi về cho 2 con nhỏ còn đang đi học.

Sau giãn cách, vợ ông Thường quay lại phụ quán ăn gần khu trọ, công việc tính lương theo ngày. Còn ông Thường chạy xe ôm truyền thống, nhưng đậu xe từ sáng đến chiều vẫn không có khách. Được một người bạn giới thiệu, ông Thường xin vào làm nhân viên giao hàng cho một công ty gần nhà với mức lương thử việc 5 triệu đồng/tháng.

“Mấy hôm đầu ra đậu xe đợi khách mà không thấy ai nên tôi nản quá, bỏ về nhà nằm. Sau dịch, nhiều thứ thay đổi nên mình cũng phải tìm cách để thích nghi, ráng làm tốt để công ty nhận vào làm, để còn gửi tiền về cho con. 4 tháng qua, 2 vợ chồng ở nhà không có đồng bạc nào, nên tụi nhỏ ở quê đi học cũng không có tiền để lo. Cuộc sống giờ còn gian khổ lắm nhưng cũng bớt âu lo khi có việc đi làm lại”, ông Thường nói.

Ông Nguyễn Văn Hoa tiếp tục công trình xây dựng dở dang sau khi hết giãn cách

SONG MAI

Covid-19 sáng 2.11: Cả nước 923.451 ca nhiễm, 822.065 ca khỏi | TP.HCM ra quy định cách ly mới

Đôi ngả lựa chọn

Tại công trình xây dựng ở hẻm 185/63 Ngô Chí Quốc, P.Bình Chiểu (TP.Thủ Đức), ngay ngày 1.10, ông Nguyễn Văn Hoa (43 tuổi, quê Nghệ An) đã đi test nhanh Covid-19, nhận vật tư để tiếp tục xây dựng công trình dở dang. Ông Hoa kể, nhóm thợ xây của ông có 9 người cùng quê, nhận công trình xây dựng tại đây từ tháng 6.2021, được tầm 1 tháng thì công trình phải tạm dừng do dịch.

Gần 4 tháng qua, nhóm thợ xây của ông Hoa dựng chòi ở cạnh bên căn nhà 2 tầng đang xây dở. Không thể đi ra ngoài, gạo, thực phẩm cũng dần cạn kiệt. Bí quá, ông Hoa treo bảng “nhóm thợ hồ mắc kẹt, nhờ giúp đỡ” ở đầu hẻm. Mọi người trong con hẻm, ai đi ngang qua thấy thì gửi gạo, rau củ, mì gói… đỡ đần nhau qua dịch.

Ông Hoa chia sẻ, giãn cách mấy tháng liền, anh em ở công trình ai cũng nản, muốn bỏ về quê. Đến khi hết giãn cách, ông Hoa nhận vật liệu để tiếp tục làm, nhưng nhóm 9 người giờ chỉ còn lại 5 người. “Tôi khuyên họ ở lại nhưng họ không chịu. Họ nói 4 tháng giãn cách, không có thu nhập mà còn phải lo cho vợ con, nên nản quá rồi, giờ phải về quê rồi ra tết vào Sài Gòn làm lại”, ông Hoa nói.

Ngồi trong căn chòi dựng tạm ở công trình, ông Hoa nhẩm tính, chỉ tầm 1 tháng nữa căn nhà sẽ xây xong. “Ban đầu tôi định sau khi xây xong căn nhà này sẽ về quê, nhưng nghĩ lại vẫn còn 3 tháng nữa mới đến tết. Về thì được rồi, nhưng không có tiền cho vợ con nên tiếp tục ở lại. Đợi thành phố dần ổn định, tôi nhận thêm công trình khác để làm”, ông Hoa ngậm ngùi.

Người dân trong khu trọ ở hẻm 3/2 Nguyễn Văn Săng nhận quà từ nhà hảo tâm hồi tháng 9.2021

ĐÀO NGUYÊN

Khó khăn lúc đầu, gắng sẽ qua

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thảo (30 tuổi, quê Vĩnh Phúc; ở trọ P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú) cũng chồng chất nỗi lo sau giãn cách. Chị Thảo bán hàng rong, còn chồng thu mua lốp xe rồi bán lại. Hai vợ chồng tích góp tiền bạc gửi về cho 2 con đang ở quê cùng ông bà nội. “Đứa lớn năm nay học lớp 2, còn đứa nhỏ mới 3 tuổi. Dịch này, tụi nhỏ cứ gọi giục bố mẹ về quê”, chị Thảo rưng rưng.

Dịch giã kéo dài, khu trọ chị Thảo ở bị phong tỏa, giãn cách suốt gần 5 tháng. Không đi làm, số tiền tích góp trước đó được lấy ra dùng cũng dần cạn kiệt. Thấy hàng xóm dọn đồ lũ lượt về quê, vợ chồng chị cũng dần nản chí, nghĩ là không trụ lại được, định đăng ký xe để về. Nhưng ngẫm lại về quê xin việc khó khăn, không có tiền lo cho con nhỏ, vậy là vợ chồng chị đành ở lại khu trọ, ráng đợi hết giãn cách để đi làm trở lại.

“Mình đẩy xe đi bán rong ở quanh chợ Thị Nghè, Q.Bình Thạnh. Thời gian đầu, chắc chắn việc buôn bán vẫn còn chậm, nhưng lo tiền phòng, tiền ăn của 2 vợ chồng trước đã. Chừng mấy tuần nữa, Sài Gòn ổn định việc buôn bán lại, nếu có dư thì sẽ gửi về cho con”, chị Thảo nói.

Kể từ khi vợ mất, ông Trần Văn Ngà (66 tuổi, tài xế xe ôm truyền thống) sống một mình trong phòng trọ 10 m2, chỉ kê đủ chiếc giường và xe máy. Dịch bệnh, khu nhà bị phong tỏa, ông Ngà phải nghỉ làm. Suốt mấy tháng trời, ông chỉ ăn cơm với trứng chiên và rau luộc.

Sau khi hết giãn cách, ông Ngà cũng bắt đầu trở lại với công việc. Suốt mấy ngày liền, ông đậu xe ở hông chợ Bà Quẹo (Q.Tân Bình) từ sáng sớm đến chiều tối để đợi khách nhưng không ai đến thuê chở. Không có khách đi xe, ông gọi hỏi thăm những mối quen hay thuê ông giao hàng, nhưng hôm có hôm không.

Ông Ngà chia sẻ, ban đầu hết giãn cách, ông cũng chuẩn bị tinh thần trước, vì sau mấy tháng giãn cách, người dân ai cũng khó khăn: “Ra đợi khách mà không có nên tôi cũng nản, nhưng giờ không làm nghề này, tôi cũng lớn tuổi rồi, không biết chữ nên không chạy xe ôm công nghệ được. Có mấy khách quen thấy tôi ra đi làm lại, họ gửi cho 200.000 đồng, nói là giúp đỡ sau dịch. Ban đầu sẽ khó khăn, nhưng cố gắng thì cũng qua”. (còn tiếp)

Sống nhờ tình thương

Nơi con hẻm 3/2 Nguyễn Văn Săng (Q.Tân Phú) có nhiều khu trọ với hàng trăm gia đình là lao động tự do. Suốt 5 tháng nay, chấp hành phong tỏa, giãn cách, họ phải chạy ăn từng bữa, ai nấy đều lâm cảnh khó khăn, nợ tiền trọ nhiều tháng.

Những ngày vừa qua, người ở các khu trọ rục rịch đi làm. Phía trước cổng khu trọ, bà Lê Thị Chí (58 tuổi, quê Thanh Hóa) đang chít lại chiếc khăn lên đầu, rồi dắt chiếc xe đạp “ở yên” gần 5 tháng nay trong góc phòng ra lau chùi để chuẩn bị đi mua ve chai. Vào Sài Gòn mưu sinh được 12 năm, nhưng đối với bà Chí, khoảng thời gian đợt dịch thứ 4 này khiến bà khốn đốn nhất. Suốt mấy tháng, mọi người trong khu trọ phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, thi thoảng có quà tặng của phường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.