Trò kinh điển

19/04/2021 10:24 GMT+7

Trong ngoại giao quốc tế, việc chính quyền sở tại bắt giữ hay trục xuất các nhà ngoại giao của nước khác luôn là chuyện cực kỳ nghiêm trọng.

Nó phản ánh mức độ tồi tệ của quan hệ song phương hoặc mức độ rất nghiêm trọng của vụ việc được nước sở tại dùng làm nguyên cớ biện minh cho hành động. Như hiện tại, Nga bắt giữ và trục xuất nhân viên lãnh sự của Ukraine ở thành phố St.Petersburg. Ukraine đáp trả bằng quyết định trục xuất một nhà ngoại giao của Nga.
Nhân viên ngoại giao hoạt động tình báo gián điệp là cáo buộc thường được đưa ra nhiều nhất và cũng dễ chứng minh nhất. Nhưng một khi chuyện trục xuất nhân viên ngoại giao phục vụ cho nhu cầu chính trị thì bên trục xuất đâu có đếm xỉa gì đến tính xác đáng của nguyên ngân và nguyên tắc ngoại giao quốc tế. Chiêu trò này đã trở thành kinh điển trong thế giới ngoại giao.

Nga - CH Czech căng thẳng quan hệ vì cáo buộc điệp viên Nga dính líu vụ nổ kho đạn năm 2014

Phản ứng của bên có nhân viên ngoại giao bị trục xuất thường theo mô thức giống nhau. Cụ thể theo 3 nguyên tắc. Thứ nhất là giữ thể diện và vị thế quốc gia. Trục xuất như thế trong thực chất không phải là cú đòn nhằm vào cá nhân nhà ngoại giao bị trục xuất, mà nhằm vào thể diện và uy thế quốc tế. Vì thế, quốc gia bị nhắm tới thì cũng không thể không trả đũa. Thứ hai, có đi có lại là một trong những nguyên tắc cơ bản của ngoại giao và chỉ như thế mới hạn chế việc bên này tiếp tục lấn lướt bên kia. Thứ ba là nếu không ăn miếng trả miếng thích đáng về ngoại giao, thì sẽ bị nhìn nhận là có lỗi hoặc sai phạm. Cho nên trò trục xuất là kinh điển thì cách trả đũa cũng phải là kinh điển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.