Trò chuyện với Tony Buzan - chuyên gia hàng đầu thế giới về phương pháp tư duy

28/03/2007 19:39 GMT+7

Trong hai ngày 2 và 3 tháng 4, tại khách sạn Equatorial (TP.HCM) sẽ diễn ra chương trình "Khơi dậy tiềm năng sáng tạo và đổi mới để tạo lợi thế cạnh tranh" do Tony Buzan, chuyên gia hàng đầu thế giới về sức mạnh tư duy sáng tạo - trực tiếp huấn luyện. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Tony Buzan qua e-mail trước khi ông đến Việt Nam.

* Trước khi sang Việt Nam, ông có tìm hiểu gì về tập quán tư duy của người Việt?

- Trong năm 2005, tôi đã đến Trung Quốc 3 lần. Tại đây, NXB Harper Collins đã bán hết 250.000 quyển sách của tôi chỉ trong vòng 6 tháng. Ở Nhật, cuốn The Mind Map của tôi đã được tiêu thụ rất nhanh: 50.000 bản trong chưa đầy 4 tháng. Tôi cũng đã đến làm việc ở một số nước khác thuộc châu Á và tôi hiểu rằng không chỉ các cường quốc mới quan tâm đến phương pháp tư duy. Lịch sử đã chứng minh, do vị trí địa lý, đất nước các bạn rất thuận lợi để "nhìn ra thế giới" và tôi hiểu đấy chính là đặc điểm tư duy của các bạn. 

* Theo ông, đặc điểm tư duy của người Việt Nam hiện nay có khác gì so với người phương Tây?

- Trong từng lĩnh vực, người VN các bạn đều đã tạo những tiếng vang trên trường quốc tế. Các bạn có những công dân thật tuyệt. Tôi đã từng nghe đến tiếng tăm của GS Lê Tự Quốc Thắng - nhà Toán học tài ba, sinh viên Nguyễn Chí Hiếu - người đoạt danh hiệu "Sinh viên xuất sắc nhất nước Anh năm 2004" và qua Business Week, tôi cũng  biết Nguyễn Minh Hiếu, Công ty DreamViet được xếp hạng Top 20 doanh nhân U.25 được cho là xuất sắc nhất châu Á. Danh sách mà tôi sưu tập được khá dài!

Toàn cầu hóa đã là một thực tế và nó mang lại cơ hội rất lớn để hiện tại các bạn không còn phải quan tâm nhiều đến sự khác biệt Đông - Tây nữa.

* Khi nhận lời sang Việt Nam diễn thuyết, ông có thấy khó khăn gì không?

- Việt Nam nay đã là thành viên WTO, các bạn không ở ngoài làn sóng toàn cầu đặt mối quan tâm hàng đầu vào sự sáng tạo. Các bạn là dân tộc trẻ có óc cầu tiến, thế giới phẳng tạo điều kiện để các bạn có thể nhanh chóng đuổi kịp các nền kinh tế tiên tiến. Và vì thế, đến Việt Nam để làm việc với các bạn về phương pháp tư duy, nền tảng của sự sáng tạo lúc này, tôi có nhiều thuận lợi: sự hậu thuẫn của trào lưu và chính tinh thần cầu tiến, hiếu học của các bạn.

* Một trong những nội dung chính mà ông sẽ trình bày trong khóa huấn luyện lần này là phương pháp sử dụng Sơ đồ tư duy hay Giản đồ ý (Mind map). Phương pháp này của ông đã rất nổi tiếng trên thế giới hơn 3 thập niên nay và đang được khoảng 250 triệu người sử dụng, nhưng tại Việt Nam có rất ít tài liệu phổ biến nó...

- Ở đất nước các bạn, không ít công ty đa quốc gia đã đến và đã sử dụng công cụ này. Qua các công sự VN, tôi còn được biết có một nhóm các bạn sinh viên đã mày mò sử dụng Mind map. Các bạn này khá thành công và có được sự ủng hộ của trường đại học cũng như của giới truyền thông. Như vậy, trong thực tế, đúng là có ít nhưng không phải là không có.


ký tặng sách cho độc giả ở Anh
* Ông có thể cho biết quá trình hình thành, xây dựng và hoàn thiện phương pháp này?

- Để trả lời câu hỏi này, tôi xin kể lại ngắn gọn quá trình phát triển kỹ năng tư duy của tôi.  Khi tôi 13 tuổi, tôi tham dự một bài kiểm tra đọc nhanh và đạt được 213 từ cho 1 phút, xếp thứ hai trong lớp. Người đứng đầu lớp là một bạn gái đạt được trên 300 từ. Tôi đã hỏi giáo viên của mình làm thế nào tôi có thể tăng khả năng đọc nhanh của tôi lên và được trả lời rằng không thể. Lý do là tôi đã có khả năng phát triển thế mạnh về cơ bắp và thể chất, điều này dường như đã hạn chế tôi phát triển kỹ năng tư duy như kỹ năng đọc nhanh.

Tôi nhanh chóng rèn luyện đôi mắt và bộ não để tăng tốc độ thu thập những tư liệu viết/thông tin bằng văn bản, và chỉ trong thời gian ngắn tôi đã có thể đọc hiểu được trên 400 từ trong 1 phút. Đây là lần đầu tiên tôi nhận ra bộ não của tôi cũng giống như cơ bắp, và có khả năng rèn luyện được. Đọc nhanh đã vạch ra cho tôi một con đường và hiển nhiên đó là một điều quan trọng trong việc phát triển trí tuệ của tôi.

Điều này đã giúp tôi hoàn tất chương trình học ở trường phổ thông và đại học với tốc độ nhanh gấp 2 lần so với thời gian trước đây tôi học. Trong năm đầu học đại học, có một giáo sư tốt bụng đã giới thiệu với tôi một phương pháp luyện trí nhớ được phát triển từ thời Hy Lạp. Tôi lập tức áp dụng thử kỹ năng này vào việc học và thấy nó rất hiệu quả. Do vậy, tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động khác.

Trong nhiều năm qua, niềm đam mê về kỹ năng rèn luyện trí nhớ đã dẫn lối để tôi phát triển được công cụ trí tuệ mình, đó là Mind map. Ban đầu công cụ này được phát minh như một kỹ thuật nhớ đa chiều, nhưng sau đó, cùng với em trai của tôi, giáo sư Barry Buzan, tôi đã nhanh chóng khám phá ra rằng Mind map là một "Swiss army knife" (tạm dịch: công cụ đa chức năng) cho bộ não và cũng có thể ứng dụng trong bất kỳ lĩnh vực nào của tư duy, bao gồm trí nhớ, suy nghĩ sáng tạo, lên kế hoạch, ra quyết định, truyền thông...  Quyển sách về Mind map được viết hoàn toàn bằng cách sử dụng sơ đồ tư duy. 

* Sau khi hoàn thiện lý thuyết về phương pháp này, ông có dễ dàng phổ biến nó không?

- Đó thực sự là một cuộc chiến đầy cam go. Tôi còn nhớ trong một cuộc nói chuyện với các doanh nhân ở London về não bộ và sơ đồ tư duy, một doanh nhân đứng lên hỏi một câu hỏi rất lý thú nhưng rất quan trọng: "Những vấn đề liên quan tới bộ não rất thú vị, nhưng tôi chưa hình dung ra được bộ não thì liên hệ gì đến hoạt động kinh doanh?". 

Tôi đã thẳng thắn trả lời rằng bằng cách khuyến khích tư duy bức xạ (radiant thinking) và diễn đạt nó bằng công cụ Mind map, chúng ta sẽ tận dụng được hết khả năng sáng tạo của chúng ta theo cách tự nhiên và dễ dàng; điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và cho những nỗ lực khác. Đây là một kỹ thuật ghi chép đã và đang được sử dụng ở hầu hết các công ty như: IBM, Microsoft, General Motors, General Electric, Oracle, HSBC.

* Có phải tất cả mọi người đều có khả năng sử dụng được phương pháp của ông để khơi dậy tiềm năng sáng tạo?

- Bộ não mọi người đều có chức năng cao cấp hoạt động như nhau, nghĩa là mọi người đều có trí thông minh, tư duy và khả năng sáng tạo. Nhưng do những điều kiện giáo dưỡng khác nhau, họ chỉ sử dụng, phát triển một phần chức năng của não bộ mà thôi, bỏ quên việc phát triển các chức năng vốn có khác, làm cho chức năng này ngày càng lu mờ, giống như cơ bắp lâu ngày không vận động sẽ bị teo đi. Công trình nghiên cứu của tôi tập trung vào việc nhận biết nhiệm vụ và tiềm năng của bộ não, từ đó định ra phương pháp suy nghĩ, học tập nhằm không ngừng cải thiện não bộ giúp chúng ta thông minh hơn, hiệu quả hơn trong cuộc sống và trong công việc. Tôi tin chắc rằng mọi người đều có khả năng lĩnh hội và sử dụng thành công các phương pháp này.

* Xin cám ơn ông.

Tony Buzan sinh năm 1942 tại London (Anh), cha đẻ của phương pháp tư duy Mind map (Sơ đồ tư duy, Giản đồ ý). Tác giả của 92 đầu sách, được dịch ra trên 30 thứ tiếng, xuất bản trên 125 quốc gia. Ông đi nhiều nước trên thế giới để phổ biến phương pháp của mình. Là cố vấn cho một số tổ chức chính phủ và các công ty đa quốc gia hàng đầu như Hewlett Packard, IBM, BP, Barclays International, EDS..., giảng viên thường xuyên của các đại học Oxford, Cambridge... Ở Việt Nam, đã có 2 quyển sách dịch từ công trình của ông mới được xuất bản là Sơ đồ tư duy và Sử dụng trí não của bạn.

 

 

 

 

Phạm Thu Nga (Thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.