Trình Quốc hội giám sát chương trình phục hồi kinh tế

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/04/2023 17:03 GMT+7

Việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 dự kiến được trình Quốc hội quyết định giám sát trong năm 2024.

Chiều 11.4, tiếp tục phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.

Trình Quốc hội giám sát chương trình phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại phiên họp

GIA HÂN

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đã dự kiến, đề xuất 7 chuyên đề để xin ý kiến các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 5 chuyên đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lựa chọn 4 chuyên đề.

Cụ thể, chuyên đề 1 là việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Chuyên đề 2 là việc thực hiện chính sác h, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19 năm 2017 đến hết năm 2023.

Chuyên đề 3 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chuyên đề 4 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Chuyên đề 5 việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn các chuyên đề 1, 2, 3 và 4.

"Giám sát không có tính phản biện thì làm làm gì"

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả công tác giám sát chuyên đề thời gian vừa qua. Tuy nhiên, ông cho rằng, có lúc có nơi thực hiện giám sát còn hạn chế, tính phản biện chưa cao. “Giám sát không có tính phản biện thì làm làm gì. Phản biện trên tinh thần xây dựng, động cơ trong sáng thì càng tạo điều kiện phát triển lâu dài”. 

Trình Quốc hội giám sát chương trình phục hồi kinh tế - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

GIA HÂN

Nhấn mạnh tính thời sự của chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý thị trường bất động sản gắn với thị trường vốn, mà thị trường vốn thì đang rất vướng nên qua giám sát cần có sự hỗ trợ cho thị trường này. 

Liên quan đến thị trường vốn, tại báo cáo đầy đủ, Tổng thư ký Quốc hội đã có giải trình đối với các chuyên đề được nhiều cơ quan đề xuất nhưng chưa được lựa chọn, trong đó có các đề xuất liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu và các tổ chức tín dụng.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2022), Quốc hội đã tiến hành chất vấn các nhóm vấn đề nêu trên đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhà nước và đã ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn. Đồng thời, theo quy định của luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, tại kỳ họp thứ 6 sắp tới, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét toàn diện việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, trong đó có nghị quyết tại kỳ họp thứ 3.

Đối với các đề xuất liên quan đến các tổ chức tín dụng, hiện nay, dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được quyết định bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6. Theo đó, Luật này sẽ được sửa đổi toàn diện với nhiều chính sách mới quan trọng, Tổng thư ký Quốc hội giải thích.

Trong 4 chuyên đề được lựa chọn nói trên, tại kỳ họp thứ 5 (dự kiến khai mạc ngày 22.5) Quốc hội sẽ thảo luận, chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.