Triệu người thất nghiệp tìm việc ở đâu ?: Thay đổi để thích ứng với tình hình mới

28/09/2020 08:20 GMT+7

Bên cạnh đề xuất những chính sách hỗ trợ, các chuyên gia cho rằng bản thân người lao động cũng cần phải tự học, tự thay đổi để thích ứng với tình hình mới sau dịch Covid-19 .

PGS-TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - công đoàn - lao động Việt Nam, nhìn nhận đội ngũ công nhân đa phần không được đào tạo bài bản. Dịch Covid-19 ập đến bất ngờ, khiến hàng triệu lao động mất việc, thất nghiệp không kịp trở tay. Vì vậy, việc Bộ LĐ-TB-XH đề xuất trích quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo và đào tạo lại cho người lao động (NLĐ) là hoàn toàn hợp lý và cần thiết.
“Ngoài hỗ trợ đào tạo, các cơ quan dự báo thị trường lao động cũng nên lắng nghe tín hiệu của DN. Đây là điểm rất quan trọng, giúp cho NLĐ biết được họ đang cần gì, cần kỹ năng nào, tại sao phải đào tạo lại, phải chuyển đổi...”, ông Thọ đề xuất.

Tự học thêm kỹ năng

PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động xã hội, chia sẻ: “Tôi thấy rất sốt ruột, các ngành thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến phát triển rất nhanh, trong khi lĩnh vực lao động việc làm chưa có những giải pháp ứng phó với những thay đổi trên thị trường lao động. Chúng ta cần có một cuộc “cách mạng” về thị trường lao động, chính sách phát triển thị trường lao động hiện nay cũng cần đồng bộ hơn…, để NLĐ mất việc làm có cơ hội trở lại thị trường lao động sớm nhất, nhanh nhất”.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng NLĐ cũng phải tự thay đổi, việc chuyển từ ngành này sang ngành khác làm việc là bình thường. “Với thị trường lao động hội nhập, NLĐ không chỉ giỏi một nghề mà phải biết nhiều nghề, để có thể ứng phó những cú “sốc” thị trường như trong dịch Covid-19”, ông Huân nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc dịch vụ tuyển dụng và tư vấn nhân sự, ManpowerGroup Việt Nam, chia sẻ: “Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, ngoài xây dựng các phương pháp tổ chức và khả năng phục hồi sau đại dịch, chúng ta cũng nên khuyến khích NLĐ học thêm kỹ năng và không ngừng học hỏi trong thế giới việc làm thay đổi nhanh chóng”.

Cần nỗ lực đồng bộ

Để cứu việc làm và bảo vệ NLĐ dễ bị tổn thương, nhất là trước tác động của dịch Covid-19, TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, kêu gọi những nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ, tổ chức của NLĐ và người sử dụng lao động. “Việt Nam sẽ cần tiếp tục kiên định với các biện pháp kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ DN, việc làm và thu nhập; bảo vệ NLĐ tại nơi làm việc; và sử dụng đối thoại làm công cụ để chính phủ, NLĐ và người sử dụng lao động có thể tìm ra được giải pháp xử lý vấn đề”, ông Chang-Hee Lee nhấn mạnh.
Ông Tào Bằng Huy, Phó cục trưởng Cục Việc làm, cho biết ngoài gói 62.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân và NLĐ gặp khó khăn do Covid-19, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục tập trung đẩy mạnh các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, tạo thêm nhiều việc làm gắn với nâng cao thu nhập, đời sống của NLĐ; tăng cường giải quyết việc làm cho NLĐ từ Quỹ Quốc gia về việc làm.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.