Triệt nạn xây dựng trái phép ở Phú Quốc

28/08/2022 06:36 GMT+7

Cùng với sự bùng nổ của du lịch, tại Phú Quốc cũng “bùng nổ” vấn nạn lấn chiếm, xây dựng trái phép, hủy hoại rừng. Không để đảo ngọc bị băm nát, tỉnh Kiên Giang đã phải lập tổ công tác đặc biệt để xử lý.

Hàng loạt vụ vi phạm bị khởi tố

Theo ghi nhận của Thanh Niên, tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép xảy ra nghiêm trọng tại phân khu dịch vụ hành chính - khu bảo tồn biển Phú Quốc (địa bàn P.An Thới và xã Hàm Ninh, TP.Phú Quốc) với hàng loạt cá nhân, doanh nghiệp vi phạm. Trong đó, có nhiều cầu tàu ra vào đảo do người dân tự phát xây dựng để phục vụ nhu cầu của khách tham quan các đảo. Thậm chí có doanh nghiệp tiến hành nạo vét đá làm bờ kè, xây cầu bê tông xung quanh mũi hòn Mây Rút Trong với diện tích khoảng 880 m2. Cũng tại đây, có cá nhân, doanh nghiệp lấn chiếm, xây dựng trái phép quán ăn, khu bè nuôi cá, quầy bar và hàng chục bungalow…

Một công trình xây dựng trái phép tại Phú Quốc bị tháo dỡ

Sau khi vào cuộc kiểm tra, ông Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về xử lý vi phạm trong lấn chiếm đất rừng, xây dựng trái phép trên địa bàn TP.Phú Quốc, khẳng định sẽ xử lý triệt để các công trình xây dựng trái phép trên biển trong tháng 9. Các tổ chức, cá nhân xây dựng trái phép trong khu bảo tồn biển Phú Quốc đều thừa nhận hành vi sai phạm và xin tự tháo dỡ. “Trong tháng 9, tất cả công trình vi phạm phải tháo dỡ, nếu không tháo dỡ thì chúng tôi sẽ chỉ đạo cưỡng chế. Dứt khoát không có chuyện bao che sai phạm, sai tới đâu chúng tôi xử lý tới đó”, ông Quốc Anh nói.

Công trình xây dựng của Công ty TNHH MTV Minh Huy Phú Quốc tại hòn Mây Rút Trong lấn chiếm hành lang biển

XUÂN LAM

Tổ công tác đặc biệt của tỉnh Kiên Giang cũng đã thu hồi hơn 139 ha đất rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp bị chiếm sử dụng trái pháp luật, trong đó có gần 12 ha đất rừng phòng hộ, hơn 41 ha đất rừng đặc dụng. Cơ quan chức năng đã khởi tố 8 vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng và đang điều tra, củng cố hồ sơ 3 vụ. “Đối với việc kiểm tra, xử lý lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất rừng, đất trong khu vực bảo tồn biển, chúng tôi làm ngày làm đêm để giải quyết cho dứt điểm. Về đất rừng, chúng tôi từng bước truy tố các hành vi bao chiếm, lấn chiếm và lấy lại đất cho Phú Quốc”, ông Quốc Anh thông tin thêm.

Buộc tháo dỡ cả khách sạn 12 tầng

Ngày 17.8 vừa qua, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc, đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình khách sạn 12 tầng (của 1 cá nhân ngụ ở Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) trên đường Trần Hưng Đạo, thuộc địa bàn ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ (TP.Phú Quốc) do xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng được duyệt và chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn.

Trong đó, có công trình khách sạn với diện tích hơn 1.000 m2 gồm 12 tầng nổi và 1 tầng hầm không đúng quy hoạch xây dựng được phê duyệt; khu nhà ở nhân viên cấp 4 với diện tích hơn 1.600 m2 và công trình nhà hàng với diện tích xây dựng 473 m2 gồm 1 tầng hầm, 1 tầng trệt xây dựng trên đất trồng cây lâu năm, không đúng mục đích sử dụng đất. Ngoài việc phạt 61,5 triệu đồng, UBND TP.Phú Quốc còn buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm, nếu chủ công trình không chấp hành sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ.

Ngay khi có thông tin xử phạt buộc tháo dỡ công trình khách sạn quy mô này, dư luận đặt vấn đề vì sao một công trình xây hoành tráng như vậy, xây dựng trong một thời gian dài đến khi công trình sắp hoàn thành thì mới bị xử lý. Vậy trách nhiệm của chính quyền cơ sở, ngành chuyên môn như thế nào, có buông lỏng, bảo kê cho sai phạm hay không. Xử lý vi phạm bằng quyết định hành chính chỉ là xử lý phần ngọn, gốc của vấn đề vẫn là xử lý cán bộ, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hưng nói: “Không có trường hợp buông lỏng quản lý, nhưng trong thực tế có từng lúc từng nơi chúng tôi chưa kiểm tra và xử lý triệt để được. Phú Quốc khẳng định không buông lỏng quản lý, bởi từ năm 2018 đến nay, tức sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, các xã phường cũng như các phòng ban chuyên môn và thành phố đã cưỡng chế 646 vụ, kể cả xây dựng trái phép, lấn chiếm đất nhà nước quản lý, lấn chiếm đất rừng, quyết định thu hồi đất… Chưa có địa phương nào có số cuộc, số vụ cưỡng chế lớn như ở Phú Quốc”.

Theo ông Hưng, Phú Quốc là cấp chính quyền nông thôn mới lên chính quyền đô thị (từ cấp huyện lên cấp thành phố) từ đầu năm 2021. Về biên chế, về con người như P.Dương Đông và các xã trên địa bàn Phú Quốc chỉ có 2 cán bộ địa chính xây dựng, nhưng khối lượng, tính chất áp lực công việc (như phải xác định nguồn gốc đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khiếu nại, đối thoại, phải trả lời các hồ sơ cho tòa án), thì có rất nhiều nội dung phải làm. Một cán bộ phải trực 8 tiếng ở cơ quan để xử lý hồ sơ hành chính nữa nên có những lúc, những nơi làm không kịp.

Trong khi đó, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho biết trong thời điểm Tổ công tác đặc biệt của tỉnh ra quân hỗ trợ Phú Quốc như hiện nay, thì ưu tiên vấn đề xử lý, chặn đứng vi phạm trong xây dựng trái phép và lấn chiếm đất rừng trước. Sau đó sẽ có những cuộc làm việc, kiểm tra mổ xẻ trách nhiệm của các cấp, các ngành, cá nhân liên quan và có biện pháp xử lý nghiêm túc.

“Những tồn tại này chúng tôi đã nhìn nhận nhưng dứt khoát không có chuyện bao che. Biết anh em làm rất cực, rất khó khăn nhưng nếu sai thì sai tới đâu xử lý tới đó ngay trong công tác nội bộ, và xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, những quyết định xử lý cũng không thể nào phủ kín được trên địa bàn với diện tích rộng như thế. Quản lý khu bảo tồn biển và rừng quốc gia, rừng phòng hộ rộng hơn 40.000 ha nên chúng tôi rất chật vật. Chúng tôi đã ra rất nhiều văn bản chỉ đạo, lập rất nhiều tổ, riêng Phú Quốc lập khoảng 10 tổ công tác để đồng hành. Biện pháp hành chính có, quyết định hành chính có, con người cũng có nhưng với một đô thị phát triển nóng và nhanh như Phú Quốc khiến cho những cố gắng của địa phương chỉ có kết quả nhất định”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh nói thêm.

Năm 2022, năm cưỡng chế ở Phú Quốc

Theo ông Huỳnh Quang Hưng, ngay từ đầu năm 2022, Phú Quốc xác định năm nay chủ đề là cưỡng chế. Vào ngày 17.8 vừa qua đã cưỡng chế 8 trường hợp xây dựng trái phép và cưỡng chế rất nhiều trường hợp xây dựng đường bê tông trái phép trên đất nông nghiệp dạng phân lô bán nền.

Đến thời điểm này, Phú Quốc hiện có hơn 250 phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư. Theo quy hoạch, thành phố phải thu hồi giao đất cho nhà đầu tư lên đến 11.000 ha.

“Những vụ vi phạm, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động, thuyết phục không được nên phải cưỡng chế. Trong thời gian qua, cưỡng chế nhiều công trình dự án xây dựng, nhiều căn hộ, biệt thự… thấy rất là xót nhưng phải làm. Không phải ra Phú Quốc muốn xây dựng là xây dựng, tất cả phải có kỷ luật kỷ cương. Anh vô xây dựng trái phép thì tôi kiểm tra, xử phạt, cưỡng chế, còn xin phép xây dựng theo quy định thì làm sao mà cưỡng chế được”, ông Hưng nói.

Cũng theo ông Hưng, quan điểm của địa phương là tất cả vụ việc xây dựng trái phép, đặc biệt là lấn chiếm đất nhà nước quản lý, kể cả đất rừng, là ưu tiên xử lý trước. Còn những trường hợp đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà đất đó nằm trong quy hoạch chưa triển khai dự án hoặc chưa phê duyệt quy hoạch 1/2.000 hoặc 1/500, thì tùy theo trường hợp đủ điều kiện hay không đủ điều kiện để cấp phép xây dựng tạm hoặc cho sửa chữa theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.