Triệt hạ những chiêu trò giả mạo thương hiệu ngân hàng để lừa đảo

09/07/2020 05:15 GMT+7

Nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên bức xúc trước những chiêu trò giả mạo thương hiệu các ngân hàng lớn để lừa đảo.

Nhiều bạn đọc bức xúc trước những thủ đoạn giả mạo thương hiệu các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank... với những lời có cánh để lừa đảo lấy tiền của người dân đang nở rộ, yêu cầu cơ quan chức năng phải mạnh tay xử lý những chiêu trò trên.
Như Thanh Niên đã thông tin trên số báo ra ngày 8.7.2020, gần đây có những hình thức lừa đảo bán tiền giả lấy tiền thật. Những kẻ trao đổi tiền trên các trang mạng xã hội theo tỷ lệ 1 triệu lấy 10 triệu, hay 1 triệu lấy 6 triệu... yêu cầu người đổi tiền chuyển khoản và chiếm đoạt luôn. Thực tế, các hình thức lừa đảo trên công an đã từng phá án. Đáng lo ngại là lần này, kẻ lừa đảo tinh vi hơn khi gắn logo của các ngân hàng lớn, uy tín để lừa người nhẹ dạ, gặp hoàn cảnh khó khăn về tài chính và cả những người tham lam.

Trước tiên phải biết tự bảo vệ mình

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc (BĐ) trước việc nở rộ những chiêu trò giả mạo thương hiệu ngân hàng để lừa đảo. BĐ Nguyễn Hùng cho rằng: Điều đầu tiên là người sử dụng phải biết tự bảo vệ mình. Hãy đọc thật kỹ mọi thông tin về giao dịch, hợp đồng... Thấy vướng mắc là hỏi ngân hàng hoặc người có kinh nghiệm ngay. Thường cái gì lãi quá thì đừng tham, phải luôn cảnh giác.

Khi thực hiện giao dịch điện tử tốt nhất không sử dụng wifi free ở các quán cà phê, trung tâm... Nếu cần giao dịch thì sử dụng mạng 4G. Điện thoại cũng không nên cài đặt các ứng dụng lạ đòi hỏi nhiều quyền truy cập như camera, bộ sưu tập, danh bạ hoặc cao hơn là quyền truy cập hệ thống. Chỉ cài những ứng dụng thật sự cần thiết cũng như biết rõ về nó.

Viet Anh Nguyen

Cùng quan điểm, BĐ Hữu Phước lưu ý: Tự bảo vệ mình là rất đúng. Muốn vậy trước hết hãy trang bị cho mình chút kiến thức về giao dịch thương mại điện tử, online... Cần đọc báo nhiều để biết những cảnh báo từ báo chí, ngân hàng. Nói chung phải luôn tỉnh táo.
Trong khi đó, BĐ Hồng Ðiệp đề nghị: “Theo tôi, báo chí nên có mục kiến thức thường thức để chỉ cho mọi người biết cách giao dịch thương mại điện tử, online... Làm video nữa thì càng tốt, để giúp người nâng cao kiến thức”. Ý kiến này được BĐ Phương Trinh đồng tình ủng hộ, và cho biết thêm: “Có lần tôi thấy cô kia vào rút tiền thẻ ATM mà chẳng biết gì hết, cái gì cũng hỏi, rồi còn đọc cả password nhờ anh nọ rút giùm... Vậy thì nguy hiểm quá”.

Đừng khư khư “ôm” cái lạc hậu

Trong khi giao dịch thương mại điện tử, online… ngày càng thông dụng và là xu thế của thế giới, thì vẫn có một số người e ngại cái mới, một trong những nguyên nhân là lo sợ không an toàn. BĐ Tấn Thái chia sẻ: “Tôi có tài khoản ở ngân hàng nhưng không dám mở giao dịch thanh toán qua internet. Cứ cần tiền thì rút thẻ ATM, cần tiền nhiều hơn thì ra ngân hàng rút, vậy thôi. Cứ “truyền thống” vậy mà an toàn”.

Giờ tội phạm công nghệ cao nhiều quá, các giao dịch thương mại điện tử, online... bị chúng tấn công hoài. Mong nhà nước mình có nhiều biện pháp triệt hạ bọn lừa đảo này, để mọi người yên tâm khi giao dịch qua mạng.   

Khánh Ly

Chia sẻ này nói đúng tâm lý của một số người. Tuy nhiên, đáp lại, BĐ Khánh Long cho biết: Giao dịch thương mại điện tử, online... tiện lợi biết bao nhiêu, thế giới người ta đều thế. Mấy ông cứ “ôm” khư khư cái "truyền thống": rút tiền mặt, đến ngân hàng rút tiền... mà không dám xài cái mới thì xã hội sao phát triển được?
Để người dân yên tâm sử dụng giao dịch điện tử, BĐ Mộng Hoa cho biết: Hiện nay bọn lừa đảo rất giỏi công nghệ, thủ đoạn tinh vi... mình không rành là dễ dính bẫy. Mong các ngân hàng, báo chí luôn thông tin cảnh báo để mọi người cập nhật và cảnh giác. BĐ Lê Đức Đồng đề nghị công an nhanh chóng vào cuộc, tìm ra những kẻ chuyên lừa đảo này và xử lý mạnh tay để giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân. Đồng thời, các phương tiện truyền thông cần đưa ra những cảnh báo cho người dân biết để tránh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.