Triển vọng thuốc điều trị Covid-19 sản xuất tại Việt Nam

24/11/2021 06:32 GMT+7

Khi chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch Covid-19 , giao thương nhiều, số F0 gia tăng, nhu cầu thuốc cho F0 điều trị tại nhà ngày càng nhiều, nếu chúng ta không gấp rút chuẩn bị thì nguy cơ không có đủ nguồn thuốc đáp ứng.

Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây, một số liệu pháp mới, hiệu quả vượt trội trong điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 như sử dụng các thuốc kháng vi rút (Remdesivir, Favipiravir, Molnupiravir), các kháng thể đơn dòng đã được Bộ Y tế tiếp cận để nhập khẩu thành phẩm, nhập khẩu nguyên liệu phục vụ nghiên cứu, sản xuất và điều trị.

Thuốc Molnupiravir cho F0cách ly tại nhà ở TP.HCM

DUY TÍNH

Bản tin Covid-19 ngày 23.11: Công bố số ca nhiễm nhiều kỷ lục

Nhiều nơi "khan" thuốc Molnupiravir cho F0

Do số F0 cách ly tại nhà, cách ly tập trung có xu hướng gia tăng, với trên 63.000 ca vào ngày 22.11 (cộng dồn), TP.HCM vừa có văn bản đề xuất Bộ Y tế cấp 100.000 liều thuốc, nhưng Bộ chỉ cấp thêm được 5.000 liều. 5.000 liều với TP.HCM như “muối bỏ bể”, vì mỗi ngày TP.HCM có trên 1.000 F0 mới cách ly tại nhà. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết đang chờ Bộ Y tế cấp thêm.

Mới đây, phản ánh đến Báo Thanh Niên, một số F0 trên địa bàn TP.HCM báo trạm y tế (TYT) địa phương cho biết không có thuốc Molnupiravir để cấp.

TS-BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) Q.Gò Vấp (TP.HCM), cho biết quận đề xuất 1.000 liều Molnupiravir nhưng mới đây chỉ được Sở Y tế cấp 200 liều, trong khi mỗi ngày có khoảng 100 ca F0 mới. TYT hay khu cách ly nào cần gấp thì điều chuyển thuốc từ những nơi chưa sử dụng hết. “Thời gian trước nói thuốc thử nghiệm nên người dân không dám dùng. Còn bây giờ người dân đòi hỏi thuốc này nhiều nên hết thuốc. Người dân sử dụng vì hiệu quả điều trị, kinh tế và cả tinh thần”, TS-BS Hòa nói và cho biết khi nào Bộ Y tế cấp tiếp thì mở rộng cấp cho nhiều đối tượng.

BS Huỳnh Ngọc Thành, Giám đốc TTYT Q.11, cho biết thêm Q.11 còn rất ít thuốc Molnupiravir, không đủ cấp cho F0 dù được Sở Y tế mới cấp 200 liều. TP.Thủ Đức cũng chỉ còn hơn 200 liều sử dụng cho F0, chỗ nào thiếu thì điều phối, nhưng không đủ. TP.Thủ Đức cũng đang xin Sở Y tế nhưng chưa có.

Ngày 23.11, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết trong 2 loại thuốc đặc trị Covid-19 Đồng Nai đang sử dụng gồm Remdesivir và Molnupiravir thì chỉ còn Remdesivir. “Loại này dùng để tiêm cho BN điều trị ở tầng 3, vẫn còn nhiều. Còn Molnupiravir đang thiếu. Trước đây, Đồng Nai được cấp 600.000 viên Molnupiravir, đã sử dụng hết”, BS Vũ nói. Trong tuần vừa qua, mỗi ngày Đồng Nai ghi nhận thêm khoảng 500 ca mắc mới, nâng tổng số lên 83.388 ca nhiễm. Sở Y tế Đồng Nai đã ban hành hướng dẫn cho các huyện, TP mua sắm và phát các túi thuốc điều trị tại nhà cho F0. Tuy nhiên, thời gian gần đây người dân phản ánh khi gia đình có ca nhiễm, gọi điện đến TYT thông báo nhưng không ai bắt máy, một số F0 không được phát túi thuốc điều trị kịp thời. Về vấn đề này, ông Phan Huy Anh Vũ thừa nhận tình trạng trên, nhưng do địa bàn rộng, F0 nhiều mà lực lượng y tế mỏng nên không xử lý kịp, Sở đã chấn chỉnh.

Ông Đặng Thức Anh Vũ, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, cho biết thuốc điều trị cho BN Covid-19 trên địa bàn như kháng đông, kháng viêm không thiếu. Tuy nhiên, hiện thuốc Molnupiravir mới chỉ được Bộ Y tế phân bổ cho Bình Thuận 2.000 liều, chỉ đủ điều trị cho 2.000 BN F0, trong khi Bình Thuận đang có 5.452 F0 điều trị tại các cơ sở y tế. Hiện số thuốc đặc trị này đã được Sở Y tế phân bổ hết về cho các cơ sở điều trị trong tỉnh.

Cung cấp túi thuốc cho F0 cách ly tại nhà ở TP.HCM

DUY TÍNH

Covid-19 sáng 24.11: Cả nước 1.143.967 ca | Những lưu ý đặc biệt cho F0 cách ly tại nhà

Tìm nguồn thay thế đảm bảo điều trị

Kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ do Bộ Y tế triển khai tại 22 tỉnh, thành cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng vi rút, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ F0 có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với tải lượng vi rút thấp từ 72,1 - 99,1%.

Tỷ lệ F0 có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với tải lượng vi rút thấp gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp, từ 0,02 - 0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.

Các kết quả rất khả quan của chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của TP.HCM và các địa phương có dịch.

Từ cuối tháng 8.2021, chương trình điều trị có kiểm soát thuốc kháng vi rút Molnupiravir cho BN Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà được triển khai đầu tiên tại TP.HCM hiện đã mở rộng đến 34 tỉnh, thành.

Theo Bộ Y tế, hiện Bộ đã cấp khoảng 250.000 liều thuốc Molnupiravir cho các tỉnh, thành từ tháng 8 đến nay. Thuốc này được sử dụng trong chương trình điều trị có kiểm soát thuốc kháng vi rút Molnupiravir cho BN Covid-19 (F0) nhẹ và không triệu chứng tại nhà. Trước triển khai chương trình, Molnupiravir đã được thử nghiệm lâm sàng (TNLS) đánh giá về an toàn tại VN.

Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguồn thuốc Molnupiravir cho triển khai điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà đã được Bộ Y tế cấp gần hết cho các địa phương, nhưng tiếp tục có lô mới về đang hoàn tất thủ tục thông quan. “Ngoài Molnupiravir, chúng ta cũng có thuốc kháng vi rút đã sử dụng từ đầu vụ dịch, điều trị cho các F0 nhẹ. Trong tình huống gián đoạn nguồn cung Molnupiravir, chúng ta có thuốc thay thế”, một lãnh đạo của Bộ Y tế cho hay.

Ngoài ra, các thuốc điều trị F0 nặng cũng đã được Bộ Y tế cấp phép nhập về liên tục từ tháng 8 vừa qua. Trong đó có các thuốc điều trị BN nặng như: Remdesivir (được cấp phép hơn 2,2 triệu lọ, đã nhập khẩu 2,178 triệu lọ); Favipiravir 2 triệu viên; kháng thể đơn dòng (109.000 hộp thuốc Tolicizumab; 16.500 hộp thuốc Casirivimab and Imdevimab).

Trước tâm lý của người dân về khan hiếm thuốc điều trị Covid-19 nên đã tự tìm kiếm mua thuốc dự trữ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay: “Hiện thuốc kháng vi rút không được sử dụng để điều trị dự phòng Covid-19. Việc điều trị cũng cần phù hợp với diễn biến bệnh. Để đảm bảo an toàn, hiệu quả và đề phòng các tác dụng không mong muốn, việc sử dụng thuốc điều trị Covid-19 tại nhà cần có sự hướng dẫn, theo dõi sức khỏe của nhân viên y tế. Người dân không nên tìm mua thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc vì không được kiểm soát chất lượng, không đảm bảo hiệu quả”.

26 công ty nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị Covid-19

Theo Bộ Y tế, việc nghiên cứu, TNLS chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc điều trị Covid-19 và các vắc xin dự phòng Covid-19 là một trong những ưu tiên.

Cục Quản lý dược, Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan đang hoàn thiện hệ thống pháp lý để tạo cơ chế pháp lý thuận lợi cho việc nhập khẩu, sản xuất thuốc, vắc xin và cấp phép lưu hành. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Y tế cũng làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất tại VN về việc nhượng quyền tự nguyện để sản xuất thuốc Molnupiravir tại VN; chủ động hướng dẫn, hỗ trợ, các đơn vị nghiên cứu, các nhà sản xuất trong nước nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu TNLS, hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc điều trị Covid-19.

Một thành viên hội đồng cấp số đăng ký thuốc cho hay, các vấn đề pháp lý theo hướng cắt giảm thủ tục đang được hoàn thiện, sớm trình Chính phủ phê duyệt. “Đã có các đơn vị đạt chuẩn, đủ năng lực sản xuất thuốc. Các đơn vị cũng đã tìm kiếm, đàm phán mua nguyên liệu và đang sản xuất thử nghiệm”, chuyên gia này cho biết.

Theo Bộ Y tế, để đảm bảo lâu dài, chủ động nguồn thuốc điều trị BN Covid-19 nhẹ, điều trị sớm, giảm nguy cơ tăng nặng, bộ này đã cấp 78 đơn hàng nguyên liệu Molnupiravir cho 34 công ty, 55 đơn hàng nguyên liệu Favipiravir cho 26 công ty để phục vụ nhu cầu nghiên cứu sản xuất thuốc. Bộ Y tế cũng đang xây dựng các mức dự trù sử dụng thuốc, trong đó chấp nhận mua thuốc với số lượng đáp ứng nhu cầu cho kịch bản dịch có diễn tiến xấu, vì có khả năng dư thừa thuốc khi dịch được kiểm soát tốt.

Nỗ lực chủ động nguồn vắc xin từ sản xuất trong nước

Theo Bộ Y tế, VN là 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập được vi rút; nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, một số trang thiết bị y tế đảm bảo được trang thiết bị phòng hộ… Về nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, đã có 2 vắc xin được TNLS là NanoCovax của Công ty Nanogen và Covivac của Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC). Trong đó, 1 ứng viên vắc xin đang TNLS giai đoạn 3 là NanoCovax và 1 ứng viên vắc xin đang TNLS giai đoạn 1 là vắc xin Covivac. Dự kiến, quy mô sản xuất của IVAC khoảng 6 triệu liều/năm, Nanogen 20 - 30 triệu liều/năm, các đơn vị này có thể nâng công suất khi được đầu tư.

Về chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, Tập đoàn Vingroup đã đàm phán với nhà sản xuất của Mỹ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19 từ tinh chất mRNA. Nhà máy do Vingroup đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất khoảng 100 triệu liều/năm, dự định bắt đầu sản xuất từ quý 1/2022.

Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga về việc đóng ống vắc xin Sputnik-V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 9.2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm. Nhiều khả năng, cuối tháng 11 này, Sputnik là vắc xin Covid-19 made in VN đầu tiên được xuất xưởng.

2 đơn vị khác đang trong quá trình hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin từ Trung Quốc và Cuba.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.