Triển vọng tàu sân bay Nhật

22/05/2017 07:10 GMT+7

Với kinh nghiệm hơn 100 năm vận hành tàu sân bay, lực lượng tàu chiến Nhật Bản đã được bổ sung các chiến hạm oai lực để khẳng định vị thế.

Ngày 20.5, tàu khu trục JS Izumo và tàu khu trục JS Sazanami của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã có mặt tại Cam Ranh (Khánh Hòa) để tham dự chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2017.
Cả hai chiến hạm này đều thuộc nhóm tối tân với năng lực tác chiến mạnh mẽ. Trong đó, JS Sazanami thuộc lớp Takanami với độ choán nước toàn tải khoảng 6.300 tấn được tích hợp hỏa lực và hệ thống điều khiển điện tử hiện đại. Không được trang bị hệ thống hỏa lực mạnh mẽ như JS Sazanami, nhưng JS Izumo lại mang một ý nghĩa lớn hơn trong vị thế là chiến hạm lớn nhất Nhật Bản từ sau Thế chiến 2.
Không còn “ẩn mình chờ thời”
Ngược dòng lịch sử hơn 100 năm trước, vào năm 1914, hải quân đế quốc Nhật Bản khi đó tạo ra bước ngoặt lịch sử lớn khi triển khai tàu chiến Wakamiya, vốn có thể mang theo 4 thủy phi cơ Farman MF.11, đến gần khu vực Thanh Đảo (Trung Quốc). Từ đây, chiến đấu cơ Farman MF.11 với súng máy và bom, được đưa ra khỏi tàu Wakamiya bằng một hệ thống cần trục rồi xuất kích từ mặt nước tấn công lực lượng Áo - Hung và cả Đức ở gần đó. Lực lượng Nhật giành thắng lợi lớn trong trận đánh này, tạo ra dấu ấn lần đầu tiên tác chiến tàu sân bay được triển khai thực chiến. Lúc bấy giờ, Nhật chính thức vượt qua các cường quốc khác để vận hành tàu sân bay - dù Anh và Mỹ đã thử nghiệm từ trước.
Kể từ đó, hải quân Nhật dần tăng cường vị thế, có lực lượng tàu sân bay cực mạnh, tham gia nhiều trận đánh quy mô lớn trong Thế chiến 2. Tuy nhiên, do bại trận trong Thế chiến 2 dẫn đến nhiều thay đổi trong hiến pháp, hải quân đế quốc Nhật “khiêm tốn hơn” trở thành “Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản”, dẫn đến chịu nhiều hạn chế pháp lý về việc tăng cường phát triển công nghệ quốc phòng.
Thế nhưng trong thực tế, suốt từ giữa thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21, Nhật dường như theo đuổi chiến lược “ẩn mình chờ thời”, âm thầm phát triển công nghệ tàu chiến. Bằng chứng là đầu những năm 2000 rồi đầu thập niên này, Nhật lần lượt tung ra 2 lớp tàu khu trục Takanami và Akizuki được đánh giá có sức mạnh không hề thua kém lớp Arleigh Burke của Mỹ. Đặc biệt hơn, gần như song hành cùng sự ra đời của 2 lớp tàu Takanami và Akizuki, đất nước mặt trời mọc còn tung ra 2 lớp tàu khu trục chở trực thăng là Hyuga và Izumo. Nếu Hyuga có chiều dài chỉ 197 m thì lớp kế nhiệm là Izumo có chiều dài đến 248 m - vượt trội so với cả dòng tàu đổ bộ Mistral (Pháp) có thiết kế tương tự.
Năm 2016, một nghiên cứu được đăng tải bởi Trung tâm an ninh hàng hải quốc tế (Mỹ) chỉ ra rằng chiều dài 248 m của lớp tàu Izumo còn dài hơn tàu sân bay Príncipe de Asturias (Tây Ban Nha) với xấp xỉ 200 m và tàu sân bay Cavour (Ý) với 244 m. Ngay cả tàu sân bay tối tân của Pháp là Charles de Gaulle cũng chỉ dài 261 m, hay lớp tàu sân bay Queen Elizabeth cũng chỉ dài 280 m. Theo nghiên cứu trên, chiều dài 248 m của Izumo thừa sức để hoán cải thành tàu sân bay. Hơn thế nữa, so với thế hệ tiền nhiệm, tàu lớp Izumo cũng đã được bố trí hợp lý hơn các hệ thống vũ khí để tăng độ trống trải cho sàn tàu. Ngoài ra, lớp tàu này cũng đã được nâng cấp mạnh mẽ về hệ thống nâng hạ, điều chuyển và chứa máy bay ở mức có thể mang theo máy bay cánh cố định. Nói dễ hiểu hơn thì hệ thống “hậu cần” đáp ứng quá trình nâng lên sàn tàu hay đưa máy bay cánh cố định vào khoang chứa đều đã sẵn sàng trên Izumo.
Sẵn sàng 2 nhóm tác chiến tàu sân bay
Trong khi đó, theo chuyên trang Defense News, từ cuối năm 2015, Tokyo và Washington đã bắt đầu vận hành dây chuyền chế tạo chiến đấu cơ tàng hình F-35 ở Nagoya (Nhật). Thuộc nhóm chiến đấu cơ thế hệ 5, F-35 có phiên bản F-35B mang thiết kế cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng. Nhờ đó, F-35B được đánh giá là hoàn toàn phù hợp và có thể vận hành trên tàu Izumo. Vấn đề còn lại chỉ là hệ thống phóng đẩy để chiến đấu cơ có thể cất cánh. Về công nghệ này, từ giai đoạn Thế chiến 2, Nhật Bản đã đạt nhiều bước tiến mạnh mẽ, thậm chí đi trước cả Mỹ. Bên cạnh đó, Nhật đang là đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, và Mỹ lại đang nắm giữ công nghệ phóng đẩy chiến đấu cơ (CATOBAR) hiện đại nhất thế giới.
Chính từ những nền tảng đó, dù công nghệ nâng cấp được đánh giá là “tối mật”, thì việc biến tàu khu trục mang máy bay trực thăng Izumo thành “tàu sân bay” Izumo gần như nằm trong tầm tay của Nhật. Hiện nay, Tokyo đang sở hữu 2 chiến hạm thuộc lớp Izumo là JS Izumo (DDH-183) và JS Kaga (DDH-184). Cho nên, nếu triển khai nâng cấp, Tokyo chẳng mấy chốc sẽ sở hữu 2 tàu sân bay hiện đại. Kết hợp cùng các lớp tàu ngầm và tàu khu trục tối tân như Takanami, Akizuki thì Nhật có thể triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay hùng mạnh. Như vậy công nghệ và hạ tầng đã sẵn sàng cho Nhật, xứ sở mặt trời mọc chỉ cần sửa đổi hiến pháp để họ có thể phát triển lực lượng quân sự hùng hậu trên biển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.