Triển vọng mới về nguồn cung vắc xin Covid-19

Văn Khoa
Văn Khoa
19/11/2021 07:10 GMT+7

Mỹ có kế hoạch chi ra hàng tỉ USD để đẩy mạnh năng lực sản xuất vắc xin Covid-19 nhằm gia tăng nguồn cung cho toàn cầu, còn Ấn Độ sắp cung cấp lại vắc xin cho COVAX.

Tờ The New York Times hôm qua đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch chi hàng tỉ USD để mở rộng năng lực sản xuất, với mục tiêu cho ra ít nhất thêm 1 tỉ liều vắc xin mRNA/năm, bắt đầu từ giữa năm 2022.

“Kho vắc xin” cho thế giới

Đây là một phần trong kế hoạch mới của chính phủ Mỹ hợp tác với ngành dược để giải quyết nhu cầu vắc xin tức thì ở Mỹ cũng như các nước khác và thậm chí là ngăn chặn đại dịch tiềm tàng trong tương lai.

Nhiều người ở Ấn Độ được tiêm vắc xin Covid-19 Covishield

Reuters

Trong cuộc trả lời phỏng vấn về kế hoạch trên, ông David Kessler, quan chức giám sát việc phân phối vắc xin của Nhà Trắng, cho hay mục tiêu là trong trường hợp đại dịch hoặc vi rút mới xuất hiện trong tương lai, thì có khả năng sử dụng vắc xin trong vòng 6 - 9 tháng kể từ khi xác định được mầm bệnh đại dịch đó và có đủ vắc xin cho tất cả người Mỹ.

Ngày 17.11, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ đã gửi đề nghị cung cấp các ý tưởng liên quan từ ngành dược và mong muốn nhận được phản hồi trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, ông Jeff Zients, điều phối viên ứng phó Covid-19 của chính phủ Mỹ, cho rằng đối tác tiềm năng dường như không nhiều vì hiện chỉ có 2 nhà sản xuất vắc xin chính của Mỹ là Pfizer và Moderna đang sử dụng công nghệ mRNA.

Kế hoạch mới được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Biden cam kết chống Covid-19 bằng cách biến Mỹ thành “kho vắc xin” cho thế giới, theo The New York Times. Cam kết chống dịch này cũng mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Tờ The New York Times phân tích nếu tỷ lệ tiêm vắc xin vẫn còn thấp ở những khu vực khác của thế giới, cho phép vi rút tiếp tục lây lan, thì những biến thể mới nguy hiểm có thể xuất hiện và đẩy Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng lần nữa.

Chuyên gia Mỹ: tăng cường tiêm chủng, Covid-19 sẽ không còn ảnh hưởng đến cuộc sống

Trước đó, Mỹ đã cam kết tặng hơn 1 tỉ liều vắc xin Covid-19 cho nhiều nước có thu nhập thấp để hỗ trợ chống Covid-19, theo CNN.

Khôi phục nguồn cung cho COVAX

Trước khi chính quyền Mỹ công bố kế hoạch như trên, TS Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 15.11 cho hay Ấn Độ sẽ khôi phục nguồn cung vắc xin Covid-19 cho chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX trong tuần này, theo báo Financial Express.

Bà Swaminathan hy vọng sẽ có 30 - 40 triệu liều vắc xin Covid-19 Covishield, phiên bản được cấp phép của vắc xin AstraZeneca và do Viện Serum của Ấn Độ (SII) sản xuất, sẽ được chuyển cho các nước tham gia COVAX trước cuối năm nay. SII tăng gần gấp 4 số lượng liều Covishield, lên tới 240 triệu liều/tháng kể từ tháng 4, khi Ấn Độ dừng xuất khẩu vắc xin để tiêm cho người dân trong lúc dịch bệnh hoành hành, theo Reuters.

Trung Quốc nỗ lực khống chế dịch Covid-19 trong đợt bùng phát lớn nhất vì chủng Delta

Tính đến nay, COVAX đã cung cấp 500 triệu liều vắc xin cho 144 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo AFP ngày 17.11 dẫn số liệu từ Liên minh Vắc xin GAVI, một bên tài trợ cho COVAX. Hồi đầu năm, COVAX hy vọng sẽ phân phối tổng cộng 2 tỉ liều vắc xin cho cả năm 2021. “COVAX đối diện nhiều thách thức trong năm 2021, như lệnh cấm xuất khẩu, thiếu nguồn cung và chủ nghĩa dân tộc về vắc xin. Tuy nhiên, việc chuyển hàng đến các quốc gia đang diễn ra nhanh chóng vì chúng tôi cố gắng đảm bảo các nước có nhiều liều vắc xin để tiêm”, ông Seth Berkley, Tổng giám đốc điều hành GAVI, viết trên Twitter.

Hàn Quốc tiếp tục có ca nhiễm cao kỷ lục

Hôm qua, Hàn Quốc ghi nhận 3.292 ca Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, đánh dấu kỷ lục mới về ca nhiễm theo ngày tại nước này, và 506 trường hợp bệnh nặng. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đặc biệt lo ngại về tình trạng số ca mắc bệnh nặng, sau khi tiêm vắc xin đầy đủ hơn 78,5% dân số toàn quốc (trong đó hơn 90% dân số trưởng thành). KDCA cho hay tình trạng trên một phần cũng do hiệu quả vắc xin Covid-19 suy giảm theo thời gian. Vì thế, Hàn Quốc quyết định rút ngắn thời gian tiêm mũi 3 xuống còn 4 tháng kể từ khi tiêm mũi 2, dành cho đối tượng 60 tuổi trở lên, người làm việc hoặc sống ở viện dưỡng lão và những đối tượng dễ phơi nhiễm trước vi rút Corona chủng mới.

Cùng ngày, Nga thông báo đã có 1.251 nạn nhân thiệt mạng vì Covid-19 trong 24 giờ, mức cao nhất theo ngày từ trước đến nay. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay số ca Covid-19 tử vong ở châu Âu cũng tăng lên 5% trong tuần trước, trở thành châu lục duy nhất trên thế giới chứng kiến số ca tử vong gia tăng trong thời gian này.

H.G

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.