Triển lãm tranh Tạ Tỵ bị 'treo' vì tác quyền

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
01/05/2019 05:53 GMT+7

Văn bản của Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) cho biết hồ sơ tác phẩm trong triển lãm Tạ Tỵ chưa đảm bảo căn cứ về bản quyền tác giả. Hiện triển lãm vẫn đang bị 'treo', chưa biết có được cấp phép hay không.

“Treo” giấy phép
Trường hợp triển lãm Tạ Tỵ này cũng vậy thôi. Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm có thể yêu cầu chứng minh anh là chủ sở hữu các bức này. Họ phải có cam đoan đây là tranh thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đó
Họa sĩ, giám tuyển Lê Thiết Cương
Những mong chờ dường như khép lại sau buổi hội đồng thẩm định xem xét hồ sơ và tác phẩm muốn trưng bày trong triển lãm tranh Tạ Tỵ. Giấy phép đã bị “treo” sau hôm đó.
Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm ra văn bản, trong đó có nêu: “Sau khi xem xét hồ sơ xin cấp phép, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm đã mời hội đồng thẩm định tác phẩm xem xét hồ sơ và ảnh chụp tác phẩm vào ngày 4.4 và 18.4. Hội đồng thẩm định nhận thấy hồ sơ tác phẩm trong triển lãm chưa đầy đủ các căn cứ bảo đảm về vấn đề bản quyền tác giả. Hội đồng cần phải xem trực tiếp các tác phẩm trong triển lãm vào ngày 2.5.2019 tại phòng trưng bày, sau đó sẽ cấp giấy phép chính thức”. Văn bản trên do Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm Vi Kiến Thành ký.
Nếu như lý do trong văn bản chỉ là “chưa đầy đủ các căn cứ bảo đảm về vấn đề bản quyền tác giả” thì trong trao đổi với PV, ông Thành cho biết thêm một số chi tiết. “Trong số 19 tranh xin triển lãm (hội đồng đã xem trực tiếp tại tư gia) thì có 5 cái hội đồng thấy là mới ký lên tranh và có 2 cái không có chữ ký”, ông nói. Ông Thành cũng nhắc tới khả năng có thể cho trưng bày nhưng không trưng bày hết các tác phẩm mà gia đình muốn. Chẳng hạn, có thể loại một số tranh chưa đủ căn cứ về tác quyền.
Ông cũng chia sẻ lo ngại trong nhiều năm qua về việc có những triển lãm có thể “rửa” lý lịch cho tranh giả. “Nhất là triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật nữa thì càng phải hết sức thận trọng. Chúng tôi rất ủng hộ nhưng phải bảo đảm bản quyền chứ nếu không lại vỡ tung ra thành một vụ tai tiếng của ngành mỹ thuật về tranh thật tranh giả triển lãm đấy”, ông Thành nói. Cục cũng đề nghị Bảo tàng Mỹ thuật tạo điều kiện cho thuê phòng để kịp triển lãm vào ngày 3 - 5.5 tới.
Đáp lại, phía tổ chức triển lãm cũng đã gửi văn bản liên quan đến việc này vào ngày 23.4 tới Cục. Theo đó,
người đứng tên nộp đơn xin giấy phép triển lãm là bà Nguyễn Thi Mai Hoa cam kết thực hiện đúng các quy định pháp luật về triển lãm mỹ thuật và quy định liên quan khi tổ chức triển lãm. Bà Hoa cũng cam kết chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ xin cấp phép; đồng thời nêu vấn đề: “Trong trường hợp có tác phẩm bị từ chối, tôi yêu cầu Cục cung cấp công văn nêu rõ lý do cho những tác phẩm này”.

Thẩm định tranh chỉ bằng mắt

Nếu như mong muốn không để xảy ra vụ việc tai tiếng tranh thật tranh giả là tốt đẹp, thì quá trình hướng tới điều này lại rất bấp bênh. Chẳng hạn, liệu cách thẩm định của Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm có đủ tin cậy không. Điều gì đảm bảo tranh mà Cục sau thẩm định cho là thật không phải là giả và ngược lại. Đặc biệt, khi biên bản thẩm định không được xác lập và công bố công khai. Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, một đơn vị quản lý nhà nước, liệu có thể làm người phán xét việc tranh thật tranh giả của hàng ngàn triển lãm sẽ diễn ra hay không, nếu xét về năng lực và lượng nhân sự.
Về việc thẩm định tranh Tạ Tỵ, nhà nghiên cứu TS Phạm Long cho rằng, thẩm định bằng mắt thường sẽ rất khó khăn. “Rất khó đấy. Vì tranh của họa sĩ Tạ Tỵ rất ít người được xem tranh gốc do ông ấy vào nam từ rất sớm. Chẳng hạn, mình cũng không biết việc ông ấy có sao tranh ra để tặng mọi người không. Nếu ông ấy vào trong kia ông ấy vẽ thêm để tặng theo một yêu cầu nào đó thì mình cũng khó biết. Vấn đề phức tạp đấy”, ông nói. Tất nhiên, vấn đề sẽ càng phức tạp hơn khi việc thẩm định cho tới giờ mới chỉ bằng mắt. Việc sử dụng phương pháp hóa học, lý học là hoàn toàn chưa có. Chưa kể, theo ông Long, các phương pháp kia “rất tốn kém”.
Trong khi đó, PGS-TS Trang Thanh Hiền (ĐH Mỹ thuật Hà Nội) cho rằng, bản thân những người trong gia đình, hay nhà sưu tập không dại gì mang tranh giả ra một triển lãm công khai. Nếu triển lãm “dính” một bức tranh giả thì cả bộ sưu tập sẽ bị nghi ngờ. “Nó nguy hiểm ở chỗ anh mang ra triển lãm 1 bức tranh giả thì toàn bộ bộ sưu tập của anh bị nghi ngờ. Vừa rồi, Vũ Xuân Chung bị bức tranh giả của Tạ Tỵ - Thành Chương (vụ những bức tranh trở về từ châu Âu), thì người thiệt hại đầu tiên chính là nhà sưu tập, là ông Chung chứ. Mà đấy là do ông ấy sưu tập nhưng không biết”, bà Hiền nói.
Họa sĩ, giám tuyển Lê Thiết Cương cho rằng, nếu thẩm định bằng mắt thường không thể đảm bảo 100% thì tại sao không để chủ sở hữu chịu trách nhiệm về chính tranh của mình. “Đấy là cách Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) đang làm. Triển lãm mà tôi làm giám tuyển, khi tôi mượn tranh của các ông họa sĩ thì có ông chết rồi, có ông thì anh phải mượn của nhà sưu tập. Bao giờ bên VCCA cũng làm 2 loại biên bản. Một biên bản là tác giả. Trường hợp kia, ví dụ mượn tranh của bác Đào Đức thì anh Đào Hải Phong phải ký một văn bản ghi rõ tôi là chủ sở hữu những bức tranh này, tranh do bố tôi tặng cho tôi. Chỉ làm được đến thế thôi chứ làm sao khác được”, ông Cương chia sẻ.
Cũng theo ông Cương, Cục nên áp dụng cách này trong việc cấp phép. “Trường hợp triển lãm Tạ Tỵ này cũng vậy thôi. Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm có thể yêu cầu chứng minh anh là chủ sở hữu các bức này. Họ phải có cam đoan đây là tranh thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đó”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.