Triển lãm sách làm bằng vàng 'độc nhất vô nhị'

31/03/2016 16:07 GMT+7

Sáng 31.3, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội khai mạc trưng bày sưu tập kim sách và một số ấn liên quan. Trong đó, có những cuốn sách bằng vàng , bằng bạc kể câu chuyện của vua, hoàng hậu, hoàng thân…

Sáng 31.3, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội khai mạc trưng bày sưu tập kim sách và một số ấn liên quan. Trong đó, có những cuốn sách bằng vàng, bằng bạc kể câu chuyện của vua, hoàng hậu, hoàng thân…

Kim sách bạc mạ vàng được trưng bày tại triển lãm - Ảnh: Ngữ YênKim sách bạc mạ vàng được trưng bày tại triển lãm - Ảnh: Ngữ Yên
Triển lãm đã  trưng bày bộ sưu tập 22 quyển kim sách tiêu biểu và 10 kim bảo liên quan. Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, bộ sưu tập kim sách và ấn của bảo tàng hiện nay là độc nhất vô nhị.
Ông cũng cho biết, kim sách là một loại thư tịch cổ được làm từ kim loại quý. Bộ sưu tập kim sách hiện trưng bày của bảo tàng được làm từ vàng, bạc. Tuy nhiên, nó còn quý hơn khi trong đó ghi lại những việc chính sự, lễ nghi quan trọng như hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hay ghi công, ban tôn hiệu… Do đó, một giá trị khác của kim sách chính là giá trị sử liệu. Có thể nói, đây là triển lãm sách vàng, sách bạc kể chuyện hoàng cung thời Nguyễn.
Chẳng hạn, trong trưng bày có một kim sách chép về việc giáng chức. Theo ông Nguyễn Quốc Hữu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong sưu tập kim sách triều Nguyễn, chỉ có duy nhất một cuốn về giáng chức. Việc này liên quan đến Trang Ý Hoàng Thái hậu. Bà là Hoàng Quý phi của hoàng đế Tự Đức, được giao cai quản lục viện. Mặc dù vậy, bà bị giáng chức làm Trung phi do một lần cung nhân do bà cai quản tiến cơm chậm.
Ông Nguyễn Quốc Hữu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, những hiện vật ở đây đều là hiện vật nguyên bản và còn nguyên vẹn. Một thông tin khác cho biết, vào dịp Festival Huế năm nay, một vài hiện vật trong trưng bày này sẽ được mang cho BTC festival mượn.
“Tuy kim sách chưa được làm hồ sơ bảo vật quốc gia, nhưng nếu làm chắc chắn nó sẽ được công nhận danh hiệu. Có lẽ vì Bảo tàng Lịch sử quốc gia có quá nhiều bảo vật nên chưa làm hồ sơ cho kim sách thôi”, một chuyên gia về kim bảo ngọc tỷ nói.
Kim sách bạc mạ vàng. Niên hiệu Thành Thái năm thứ 1 (1889). Hoàng đế Thành Thái ca tụng công đức và tấn tôn Trang Ý Hoàng Thái hậu là Trang Ý Thuận Hiếu Thái Hoàng Thái hậu - Ảnh: Ngữ Yên
Kim sách bạc, mạ vàng. Niên hiệu Đồng Khánh năm thứ 2 (1887). Hoàng đế Đồng Khánh ca ngợi và tấn tôn Khiêm Hoàng hậu Vũ Thị Duyên làm Trang Ý Hoàng Thái hậu. Kèm theo ấn .- Ảnh: Ngữ Yên
Kim sách bạc mạ vàng, niên hiệu Bảo Đại thứ 9 (1934). Hoàng đế Bảo Đại phong lập Hoàng hậu Nam Phương. Bà là hoàng hậu cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn và cũng là hoàng hậu cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam - Ảnh: Ngữ Yên
Ấn Thái hậu chi bảo bằng vàng, niên hiệu Gia Long (1803-1810). Hoàng đế Gia Long cho đúc cùng kim sách tấn tôn Vương Thái hậu Nguyễn Thị Hoàn làm Hoàng thái hậu.- Ảnh: Ngữ Yên
Nhóm kim sách vàng niên hiệu vua Gia Long - ấn vàng đời Nguyễn Phúc Chu - Kim sách niên hiệu vua Gia Long.- Ảnh: Ngữ Yên
Kim sách bạc mạ vàng. Niên hiệu Tự Đức thứ 35. Hoàng đế Tự Đức giáng Hoàng Quý phi Vũ Thị Duyên xuống làm Trung phi, do chưa chu toàn chăm lo công việc vua giao - Ảnh: Ngữ Yên
Kim sách vàng. Niên hiệu Hàm Nghi thứ 1 (1885). Hoàng đế Hàm Nghi vâng theo di chiếu của Hoàng đế Tự Đức dâng tôn hiệu cho bà nội mình làm Từ Dụ Thái Hoàng Thái hậu. Kèm theo ấn vàng Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu chi bảo.- Ảnh: Ngữ Yên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.