Trí thức trẻ trải nghiệm mô hình phẫu thuật thực tế ảo

11/11/2022 16:11 GMT+7

Tại tổ thảo luận thứ 4 của Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2022, với chủ đề: “Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới hệ thống y tế”, các đại biểu trí thức trẻ được trải nghiệm những mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại vào lĩnh vực y tế.


Bác sĩ Hiển, một trong những trí thức trẻ tại diễn đàn, trải nghiệm mô hình thực tế ảo mô phỏng phòng phẫu thuật

Nhật Thịnh

Ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế rất cấp thiết

Mở đầu PGS.TS.BS Đào Việt Hằng, Phó giám đốc Trung tâm nội soi, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, Phó tổng thư ký Hội khoa học tiêu hoá Việt Nam, trình bày tham luận về nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hành lâm sàng tại Việt Nam và bài toán thực tế trong chuyên ngành tiêu hoá, vai trò của app và AI.

Chị Hằng cho biết mô hình khám chữa bệnh truyền thống ở Việt Nam hiện nay số lượng bệnh nhân rất lớn mà lực lượng y, bác sĩ thì mỏng nên luôn trong tình trạng quá tải, dẫn đến dễ có những sai sót, điều đó dẫn đến ngành y tế trở thành “điểm nóng” của xã hội.

Đứng trước thực trạng như vậy chị Hằng cho rằng nhu cầu ứng dụng thông tin trong lĩnh vực y tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, mặc dù chuyển đổi, ứng dụng thông tin nhưng phải đảm bảo khả năng kết nối (trong cùng một đơn vị y tế và giữa những đơn vị khác với nhau), và sự khả thi.

PGS.TS.BS Đào Việt Hằng chia sẻ tại tổ thảo luận

NHẬT THỊNH

Đối với bài toán trong lĩnh vực tiêu hoá, chị Hằng cho biết ở đâu bệnh tiêu hoá cũng nhiều dẫn đến quá tải về quá trình nội soi ở bệnh viện mỗi ngày. Số lượng bác sĩ nội soi ước tính mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của 5-10% dân số… Trong điều kiện như vậy, thì tỉ lệ bỏ sót những tổn thương ở Việt Nam mình sẽ rất cao do ảnh hưởng bởi yếu tố máy móc, quy trình, môi trường làm việc và con người. Nên giải pháp là đề xuất ứng dụng công nghệ tân tiến để tiết kiệm nguồn lực, sử dụng các thiết bị hỗ trợ phát triển tổn thương dễ dàng hơn…

“Thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng dữ liệu và xây dựng các thuật toán đi vào những bài toán hết sức cụ thể, như: đánh giá mức độ sạch của ảnh, xác định các vị trí giải phẫu khi nội soi, cũng như là phát hiện những tổn thương… Chúng tôi đã bắt đầu xây dựng hệ thống đào tạo từ xa, có 2 thứ mà chúng tôi cảm thấy thực tế là xây dựng hệ cơ sở dữ liệu chuẩn mà bác sĩ có thể sử dụng giống như một thư viện điện tử để học, thứ 2 là biến nó trở thành công cụ được gắn thuật toán AI vào và sau này hỗ trợ đắc lực cho câu chuyện đào tạo”, chị Hằng chia sẻ và cho biết như thế thì các bác sĩ ở vùng xa, tuyến huyện, tuyến tỉnh… không có điều kiện đi lên học để “cầm tay chỉ việc” thì có thể hoàn toàn đẩy ảnh, video lên và có các thuật toán để trợ giúp phát hiện những tổn thương cũng như đánh giá chất lượng ảnh. Thì bài toán này sẽ phù hợp hơn rất nhiều so với việc xây dựng một hệ thống các trang thiết bị mà bán được cho các cơ sở y tế.

Đại biểu trí thức trẻ tham dự tại tổ thảo luận

NHẬT THỊNH

Kết lại những chia sẻ của mình, chị Hằng nhấn mạnh: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế đóng vai trò quan trọng và có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Nếu chúng ta có góc nhìn đa chiều và liên ngành trong tiếp cận sẽ giúp tối ưu hoá các quy trình này một cách dễ dàng hơn. Chắc chắn các công cụ ứng dụng AI các app y tế sẽ ngày càng nở rộ tại Việt Nam nhưng vẫn cần thêm các dữ liệu và ứng dụng thực tế để chứng minh hiệu quả. Điểm cốt lõi nhất là cần sự gắn bó chặt chẽ giữa các bên về hoạch định chính sách, công nghệ thông tin và chính người bệnh nữa thì mới tạo được hệ sinh thái bền vững”.

Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong giảng dạy y sinh

Mở đầu bài trình bày của mình về công nghệ thực tế ảo - cuộc sách mạng trong giảng dạy y sinh, Nguyễn Hoàng Đức, CEO Akather Lab, nêu ra thực trạng hiện nay đội ngũ y bác sĩ của VN đang rất thiếu hụt, dẫn đến bất cập khi dịch Covid-19 ập đến thì ngay lập tức làm tê cứng cả hệ thống y tế.

Anh Đức còn chỉ ra hiện tại một bác sĩ cần phải 6 năm học đại học, 2 năm học sau đại học và 3 - 5 năm làm và tích luỹ kinh nghiệm nên suy ra mất tầm 11 - 13 năm để đào tạo được 1 bác sĩ, đây là một bất cập. Thời gian thực hành thì ít do điều kiện, thời gian thực hành hạn chế, không được tiếp xúc đa dạng mẫu bệnh.

Dự án công nghệ thực tế ảo trong giảng dạy y sinh

NHẬT THỊNH

Từ đó anh Đức đặt vấn đề: Liệu rằng công nghệ có giải quyết được những bài toán thực tế ở trên?

Tại tổ thảo luận, anh Đức giới thiệu về mô hình mô phỏng một phòng thực hành thực tế ảo, dùng mô hình 3D rất trực quan trong quá trình giảng dạy cho sinh viên. Các bác sĩ từ nhiều đầu cầu khác nhau đều có thể tham gia vào để phẫu thuật cho bệnh nhân thông qua mô hình thực tế ảo như thế này. Nên anh Đức cho biết hoàn toàn có thể ứng dụng mô hình này vào giảng dạy từ xa, rất phù hợp với những chuyên gia ở nước ngoài.

“Khi mang kính vào thì các mô hình 3D hiện ra ngay trước mắt như thật và chúng ta có thể cầm nắm và tiến hành phẫu thuật trong môi trường thực tế ảo. Khi làm sai thì máy sẽ báo lỗi, điều này giúp nâng cao được tay nghề và hạn chế được sai sót khi thực hiện trên thực tế. Sẽ số hoá hết và đưa hết những mô hình 3D đó lên mô hình thực tế ảo, vào một phòng phẫu thuật ảo và mọi người được tương tác một cách y như thật. Mô hình này hiệu quả vì dựa vào tâm lý học về hình ảnh, bộ não chúng ta nhớ hình ảnh nhiều hơn là đọc chữ. Và việc học từ trải nghiệm, tham gia mô hình thực tế ảo sẽ được cầm, nắm, sờ và trải nghiệm như thật, giúp bộ não chúng ta ghi nhớ lại quá trình đã xảy ra…”, anh Đức phân tích và cho biết nếu sử dụng công nghệ này sẽ tiết kiệm 10 lần chi phí so với đào tạo theo phương thức truyền thống, bên cạnh đó, vào phòng mổ thực tế chỉ được vài người, nhưng với mô hình 3D này thì nhiều người có thể tham gia cùng lúc.

Tại tổ thảo luận tập trung vào vấn đề nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới hệ thống y tế

NHẬT THỊNH

Sau khi trải nghiệm mô hình thực tế này, bác sĩ Phạm Như Hiển, Khoa ngoại Bệnh viện T.Ư Huế, đại biểu trí thức trẻ tại diễn đàn, chia sẻ: “Với một độ bác sĩ về ngoại khoa thì một điều rất quan trọng trong học tập là được trải nghiệm không gian phòng mổ, các quá trình phẫu thuật của các ca phức tạp… Và đương nhiên phòng mổ có rất nhiều yếu tố nguy cơ nên những bác sĩ trẻ và đặc biệt sinh viên có rất ít cơ hội trải nghiệm thực tế, đặc biệt là các ca phức tạp, nên những mô hình về các hệ thống mô phỏng quá trình phẫu thuật như này rất đáng khen ngợi và là điều rất thiết yếu. Tuy nhiên, về việc trải nghiệm người dùng, trải nghiệm nội dung thì có thể cải thiện thêm để hoàn chỉnh hơn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.