Trị chiêu vẽ bệnh moi tiền của phòng khám Trung Quốc

28/10/2017 09:25 GMT+7

Tại cuộc làm việc với các phòng khám Trung Quốc ngày 27.10, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ ra kịch bản moi tiền bệnh nhân của các phòng khám Trung Quốc.

Đó là tư vấn không đúng, đưa bệnh nhân lên bàn mổ và vẽ nhiều bệnh để moi tiền khiến nhiều bệnh nhân khiếu nại.
Tuy nhiên, một số bác sĩ phụ trách chuyên môn phòng khám Trung Quốc (PKTQ) cho rằng có những cái sai mà bản thân họ chưa lường được trước, bởi bác sĩ chuyên môn là người Việt, không ai muốn làm bậy nhưng kiểm soát chủ đầu tư thì rất khó. Chủ đầu tư PK chủ yếu vi phạm về tiền bạc và toàn bộ xảy ra trong phòng mổ nên rất khó biết.
“Vào phòng mổ họ đẻ đủ thứ lung tung thì không ai kiểm soát được. Chỉ có cách không cho PKTQ hoạt động, còn không phải siết ông chủ đầu tư”, đại diện PK 3.2 phát biểu. Vị này cũng cho rằng cần tách bạch trách nhiệm của chủ đầu tư và người phụ trách chuyên môn PK.
Đáp lại, TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho rằng ngành y tế chỉ quản lý người phụ trách chuyên môn kỹ thuật. Không thể một ca bệnh vào phòng mổ mà người phụ trách chuyên môn không biết? Ông Trạng khẳng định, giám đốc chuyên môn các PKTQ sẽ được giám sát đặc biệt và nhiều nguy cơ bị tước giấy phép hành nghề nếu để xảy ra sai phạm nhiều lần.
 TS-BS Bùi Minh Trạng đề ra 4 giải pháp “siết” các PKTQ:
Thứ nhất, các PKTQ sẽ phải chuyển bảng giá dịch vụ kỹ thuật lên Sở để công khai trên website, để kiểm tra PK có thu đúng giá, thu đúng dịch vụ kỹ thuật không.
Thứ 2, các PK phải chẩn đoán toàn diện bệnh nhân, bàn luận và đưa ra phương pháp điều trị ngay từ đầu. Tránh trường hợp trị bệnh này nhưng vào phòng mổ nói thêm nhiều bệnh khác. Nếu một bệnh nhân mà bị chẩn đoán 2-3 lần thì Sở sẽ mời bác sĩ chẩn đoán lên làm việc và xem xét lại trình độ bằng cấp. Không thể nhìn đầu thì nói bệnh mắt, nhìn mình thì nói bệnh bụng.
Thứ 3, Sở sẽ phải xem xét lại danh mục kỹ thuật của các PK hay vi phạm và sẽ giới hạn lại, đặc biệt là bệnh nam khoa, phụ khoa… Sở sẽ sẵn sàng làm vì lợi ích bệnh nhân.
Thứ 4, sắp tới Sở công khai số điện thoại của người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của PK. Những khiếu nại ban đầu PK phải giải quyết. Nếu bác sĩ phụ trách không ở đó mà chỉ cho thuê mướn chứng chỉ hành nghề thì Sở sẽ có cách xử lý khác, không thể nói là không biết chuyện xảy ra, là do bác sĩ TQ làm. Nếu không biết thì báo cho cơ quan nhà nước đến xử lý.
Ngoài ra, PK không được lưu bệnh quá 24 giờ. Nếu nói bệnh nhân xin lưu trú vì về không kịp thì phải đăng ký tạm trú tạm vắng. Nếu lưu bệnh quá 24 giờ thì sẽ bị xử lý.
TS-BS Trạng thông tin thêm, từ đầu năm đến nay, UBND TP.HCM và Sở Y tế đã ra 23 quyết định xử phạt các PKTQ với số tiền hơn 827 triệu đồng.
7 sai phạm chính của các PKTQ là: Kê đơn thuốc bằng tiếng TQ mà không dịch ra tiếng Việt; Không lập hồ sơ bệnh án; Hồ sơ bệnh án viết bằng tiếng Việt mà ký tên bác sĩ điều trị là người TQ; Thực hiện kỹ thuật không theo phát đồ, không đúng quy trình; Thực hiện kỹ thuật chưa được phê duyệt; Không đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn; Niêm yết giá dịch vụ khám, chữa bệnh không đúng quy định.

tin liên quan

Đột quỵ không 'chừa' người trẻ tuổi, khỏe mạnh
Nhiều trường hợp người trẻ tuổi, đang khỏe mạnh, không bệnh tật cũng có thể bị đột quỵ bất cứ lúc nào mà không hề có dấu hiệu báo trước. Con số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi đang gia tăng ở các bệnh viện.
Tại cuộc làm việc này, đại diện Phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an TP.HCM cho rằng thời gian qua ngành công an cũng nhận rất nhiều đơn thư của bệnh nhân liên quan đến PKTQ. Các PK không chỉ vi phạm chuyên môn mà còn có lừa đảo.
“Công an sẽ làm rõ vi phạm chuyên môn và các yếu tố vi phạm pháp luật tại các PK, trong đó có cả kinh doanh. Lưu ý nhất là bác sĩ phụ trách PK, nếu có vi phạm yếu tố pháp luật thì bác sĩ sẽ chịu trách nhiệm không nhỏ”, đại diện ngành công an cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.