Trị 'bệnh' sợ trách nhiệm

Mạnh Cường
Mạnh Cường
21/07/2022 06:00 GMT+7

Nhiều chính sách hỗ trợ chậm đến tay người dân khiến họ rất bức xúc. Điều đáng nói, việc chậm chi trả có nguyên nhân từ chuyện... cán bộ lo sợ trách nhiệm như Thanh Niên phản ảnh trong bài viết: Chậm hỗ trợ ngư dân vì cán bộ... sợ trách nhiệm?

Trong câu chuyện nêu trên, Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt QĐ 48), nêu rõ mỗi tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ sẽ được nhà nước hỗ trợ nhiên liệu tối đa 4 chuyến biển/năm. Trong đó, tàu cá từ 700 CV trở lên được hỗ trợ 100 triệu đồng/chuyến biển; tàu cá từ 400 - 700 CV được hỗ trợ 75 triệu đồng/chuyến biển.

Tuy nhiên, dù bước sang năm 2022 nhưng họ mới chỉ nhận được tiền hỗ trợ nhiên liệu theo QĐ 48 đối với các chuyến biển trong quý 1 và 2/2021 còn quý 3 và 4/2021 vẫn chưa nhận được.

Nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam phải nằm bờ dài ngày

MẠNH CƯỜNG

Các ngư dân khi tiếp xúc với chúng tôi đều muốn biết vì sao lại có sự chậm trễ này bởi để có tiền mua nhiên liệu và những thứ thiết yếu cho các chuyến đi biển, nhiều người đã phải “vay nóng”.

Một trong những nguyên nhân về sự chậm trễ này được ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho PV Thanh Niên biết: Đó là phiên tòa xét xử 3 cán bộ Chi cục Thủy sản đã ảnh hưởng đến việc chi trả, gây tâm lý “lo sợ trách nhiệm” cho nhiều cán bộ của đơn vị trong quá trình xử lý công việc.

Vấn đề “cán bộ sợ trách nhiệm” cũng làm nóng kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X. Nhiều đại biểu nhận định hiện nay, tâm lý “sợ sai” của cán bộ đang ngày một nhiều dẫn đến việc chậm hoặc không xử lý công việc.

Có đại biểu đã thẳng thắn nói: “Sở ngành nào, địa phương nào cũng chọn giải pháp an toàn; trên sợ thì dưới cũng phải sợ. Bây giờ anh nào cũng lo thủ, “mặc giáp” hết. Nhưng cán bộ run sợ thì dân và doanh nghiệp lãnh đủ”.

“Bệnh” sợ trách nhiệm đang trở thành mối nguy cho sự phát triển. “Bệnh” khiến nhiều cán bộ không chịu làm, cứ để việc đó. Điều này cho thấy đang có một “nỗi sợ vô hình” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, cần phải có “thuốc đặc trị” căn “bệnh” này, không thể để “bệnh” kéo dài lâu hơn, sẽ trở thành “mạn tính”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.