Tri ân thiết thực

26/07/2022 04:18 GMT+7

Trong cảm nhận ngôn ngữ của người Việt , “ liệt sĩ vô danh ” là cách gọi mang tính biểu trưng rất cao, và cái ý hàm súc trong đó là sự kính trọng mãi mãi, vô điều kiện đối với những con người đã hy sinh cho đất nước, đã dấn thân vào hiểm nguy vì đồng bào mà vì một lý do nào đó tên họ không được biết rõ.

Cái ngữ cảnh tâm linh rất quan trọng ở phía sau cụm từ ngữ này là sự thành kính tôn vinh của những người ở lại đối với những người đã vì đất nước mà xả thân. Thành kính tôn vinh nhưng lại không thể biết rõ họ tên, không rõ họ tên nhưng cũng không bao giờ được phép quên, nên người Việt mới gọi thay bằng cái tên chung đầy tôn kính: “liệt sĩ vô danh”. Đó là một cái tên chung, không còn là cái tên của một con người cụ thể nào nữa. Chúng ta có thể không rõ họ tên của nhiều liệt sĩ đã ra đi mãi mãi, nhưng họ luôn được gọi tên đầy đủ trong tấm chân tình tri ân của những người ở lại.

Chuyện chỉnh sửa cụm từ “liệt sĩ vô danh” thành “liệt sĩ chưa xác định được thông tin” xuất phát từ lập luận cũng rất chân tình, cũng là hành động hướng về những người đã nằm xuống mà không thể để lại họ tên. Nhưng lập luận đó, nhất là trong bối cảnh đời sống của không ít gia đình người có công vẫn còn khó khăn, lại trở nên có phần không hợp lý và chưa cần thiết.

Thiết nghĩ, tấm chân tình của người ở lại nên hướng nhiều hơn đến những việc làm thiết thực hơn, cụ thể hơn, giàu ý nghĩa hơn để tỏ lòng tri ân. Đó có thể là nỗ lực xây dựng một ngân hàng ADN để hỗ trợ xác định chính xác họ tên, lai lịch của người nằm bên dưới nấm mồ. Đó có thể là tìm nhiều sáng kiến hơn để kết nối thông tin từ các thế hệ cựu chiến binh với nhau và với những gia đình liệt sĩ vẫn đang còn giữ trong lòng nỗi đau mất người thân mà chưa tìm được hài cốt sau vài chục năm kết thúc chiến tranh. Thử hỏi những gia đình đang có người thân liệt sĩ chưa tìm được hài cốt xem, rằng họ mong mỏi điều gì từ chính sách của Nhà nước để hỗ trợ họ nhiều hơn trong việc tìm được nấm mộ hay hài cốt người thân?

Đó có thể là những cách thức thực tế hơn để chăm sóc các gia đình liệt sĩ, nhất là những gia đình neo đơn, khốn khó trong thời buổi kinh tế thị trường. Chiến tranh với họng súng, với bom đạn đã qua rất lâu rồi, nhưng cuộc chiến với những thách thức sinh kế có thể vẫn đang còn nóng bỏng trong cuộc đời của không ít bà mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ, con liệt sĩ, và người có công với cách mạng.

Chứ tấm chân tình không nhất thiết phải là sửa lại những tấm bia mộ trong nghĩa trang để thay cụm từ này bằng cụm từ khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.