Treo quyền lợi của dân, ai chịu trách nhiệm?

Nguyên Hằng
Nguyên Hằng
14/09/2020 04:50 GMT+7

Treo sổ đỏ , treo quyền xây dựng nhà cửa, treo quyền thế chấp khi có nhu cầu... Đủ các loại quy hoạch treo đang làm người dân khốn khổ, nhưng đợi để xóa thì không biết đến bao giờ.

Thống kê mới nhất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chỉ tính 53 dự án trên địa bàn TP có tới gần 30.000 căn hộ bị treo sổ hồng. Sở Tài nguyên - Môi trường TP cũng thừa nhận, hiện nay còn hơn 100 dự án đã nộp hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất nhưng chưa được giải quyết. Thế nên nếu thống kê đầy đủ hàng trăm dự án đã bàn giao nhà cho khách hàng, nhưng chưa được tính tiền sử dụng đất, thì số lượng căn nhà bị chậm cấp “sổ hồng” còn lớn hơn nhiều lần. Treo sổ hồng gây thiệt hại rất lớn cho người dân, họ không thể thế chấp tài sản để vay tiền ngân hàng khi có nhu cầu; muốn chuyển nhượng thì giá rẻ hơn so với các bất động sản đồng hạng đã có sổ. Quan trọng hơn, sống trong căn nhà chưa có sổ hồng, đa số đều không yên tâm, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, chất lượng cuộc sống, chưa kể những hệ lụy mà xã hội phải gánh chịu như khiếu kiện...
Tương tự, nhà đất của hàng vạn hộ tại TP.HCM gần 1 thập niên nay bỗng dưng bị treo bởi một số thuật ngữ mới trong Quyết định 60 (năm 2017) về diện tích tối thiểu được tách thửa như “đất dân cư xây dựng mới”, “đất hỗn hợp”... Thuật ngữ không có trong luật nhưng đã treo toàn bộ quyền lợi xây dựng, sửa sang nhà cửa cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng và tách thửa của người dân bao năm nay. Mới đây, TP.HCM có yêu cầu điều chỉnh hoặc xóa quy hoạch những khu vực quy hoạch thực hiện không khả thi để trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân liên quan đến quyết định này. Nhưng xin thưa, từ năm 2017 việc này cũng đã được hứa hẹn khi dự thảo sửa đổi Quyết định 33 (tiền thân của Quyết định 60), tuy nhiên đã gần 4 năm trôi qua, chuyện đâu vẫn còn đó.
Thực tế trên địa bàn TP.HCM, từ những con hẻm lớn nhỏ ra tới đường lớn là những lộ giới, chỉ giới treo lưu cữu thập niên này sang thập niên khác, nhưng không có một rà soát nào tháo treo... Trong khi các đồ án quy hoạch 1/2.000 đều yêu cầu bắt buộc phải có lộ giới các con hẻm, con đường nhưng nhà nước lại không có tiền để đền bù, nâng cấp, mở rộng nên cứ để đó. Mục đích của quy hoạch lộ giới là làm cho bộ mặt đô thị khang trang hơn, nhưng vì treo nên đã hình thành rất nhiều con đường, con hẻm cũ nát, ngập lụt, nhà cửa xập xệ do người dân không dám xây dựng, sửa chữa.
Theo Nghị định 91 của Chính phủ có hiệu lực vào đầu năm nay, nếu chủ đầu tư chậm làm sổ hồng cho người mua nhà sẽ bị phạt lên tới 1 tỉ đồng. Tuy nhiên rất nhiều dự án bị treo sổ hồng, rất nhiều quy hoạch treo, lộ giới treo, chỉ giới treo là do trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước thì lưu cữu từ năm này qua năm khác mà không thấy ai bị phạt, bị kỷ luật hay cách chức.
Nếu treo quyền lợi của dân mà không ai chịu trách nhiệm thì chắc chắn, tình trạng treo khắp nơi, treo đủ kiểu này sẽ vẫn còn tiếp diễn, quyền lợi người dân sẽ còn bị treo dài dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.